Với đặc thù là huyện thuần nông, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp huyện Triệu Phong (Quảng Trị) triển khai nhiều giải pháp giúp người dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh (SX-KD) nâng cao đời sống.
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 63,4 triệu đồng. Mức giảm tỉ lệ hộ nghèo năm 2021 là 1,06%, năm 2022 là 1%. Riêng đối với phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, năm 2022 toàn huyện có 4.806 hộ đạt danh hiệu SX-KD giỏi các cấp, trong đó 14 hộ đạt cấp trung ương, 146 hộ đạt cấp tỉnh, 928 hộ đạt cấp huyện, số hộ còn lại đạt danh hiệu cấp xã. Từ phong trào thi đua SX-KD giỏi đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình tiên tiến, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào SX-KD đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mới đây, Đại hội Hội Nông dân huyện Triệu Phong nhiệm kỳ 2023- 2028 xác định, hằng năm phấn đấu có từ 60% số hộ nông dân đăng ký phấn đấu và trong số đó có 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu SX-KD giỏi các cấp, giúp đỡ từ 2,5- 3% số hộ nông dân thoát nghèo. Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Phong Phạm Xuân Hiệp cho biết, giải pháp được Hội Nông dân huyện quan tâm nhất đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo đó, Hội Nông dân huyện không ngừng nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi, vận động nông dân đoàn kết giúp đỡ nhau giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu, để ngày càng có nhiều hộ nông dân SX-KD giỏi quy mô lớn. Hiện nay, toàn huyện có 14.691 hội viên thuộc 18 cơ sở hội ở các xã, thị trấn.
Mặt khác, hội nông dân trong huyện làm tốt vai trò đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học với các hộ SX-KD giỏi xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để nhân rộng.
Đồng thời vận động nông dân tham gia các hình thức tập trung ruộng đất để nâng quy mô sản xuất, phát triển nhanh mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng cánh đồng lớn để tạo ra vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Vận động nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Cùng với đó, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, đảm bảo nguồn vốn ở các cấp tăng trưởng và sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Hội nông dân tiếp tục phối hợp với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện giúp nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Tổ chức các hoạt động khuyến công, khuyến nông, trong đó chú trọng tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng mô hình trình diễn để hội viên, nông dân áp dụng vào sản xuất cũng như tăng cường cung cấp thông tin thị trường, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp giúp hội viên nông dân nâng cao quy mô sản xuất và xây dựng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết SX-KD; tham gia thực hiện các chương trình, dự án sản xuất sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Một giải pháp mà Hội Nông dân huyện quan tâm đó là đẩy mạnh tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, nâng cao năng lực truyền thông giúp nông dân tiếp cận được thông tin về chủ trương, chính sách, khoa học và công nghệ, thị trường và các hoạt động của hội.
Đồng thời vận động hộ SX-KD giỏi giúp hộ nghèo về kỹ thuật, vốn, vật tư và kinh nghiệm sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân, trong đó chú trọng nghề truyền thống, nghề mới, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất.
Nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về ý thức, tinh thần khởi nghiệp bằng nhiều phong trào thi đua, mô hình thiết thực và giải pháp sáng tạo. Phát hiện, bồi dưỡng và đề xuất giải pháp vận động, hỗ trợ cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy nội lực của nông dân trong phát triển kinh tế.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 04 ngày 29/7/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Tập trung xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm, tổ liên kết phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng cơ sở để giải quyết những khâu, những việc mà từng hộ không làm được hoặc làm không có hiệu quả để xây dựng được nhiều mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả.
Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế tập thể trong và ngoài huyện để áp dụng triển khai thực hiện…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)