Từ lâu, vùng biên ải Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) được mệnh danh là thị trấn đầy nắng. Minh chứng là những loài cá trích, cá nục hàng ngày “thiên di” hàng trăm cây số từ biển Cửa Việt, Cửa Tùng lên phố núi này để “ăn nắng”.
Nắng dịu dàng chỉ đủ ấm vào những ngày đông; nắng khô khóc, nắng “nổ tre” vào những ngày đầu hạ.
Và chẳng biết từ bao giờ, một loài hoa “ưa nắng” để khoe sắc đã nghiễm nhiên trở thành loài hoa đại diện cho xứ này – hoa giấy!
Trong chuyến công tác lên phố núi Lao Bảo gần đây, nhà báo Lâm Hạnh (QRTV) đã nói với tôi rằng: “Lao Bảo có lẽ là thành phố của loài hoa osaka. Loài hoa đỏ như từng đốm lửa được mùa hạ thắp lên dọc những con đường ở xứ này. Và Lao Bảo nên tập trung vào cây hoa này để tạo nên điểm nhấn làm thương hiệu riêng”. Đó cũng là một ý kiến hay để tạo sắc diện cho đô thị biên ải này, vì quanh bờ hồ Tâm Thủy (hồ công viên Lao Bảo) có rất nhiều hoa Osaka (Nhật Bản) đang ở mùa rực rỡ. Nhưng theo tôi, đó không phải là “đại diện nặng ký” nhất. Thứ tôi muốn “khoe” có lẽ phải là hoa giấy. Thứ hoa dễ trồng nhưng không phải nơi nào cũng cho nhiều hoa và màu sắc lại thắm, rực rỡ như phố núi Lao Bảo này.
Những năm qua đã có những con đường mang sắc màu hoa giấy. Đó là trục quốc lộ 9 đoạn qua thị trấn, đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lý Thường Kiệt, Trần Phú… Những tuyến đường này được Trung tâm môi trường huyện đầu tư trồng và chăm sóc.
Thời gian gần đây, dưới sự chủ trì của Ủy ban Mặt trận thị trấn Lao Bảo, những tuyến phố mới được “hoa giấy hóa” bởi nguồn vốn xã hội. Đơn cử như tuyến đường Tố Hữu, tuyến đường vành đai dọc sông Sê Pôn đã được trồng loài hoa này. Những hộ dân sống hai bên trục đường này tự đầu tư 1 đến 3 chậu hoa giấy đủ màu trồng trong chậu theo quy cách đồng bộ của thị trấn. Thực tế đã tạo cảnh quan đẹp và có sức hút đối với du khách khi đi qua.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, cho biết: “Hoa giấy ở Lao Bảo phong phú chủng loại và đa dạng về sắc màu bởi được lai ghép từ hoa giấy Thái Lan. Mặc khác vùng đất này thường có nắng nhiều mà hoa giấy muốn ra hoa thì phải có nắng. Vì vậy nên đây là loài đặc trưng ở phố núi Lao Bảo.
Sắp tới, thị trấn sẽ tổ chức trồng thêm nhiều con đường hoa giấy từ nguồn vốn xã hội hóa. Trong tương lai không xa, hi vọng loài hoa này sẽ là thương hiệu, là bộ mặt của Lao Bảo trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC). Có được điều này, rất mong các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành ủng hộ”.
Một động thái của chính quyền thị trấn có lẽ rất quyết tâm khi người đứng đầu thị trấn bảo sẽ lắp đặt hệ thống camera ở các tuyến phố chính có trồng hoa giấy để giám sát, bảo vệ khi tình hình an ninh trật tự ở biên giới còn phức tạp.
Những du khách có cơ hội ghé cửa khẩu hay quá cảnh sang Lào khi qua Lao Bảo đều trầm trồ về “nhan sắc” của hoa giấy nơi này: Bông dày, màu đẹp; có những bụi hoa nhiều đến nỗi không tìm thấy lá.
Anh Nguyễn Phúc, một nhà báo người yêu hoa ở thành phố Đông Hà đã “nấn ná” đi không dứt và xin bằng được một nhánh hoa giấy lai (giữa giống Thái và Việt) khi đến nơi này. Đó là giống hoa với lá nhỏ như lá sanh, lá si nhưng hoa lại dày và rất thắm.
Bà Tham Say La Puong, một người Lào đã đưa loài hoa giấy xứ Thái “vượt biên” sang Lao Bảo bày bán quanh bờ hồ công viên Lao Bảo trong thời gian gần đây. Mỗi bầu hoa giấy đủ màu sắc được bán với giá từ 20 đến 50 ngàn đồng. Mỗi ngày xuất bán vài trăm bầu, khách mua chủ yếu người dân yêu hoa Lao Bảo. Ai đó đã trầm trồ, rằng thị trấn Lao Bảo đã “bội thực” hoa giấy, trong một ngày không xa sẽ là thiên đường của giống hoa ưa nắng này.
Hoa giấy không chỉ được trồng nhiều ở các địa điểm công cộng, các trục đường chính qua thị trấn mà còn là loài hoa được người dân ưa chuộng trồng trong vườn nhà, cổng và tường rào tạo nét tươi mới, đẹp đến nao lòng.
Trong sương mờ lãng đãng phố núi, dưới nắng hường quên hẳn những tàn phai, nghiệt ngã. Cùng với bằng lăng tím ở xứ sương mù Khe Sanh, hoa dã quỳ ở thủ phủ càphê Arabica Hướng Phùng, hoa giấy như một ‘mặc định” của đất trời cho Lao Bảo sẽ là những địa danh đệ nhất hoa ở vùng cao Hướng Hóa.
Để một phút đi qua, lưu khách vướng víu, gợi nhớ trong hồn, rằng: À, Lao Bảo đâu chỉ có gió Lào.
Đó phải chăng là chút lãng mạn của phố núi biên ải xô bồ?