Ngày 17/2, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị tổ chức họp đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam ghi nhận nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được những kết quả tích cực trong chuyển đổi số của các cấp, ngành, đơn vị liên quan.
Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số của tỉnh còn những vấn đề quan tâm, một số chỉ số về chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn thấp.
Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển KT - XH địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam yêu cầu trong năm 2023 cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền; phân công các ngành phụ trách và chịu trách nhiệm về tiêu chí chuyển đổi số liên quan; nỗ lực cải thiện, nâng cao các chỉ số chuyển đổi số thấp, đi liền với giữ vững, phát triển các chỉ số cao; tập trung nâng cao tỉ trọng kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; có phương pháp, cách làm phù hợp để huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động chuyển đổi số…
Không chuyển đổi số thì sẽ tụt hậu, do vậy các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phải có quyết tâm rất cao, trong đó cần phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí của người đứng đầu.
“Việc chuyển đổi số phải được thực hiện một cách bài bản hơn, trọng tâm, trọng điểm, thực chất hơn… Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, làm động lực của chuyển đổi số”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, trong năm qua, công tác chuyển đổi số trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực.
Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và nhiều văn bản liên quan đã được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số. Trên địa bàn, hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được hoàn thiện. Nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh đã được triển khai tích hợp với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành trung ương.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, các sở, ban, ngành, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số. Hiện nay, 100% sở, ban, ngành, địa phương có cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã cung cấp 1.126 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hệ thống văn phòng điện tử đã được triển khai đồng bộ đến 100% cơ quan nhà nước trong tỉnh. Tỉ lệ văn bản được gửi qua mạng giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 98%.
Việc thúc đẩy phát triển kinh tế số đã được chú trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Người dân trên địa bàn đã từng bước ứng dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt để trả các loại phí, lệ phí và hoạt động kinh doanh, mua sắm trong cộng đồng.
Năm 2023, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chỉ đạo, điều phối các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Một số nhiệm vụ chính là: Tập trung triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong tỉnh; ban hành kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tăng tỉ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh; nâng tỉ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh; tiếp tục đánh giá, phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin cho các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước…
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh cần sớm ban hành văn bản chỉ đạo việc nâng cao chỉ số DTI của tỉnh trong thời gian tới; giao chỉ tiêu cho các sở, ngành, địa phương tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; ưu tiên bố trí đủ kinh phí triển khai Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)