Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là cuộc vận động), Ban Chỉ đạo cuộc vận động đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, hoạt động tuyên truyền, vận động, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức về ưu tiên sử dụng hàng Việt trong mua sắm, tiêu dùng.
Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng để đưa hàng Việt Nam ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng trong tỉnh Quảng Trị.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Lê Hồng Sơn cho biết: “Trong năm 2023, cuộc vận động được đẩy mạnh, triển khai sâu rộng trong Nhân dân, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, quảng bá hàng Việt.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo cuộc vận động đã phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai cả chiều rộng lẫn chiều sâu cuộc vận động nhằm quảng bá rộng rãi các mặt hàng của Việt Nam và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên các mặt hàng hóa, giá cả, nguồn gốc, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, các doanh nghiệp đã ý thức vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, nhận biết tiềm năng của thị trường nội địa nên đã mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo nhiều sản phẩm mới với chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập, tích cực xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm Việt, làng nghề truyền thống trong tỉnh, giới thiệu, phân phối sản phẩm”.
Theo đó, Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị là thành viên cấp tỉnh tập trung triển khai, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả thiết thực. Nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, các ban, ngành, địa phương liên quan đã phối hợp tổ chức các hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Qua đó nhằm quảng bá, tôn vinh sự đa dạng, đặc sắc của ẩm thực và đặc sản của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương mời gọi và thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xây dựng 15 chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo định hướng chuẩn hóa sản xuất vùng nguyên liệu an toàn, hữu cơ năm 2023.
Chỉ đạo triển khai có hiệu quả chương trình OCOP. Trong năm 2023 đã có 82 ý tưởng sản phẩm được đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP. Ngành cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Nhờ vậy đến nay đã có trên 95% sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử.
Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức thành công hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh năm 2023, trong 3 ngày diễn ra hoạt động đã thu hút hơn 5.000 lượt người đến tham quan, mua sắm.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức thành công phiên chợ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh tại huyện Hướng Hóa, thu hút hơn 3.000 lượt người đến tham quan, mua sắm.
Đã có 5 biên bản ghi nhớ hợp tác làm nhà phân phối, đại lý được ký kết giữa các doanh nghiệp...Để thực hiện cuộc vận động, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo và triển khai cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023”. Ngoài ra các cấp hội cũng tổ chức nhiều hội thảo “Giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường”, tổ chức các ngày hội “Trưng bày sản phẩm” cấp huyện, cấp xã với 228 gian hàng với hơn 430 mặt hàng là những sản phẩm đặc trưng, an toàn, chất lượng, thu hút hàng ngàn lượt người đến tham quan, mua sắm.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh- Ban Chỉ đạo cuộc vận động các cấp đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn mặt trận cơ sở triển khai thực hiện cuộc vận động qua các hoạt động thiết thực. Tiêu biểu như Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đông Hà và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp tổ chức “Phiên chợ Tết 0 đồng”; kết nối giới thiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP bán tại cửa hàng của hệ thống bưu điện. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hải Lăng phối hợp với Hội Nông dân huyện về bảo hộ và phát triển thương hiệu “Sen Hải Lăng” và “Ớt Hải Lăng”...
Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên của mặt trận, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành kiểm tra chất lượng hàng hóa, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, đại lý kinh doanh.
Những kết quả từ các hoạt động của cuộc vận động đã góp phần tạo kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, từng bước khơi thông “dòng chảy” hàng Việt về nông thôn. Đồng thời còn tạo sức lan tỏa nhanh đến nhiều địa phương trong tỉnh, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn.
Chia sẻ về những định hướng thực hiện cuộc vận động trong thời gian tới, ông Lê Hồng Sơn thông tin thêm: “Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, năm 2024, chúng tôi tiếp tục quán triệt, triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị 07-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới”.
Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về cuộc vận động, giúp người tiêu dùng nhận thức đúng đắn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh. Tổ chức và vận động các doanh nghiệp tham gia hội chợ với chủ đề “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phân phối ưu tiên bán hàng hóa Việt Nam sản xuất, đưa hàng Việt về thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động “Xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và hỗ trợ, kết nối sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ”.
Cùng với đó, các ngành, đơn vị liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khuyến mãi nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho hàng Việt Nam trên thị trường”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)