Trong số các tiêu chí của sản phẩm OCOP, “câu chuyện sản phẩm” được đánh giá là tiêu chí quan trọng, là nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương, là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng và người tiêu dùng. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm quảng bá, thu hút khách hàng tìm đến sản phẩm.
“Từ xa xưa, mái tóc luôn là biểu tượng mang đậm nét đẹp dịu dàng của người con gái Á Đông. Mùi hương thơm ngát thoang thoảng từ mái tóc dài mềm mượt của bà, của mẹ gội bằng nắm quả bồ kết, ít vỏ bưởi hay chút thân cây sả chanh, hương nhu... chắc hẳn sẽ lưu lại mãi trong ký ức những đứa trẻ bấy giờ.
Ngày nay trong nhịp sống vội vàng, hối hả như hiện nay, đôi lúc, con người ta muốn tìm về với những mùi hương quen thuộc trên tóc mẹ, tóc bà, trên mái tóc của những người phụ nữ mà ta yêu thương...
Hiểu được những mong ước sâu xa đó, với những trăn trở và khát vọng viết tiếp những câu chuyện sản phẩm có ích cho sức khỏe người dùng và có lợi cho môi trường sống xung quanh, vừa giải quyết việc làm cho đồng bào vùng cao đang gặp nhiều khó khăn, Nhiên Thảo đã cho ra đời dòng sản phẩm vừa mang đậm tính truyền thống, giữ lại được tất cả những giá trị truyền thống vừa mang lại một giải pháp tiện dụng về thời gian cho các bà, các mẹ. Đặc biệt với thành phần 100% nguyên liệu tự nhiên, sản phẩm tuyệt đối an toàn cho da, tóc”...
Đây chính là câu chuyện của sản phẩm OCOP 4 sao cao bồ kết thảo dược của Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị. Chị Trần Mỹ Dung, đại diện Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị cho biết, khi sản phẩm cao bồ kết thảo dược của công ty tham gia các sự kiện quảng bá và bán trên các sàn thương mại điện tử, rất nhiều người tiêu dùng đã quan tâm và bị thuyết phục bởi câu chuyện sản phẩm. Nhờ vậy từ năm 2021 đến nay, thị trường sản phẩm đã được mở rộng ra cả nước. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 10.000 sản phẩm/năm.
Còn với Hợp tác xã (HTX) dược liệu Trường Sơn, câu chuyện sản phẩm của HTX gắn liền với dãy Trường Sơn hùng vĩ và các câu chuyện về những bài thuốc quý của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Giám đốc HTX dược liệu Trường Sơn Lê Thanh Huệ cho biết, dựa trên kinh nghiệm vốn có cộng với những tìm hiểu, nghiên cứu từ các già làng, trưởng bản, HTX đã tạo ra những dòng sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, không hóa chất độc hại, thân thiện với môi trường phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe con người.
Trong đó, các sản phẩm chính của HTX như tinh dầu tràm Mộc San, tinh chất dưỡng da cho mẹ và bé Peamom, tinh dầu tràm ngâm củ ném Mộc San đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Sự độc đáo này đã được anh giới thiệu với khách hàng thông qua các câu chuyện sản phẩm, gây ấn tượng sâu sắc đối với khách hàng và trở thành một phần lý do họ mua hàng. “Với các sản phẩm được chứng nhận OCOP, bình quân mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm mỗi loại”, anh Huệ cho hay.
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, câu chuyện sản phẩm chiếm 10/100 điểm trong thang điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Do vậy, việc xây dựng câu chuyện sản phẩm thú vị, hấp dẫn, góp phần quan trọng nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) Hoàng Minh Trí cho biết, một trong những kết quả nổi bật của chương trình OCOP là bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 141 sản phẩm OCOP, gồm: 43 sản phẩm 4 sao và 98 sản phẩm 3 sao. Mỗi sản phẩm có một câu chuyện riêng biệt gắn với nhiều yếu tố như: phương thức sản xuất truyền thống của người dân, đặc trưng của địa phương; các yếu tố lịch sử, văn hóa liên quan đến sản phẩm; công dụng nổi bật, riêng biệt của sản phẩm...
Ông Trí cho biết thêm, hằng năm, Chi cục PTNT đều phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn chủ thể, cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc trưng. Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, xây dựng các bộ bài giảng cho nhóm đối tượng, nhóm sản phẩm, từng khâu trong chuỗi giá trị OCOP.
Đồng thời, chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng câu chuyện sản phẩm độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa, chứa đựng niềm tự hào, dấu ấn, giá trị truyền thống của mỗi sản phẩm, mỗi vùng đất, giới thiệu được nét tinh túy, cầu kỳ trong cách làm. Nội dung câu chuyện phải toát lên được hồn, cốt của sản phẩm và niềm tự hào của vùng quê ấy, từ đó làm nên thương hiệu sản phẩm. Tiếp tục thực hiện thẩm định kỹ lưỡng tiêu chí “câu chuyện sản phẩm” khi đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP.
“Câu chuyện sản phẩm là thông điệp mang giá trị vô hình, những câu chuyện độc đáo, ý nghĩa, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương có thể chạm đến cảm xúc và thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đây chính là yếu tố then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thị trường”, ông Trí khẳng định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)