Thời gian qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã chú trọng việc quy hoạch phát triển chăn nuôi, bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi. Qua đó, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu của hoạt động chăn nuôi đến môi trường khu vực.
Trong quy hoạch đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất chăn nuôi và các ngành nông nghiệp khác của huyện Cam Lộ là 1.000,40 ha. HĐND huyện Cam Lộ đã ban hành Nghị quyết số 01 ngày 22/3/2022 về việc bổ sung quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện Cam Lộ, trong đó quy hoạch 300ha đất rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác để thu hút đầu tư chăn nuôi công nghệ cao với 6 nhà đầu tư quy mô khoảng 25.300 con lợn nái, 330.120 con lợn thương phẩm, góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, chăn nuôi tiếp tục được huyện Cam Lộ chú trọng phát triển theo hướng nâng cao giá trị chất lượng hàng hóa; cơ cấu đàn, quy mô chăn nuôi bán công nghiệp, công nghiệp được mở rộng, với nhiều chủng loại gia súc, gia cầm, phát triển mạnh ở vùng gò đồi. Đặc biệt, chăn nuôi lợn và gia cầm theo hướng liên kết với doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển đàn, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống.
Nhờ vậy, tổng đàn vật nuôi tăng trưởng khá: Đàn đại gia súc 6.964 con, tăng 3,51%; đàn lợn 36.513 con, tăng 14,61%; đàn gia cầm trên 512 ngàn con, tăng 172 ngàn con so với năm trước. Các loại vật nuôi khác như dê, nhím, lợn rừng, hươu, thỏ, bồ câu... trên 5.000 con. Trên địa bàn huyện có 47 trang trại chăn nuôi. Tỉ lệ trang trại thực hiện các thủ tục về môi trường như lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản, kế hoạch bảo vệ môi trường đạt gần 100%.
Hầu hết các trang trại trên địa bàn huyện đều xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, chất thải như biogas, bể lắng, hồ sinh học đối với chăn nuôi lợn; lớp đệm sinh học để xử lý chất thải đối với chăn nuôi gà và dùng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường. Nhìn chung, việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tương đối đảm bảo.
Tuy nhiên, một số trang trại có trang bị hệ thống xử lý chất thải nhưng đều không được tính toán phù hợp với quy mô chăn nuôi nên thường quá tải, hiệu quả xử lý đạt không cao. Các công trình xử lý chất thải chưa đầy đủ, hiệu quả như đã được phê duyệt. Ngoài ra, một vài trang trại lợi dụng mưa lũ, đêm tối để xả trộm nước thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây bức xúc cho người dân.
Trong năm 2023, UBND huyện Cam Lộ đã xử phạt 2 trang trại chăn nuôi lợn với tổng mức xử phạt đến 115.000.000 đồng đối với hành vi xả nước thải chưa đạt quy chuẩn ra ngoài môi trường. Đồng thời gửi kết quả kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn các trang trại chưa đảm bảo về hồ sơ môi trường, các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường thực hiện nghiêm túc, khắc phục các vấn đề về môi trường có thời hạn.
Để duy trì phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, huyện Cam Lộ chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật liên quan cho người dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa quy trình thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại thực hiện đầy đủ các thủ tục bảo vệ môi trường theo quy định.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường trong chăn nuôi; tập huấn, hướng dẫn các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ các trang trại xây dựng các phương án, biện pháp thích hợp đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Rà soát, ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật và áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nhưng ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Cam Lộ vẫn duy trì tăng trưởng khá. Đây là những tín hiệu tích cực để kỳ vọng chăn nuôi ở huyện Cam Lộ tiếp tục tổ chức liên kết gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, phát triển bền vững trong thời gian tới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)