Sân bay Quảng Trị cần được khởi công sớm

Tú Linh |

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 188/QĐ-BGTVT, ngày 26/1/2021 phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030. Với quyết định này, tỉnh Quảng Trị đã đủ điều kiện để triển khai dự án quan trọng và ý nghĩa nhằm góp phần thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội...

Phần lớn người dân Quảng Trị rất chờ đợi có một cảng hàng không trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh từ nhiệm kỳ trước cũng đã rất quan tâm đến vấn đề này nên có nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành trung ương để đốc thúc việc sớm triển khai xây dựng, khai thác dự án Cảng hàng không Quảng Trị, tạo “cú hích” cho sự phát triển kinh tế của địa phương và cả khu vực.

 

Kết quả, đến năm 2018, Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trong hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018. Theo đó, Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng tại 2 xã Gio Quang và Gio Mai, huyện Gio Linh, là cảng hàng không nội địa có tính chất sử dụng chung dân sự và quân sự; có tổng diện tích hơn 316 ha, trong đó diện tích khu hàng không dân dụng hơn 87 ha, diện tích đất quân sự hơn 51 ha, diện tích dùng chung hơn 177 ha. Cấp sân bay thuộc loại 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Phần diện tích đất quy hoạch cảng hàng không không vướng các khu dân cư hoặc các công trình công cộng.

Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến cho rằng việc quy hoạch cảng hàng không quá dày đặc sẽ gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt Cảng hàng không Quảng Trị chỉ cách Huế và Quảng Bình, những địa phương cũng có cảng hàng không với bán kính gần 100 km. Vậy nên hiểu vấn đề này như thế nào?

Khi phân tích để đồng ý phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quảng Trị, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương đánh giá, tuy Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên hơn 4.739 km2 , dân số khoảng hơn 630 nghìn người (xếp thứ 57 về dân số cả nước) và quy mô nền kinh tế chưa lớn, nhưng có vị trí chiến lược quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước và có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, nếu được đầu tư xây dựng cảng hàng không.

Xét về vị trí địa lý, Quảng Trị là tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ, cách Thủ đô Hà Nội gần 600 km về phía Bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 1.100 km về phía Nam. Phía Tây giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với chiều dài 206 km biên giới chung giữa hai nước, phía Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 74 km và được án ngữ bởi đảo Cồn Cỏ. Quảng Trị là điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của Hành lang kinh tế Đông Tây (Lào -Thái Lan - Myanmar -Việt Nam) qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển miền Trung như Cửa Việt, Chân Mây, Đà Nẵng, Vũng Áng... Đây là điều kiện rất thuận lợi để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Với du lịch, Quảng Trị có tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn khá phong phú, phân bố rộng khắp trên các địa bàn. Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Quảng Trị đang có sự phát triển trên nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội. Tuy nhiên, hiện nay kết nối giao thông giữa các vùng miền cả nước đến với Quảng Trị chủ yếu bằng đường bộ, đường sắt nên chưa thỏa mãn được nhu cầu đi lại với các nhà đầu tư kinh tế và du khách. Việc di chuyển đến Quảng Trị bằng đường hàng không đều phải thông qua Cảng hàng không Phú Bài hoặc Đồng Hới gây tốn kém thêm thời gian và chi phí. Do đó, cần thiết phải quy hoạch, xây dựng tại Quảng Trị một cảng hàng không.

Quy hoạch cảng hàng không luôn được các nhà chuyên môn phân tích ở khía cạnh dự báo phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng, lợi thế phát triển của địa phương. Nếu chỉ xét về mặt địa lý hay khoảng cách gần giữa hai sân bay mà không quy hoạch hoặc đầu tư xây dựng sân bay thì không hợp lý. Chẳng hạn, Hải Phòng và Hà Nội; Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế cách nhau khoảng 100 km vẫn xây dựng các sân bay quốc tế. Nhìn xa hơn, các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc có mật độ phát triển cảng hàng không dày hơn Việt Nam rất nhiều, mỗi nước có đến gần 80 sân bay. Philippines, Thái Lan cũng có mật độ cảng hàng không nhiều hơn Việt Nam, nhờ sân bay mà khách du lịch, nhà đầu tư đến nhiều nên người dân được hưởng lợi lớn từ quyết sách phù hợp, kịp thời.

Nhìn gần hơn, câu chuyện xây dựng sân bay Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên là một ví dụ điển hình của tư duy dự báo phát triển kinh tế - xã hội. Cuối năm 2018, tỉnh Phú Yên có dân số đứng thứ 45 của Việt Nam (960 nghìn người), xếp thứ 43 về tổng sản phẩm trên địa bàn, thứ 30 về thu nhập bình quân đầu người. Tất cả các con số đều cao hơn Quảng Trị. Trước năm 1975, Phú Yên cũng có sân bay, nhưng sau năm 1975 bị bỏ hoang một thời gian dài. Năm 1999, tỉnh Phú Yên phân tích dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đi đến quyết định đầu tư để sân bay Tuy Hoà (chỉ cách sân bay Nha Trang 100 km) hoạt động trở lại. Ngày đó Phú Yên có chủ trương khuyến mại rất lớn để thu hút người dân, du khách đi máy bay. Còn nhớ lúc đó giá vé từ TP.Hồ Chí Minh-Tuy Hoà 225 nghìn đồng, nhưng tỉnh Phú Yên vẫn cố gắng tặng lại cho mỗi khách hàng 100 nghìn đồng để kích cầu. Tặng tiền được khoảng một năm thì ngân sách gặp khó khăn, tỉnh Phú Yên khuyến khích người dân đi máy bay bằng cách riêng, mỗi khi khách hàng từ TP.Hồ Chí Minh hạ cánh xuống Tuy Hoà được lãnh đạo tỉnh lịch sự, đứng chào mừng ở cổng ra và tặng một món quà lưu niệm xinh xắn. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên thừa nhận kinh tế tăng trưởng như hôm nay có vai trò rất lớn của sân bay Tuy Hòa. Đến nay sân bay Tuy Hoà phát triển ổn định, có thêm chuyến Tuy Hoà-Hà Nội, nhưng chủ lực vẫn là chuyến Tuy Hòa-TP.Hồ Chí Minh.

Quay trở lại câu chuyện Cảng hàng không Quảng Trị. Điều kiện kinh tế - xã hội bây giờ đã có thay đổi lớn, từng nội ngành cạnh tranh quyết liệt để phát triển. Giá vé tàu E, S đi từ Quảng Trị vào TP.Hồ Chí Minh cũng đã hơn 1 triệu đồng; từ Quảng Trị đi Hà Nội hơn 700 ngìn đồng. Trong lúc vé máy bay từ Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng bay ra Hà Nội, vào TP. Hồ Chí Minh có giá thấp nhất từ 600 nghìn đồng/người (chưa kể vé giá rẻ, không đồng). Vậy thì người tiêu dùng chọn phương tiện nào trong các phương tiện này để tham gia giao thông?

Hơn nữa, việc quy hoạch sân bay phải làm trước nhiều năm bởi từ quy hoạch đến bước chuẩn bị đầu tư cần có một khoảng thời gian. Cảng hàng không Quảng Trị có tổng số vốn đầu tư hơn 8 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, không phải đầu tư cùng lúc toàn bộ số vốn này.Theo phân tích của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, thị trường ban đầu bao giờ cũng nhỏ, sau khi thu hút được đường bay, nhà đầu tư, du khách, các hoạt động đầu tư cũng phát triển để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. Dần dần người sử dụng máy bay làm phương tiện tham gia giao thông chắc chắn sẽ đông hơn, thuận lợi hơn các phương tiện khác.

Dự án Cảng hàng không Quảng Trị có ý nghĩa động lực, vì vậy thiết nghĩ cần phải mạnh dạn, quyết liệt hơn nữa trong việc kêu gọi đầu tư các dự án động lực trên địa bàn tỉnh. Cảng hàng không Quảng Trị, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng là những dự án ấn tượng trong thời gian qua. Cùng với đó, việc tỉnh đầu tư cảng nước sâu, hệ thống logitics đồng bộ… sẽ hứa hẹn một tương lai đầy triển vọng cho Quảng Trị.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương cho Tập đoàn T&T khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để làm căn cứ cho UBND tỉnh trình các bộ liên quan và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức PPP. Tỉnh đang quyết tâm sớm triển khai dự án này để góp phần đảm bảo ổn định về quốc phòng - an ninh, đặc biệt bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như khu vực Bắc Trung Bộ; thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thủ tướng: Sân bay Long Thành sẽ đóng góp tăng trưởng GDP từ 3-5%

Việt Hùng |

Dự án sân bay Long Thành khi hoàn thành xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực và đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển của thế giới.

Ngày mai khởi công dự án sân bay Long Thành

Hà Anh Chiến |

Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đầu tư sân bay Quảng Trị: Lợi kép cho nhà đầu tư?

Thành Luân |

Theo chuyên gia, khi làm sân bay, giá bất động sản theo đó mà tăng lên. Sân bay làm xong phục vụ cho chính các dự án của nhà đầu tư.

UBND tỉnh Quảng Trị ủng hộ Tập đoàn T&T nghiên cứu đầu tư sân bay Quảng Trị

Nguyễn Triệu |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có công văn gửi Công ty CP Tập đoàn T&T về chủ trương nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị.