Kỳ vọng vụ nuôi tôm năm 2022

Lê An |

Thị trường dần ổn định, COVID-19 đang được kiểm soát, giá tôm thương phẩm từ sau tết Nguyên đán vẫn đang duy trì ở mức khá cao. Vì thế, người dân trên địa bàn tỉnh bước vào vụ nuôi tôm năm 2022 với kỳ vọng được mùa, được giá.

Trao đổi với chúng tôi khi đang tất bật chuẩn bị ao nuôi, tu sửa lại máy bơm, máy quạt nước để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới, ông Hoàng Trọng Hùng, thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh cho hay, trong năm 2021, do ảnh hưởng COVID-19 nên việc tiêu thụ tôm thương phẩm hết sức khó khăn, có thời điểm giá tôm hạ thấp chỉ còn 70.000 - 75.000 đồng/kg loại 100 con/ kg. Đối với ao nuôi tôm của ông mặc dù chỉ đầu tư cầm chừng, cắt giảm tối đa chi phí, tôm nuôi không bị dịch bệnh nhưng vẫn không có lãi. Do đó, khi COVID-19 đang dần được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh được mở cửa trở lại, lưu thông thuận lợi cộng với giá tôm sau tết Nguyên đán vẫn đang duy trì ở mức khá cao nên ông Hùng rất kỳ vọng vào vụ nuôi tôm năm nay.

Giá tôm thương phẩm đang ở mức khá cao nên người dân yên tâm hơn khi bước vào vụ tôm mới - Ảnh: L.A
Giá tôm thương phẩm đang ở mức khá cao nên người dân yên tâm hơn khi bước vào vụ tôm mới - Ảnh: L.A

“Vụ nuôi này tôi sẽ áp dụng quy trình nuôi tôm sinh học 2 giai đoạn để tôm nhanh lớn, hạn chế dịch bệnh. Đặc biệt, nuôi tôm sinh học sẽ hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh. Hiện nay, thương lái trước khi thu mua tôm đều lấy mẫu test kháng sinh. Tôm nuôi không tồn dư kháng sinh sẽ bán được giá cao hơn”, ông Hùng thông tin thêm.

Tại Hợp tác xã (HTX) Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, thời điểm này các hộ nuôi tôm cũng bắt đầu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào vụ nuôi tôm mới. Phó Giám đốc HTX Phan Hiền Trần Văn Dụng cho biết, vụ nuôi tôm năm 2021, nhiều hộ nuôi tôm của HTX bị thua lỗ nặng do giá tôm thương phẩm xuống thấp và dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, làm tôm nuôi bị chết. Do vậy, vụ nuôi tôm năm nay, HTX khuyến cáo các hộ nạo vét kênh cấp, thoát nước, kéo thêm đường điện để chạy máy sục khí. Áp dụng quy trình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, nuôi tôm sinh học. Ông Dụng cho biết: “Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu vụ, chúng tôi hy vọng năm nay dịch bệnh trên tôm nuôi sẽ được kiểm soát. Tôm nuôi nhanh lớn, được mùa, được giá”. 

“Để hỗ trợ người nuôi tôm, đơn vị đang phối hợp với cơ quan chuyên môn, các địa phương tiếp tục quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh các vùng nuôi tôm và kịp thời thông báo đến các hộ nuôi để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Hướng dẫn người nuôi tôm các biện pháp xử lý môi trường, phòng trị bệnh và chăm sóc thủy sản nuôi. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, công tác kiểm dịch tôm giống” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phạm Văn Hòa.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đình Lục thông tin, toàn huyện hiện có 335 ha diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Năm 2021, ngoài ảnh hưởng của COVID-19 làm giá tôm thương phẩm giảm thấp, dịch bệnh đốm trắng, hội chứng gan tụy cấp tính trên tôm nuôi còn gây thiệt hại với tổng diện tích trên 158 ha, khiến người dân thiệt hại nặng về kinh tế. Do vậy, bước vào vụ nuôi tôm năm 2022, ngay từ đầu năm, phòng tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai công tác nạo vét, sửa chữa kênh mương, cải tạo ao hồ. Hướng dẫn các hộ nuôi tôm đầu tư ao lắng để xử lý nước trước khi bổ sung vào ao nuôi nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi với phương châm “phòng là chính”. Xây dựng quỹ hỗ trợ dập dịch từ các hộ nuôi tôm để xử lý nhanh, có hiệu quả khi dịch bệnh xảy ra.

“Tôm sú và tôm thẻ chân trắng được huyện xác định là đối tượng nuôi chủ lực. Ngoài ra, có thể nuôi ghép kết hợp tôm sú - cua, tôm - cua - cá, tôm - cá. Những vùng nuôi có điều kiện vượt lũ thì nuôi thêm tôm vụ trái và các đối tượng khác như cá rô phi, cá đối, cua, cá nâu… để tận dụng ao hồ bỏ không, dinh dưỡng còn lại sau khi nuôi tôm nhằm cải tạo ao nuôi và tăng thêm thu nhập”, ông Lục khẳng định.

Toàn tỉnh hiện có trên 3.500 ha nuôi thủy sản, trong đó nuôi tôm nước lợ là gần 1.300 ha. Tổng sản lượng năm 2021 đạt khoảng 8.700 tấn, trong đó sản lượng tôm nước lợ đạt gần 5.500 tấn. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phạm Văn Hòa cho hay, vụ nuôi tôm năm 2022 dù được đánh giá là rất khả quan nhưng vẫn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức đến từ diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, dịch bệnh, giá cả. Một số vùng nuôi được hình thành từ lâu, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được các chỉ tiêu nuôi tôm thương phẩm, đặc biệt là nuôi tôm theo hướng VietGAP, nuôi tôm công nghệ cao. Trước những khó khăn dự báo trên, ngành nông nghiệp chủ động các giải pháp như: Nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng nuôi, đối tượng nuôi chủ lực phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản nuôi. Đặc biệt, linh hoạt trong việc xây dựng khung lịch thời vụ thả nuôi nhằm xác định thời điểm thả giống thuận lợi nhất, giúp hạn chế rủi ro, thiệt hại.

Về phía người nuôi tôm, để đạt năng suất, sản lượng và giá bán tôm thương phẩm cao cần tuân thủ đúng lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật, tăng cường sử dụng men vi sinh, định kỳ bổ sung khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm. Khi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu bị bệnh cần báo ngay cho trạm chăn nuôi và thú y, chính quyền địa phương để được lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn xử lý, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Dồn sức cho vụ nuôi tôm cuối năm

Thục Quyên |

Với những ưu điểm như giá bán cao, dễ tiêu thụ, hiện tại nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang tất bật dồn sức cho vụ nuôi tôm cuối năm với kỳ vọng sẽ thu được hiệu quả cao nhằm vớt vát lại phần nào những tổn thất do ảnh hưởng của COVID-19.

Tổng kết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm

Phan Việt Toàn |

Ngày 28/10/2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị tổ chức tổng kết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cần có giải pháp hỗ trợ người nuôi tôm

Trần Tuyền |

Mưa lớn kéo dài trong những ngày giữa tháng 10 vừa qua khiến mực nước trên các con sông dâng cao, làm ngập nhiều diện tích nuôi tôm của người dân huyện Gio Linh (Quảng Trị). Cũng vào thời gian này năm ngoái, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chịu thiệt hại nặng nề vì nước lũ cuốn trôi tất cả vốn liếng, tài sản đầu tư vào hồ tôm. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa lũ là người nuôi tôm nơm nớp nỗi lo trắng tay.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao

Ngọc Nhân |

Năm 2007, anh Trần Viết Quang, hội viên nông dân Chi hội Nam Sơn, xã Trung Giang, Gio Linh (Quảng Trị) đã mạnh dạn vay 1 tỉ đồng qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng với 2 ao tôm, diện tích mặt nước 8.000 m2, mỗi năm nuôi 2 vụ, số lượng tôm giống thả khoảng 50 vạn con/vụ, sản lượng đạt 6 - 7 tấn/vụ.