Ngày 29/11, Sở Công thương phối hợp Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng năm 2024.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.
Các hình thức kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới đang trở nên phổ biến, mang đến nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế khiến các đối tượng xấu lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người tiêu dùng.
Để hoàn thiện hành lang quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với thực tiễn, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2024, thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010.
Với 7 chương, 80 điều, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định rõ hơn về quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên, giảng viên phổ biến các quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; quy định về đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; nội dung giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Đây là những nội dung quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tích cực phối hợp tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của những tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính, đảm bảo thị trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)