Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị vừa tổ chức hội nghị tổng kết mô hình tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc tại xã Hải An, Hải Lăng (Quảng Trị).
Đây là quy trình nuôi mới, lần đầu tiên Trung tâm triển khai trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế.
Tham gia thực hiện mô hình hộ dân được Trung tâm hỗ trợ ban đầu 50% chi phí giống và 40% chi phí thức ăn công nghiệp cho tôm nuôi, phần còn lại hộ dân tham gia mô hình đóng góp để thực hiện theo yêu cầu của chương trình. Bên cạnh hỗ trợ nguồn giống, thức ăn Trung tâm Khuyến nông còn chuyển giao khoa học kỷ thuật để hộ dân thả nuôi theo đúng quy trình, đạt hiệu quả.
Hệ thống ao nuôi mô hình tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc được thiết kế gồm: 1 ao ương, 2 ao nuôi và 1 ao xử lý. Giai đoạn đầu tôm nuôi được tiến hành nuôi trong ao ương thể tích 120 m3, đây là ao tròn bằng khung sắt, được xây nổi trên mặt đất. Sau đó chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2 diện tích 1.800m2, ao nuôi giai đoạn 3 diện tích 2.000m2 hệ thống quạt nước, oxy đảm bảo.
Thực hiện mô hình Trung tâm đã tiến hành thả giống tôm thẻ post 12 với số lượng 400.000 con vào ao ương, tại đây tôm được nuôi trong vòng 1 tháng, khi tôm đạt kích cỡ 900 con/kg sẽ chuyển sang ao nuôi thứ 2. Trong giai đoạn 2 nuôi tôm nuôi 1,5 tháng khi đạt kích cỡ 145 con/kg thì chuyển sang giai đoạn 3 để nuôi.
Việc áp dụng quy trình tạo biofloc, cũng như quy trình nuôi 3 giai đoạn, đã giúp cho môi trường ao nuôi sạch hơn và thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh. Sau 4 tháng nuôi tỷ lệ sống ước đạt 75%, khối lượng bình quân 55 con/kg, sản lượng gần 5,5 tấn, với giá bán 150.000 đ/kg, sẽ mang về cho hộ dân nguồn lợi gần 300 triệu đồng.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, ông Nguyễn Trung Hậu cho biết, việc triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn phù hợp với chủ trương chính sách của tỉnh Quảng Trị về phát triển con tôm. Với tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 1.000 ha, khi nông dân thực hiện mô hình này sẽ giảm thiểu rủi ro, an toàn về môi trường dịch bệnh do sử dụng công nghệ Biofloc trong ao ương nên ít sử dụng hóa chất, kháng sinh. Mô hình sẽ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm mới cho bà con nông dân, rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao thu nhập.
(Nguồn: Báo Nông Nghiệp)