Từ một thị xã nhỏ nơi ngã ba Đường 9, tiêu điều bước ra khỏi cuộc chiến tranh vào năm 1972, sau một chặng đường nỗ lực dựng xây và phát triển, đến nay, TP. Đông Hà đã hoàn thành những tiêu chuẩn cơ bản để đề nghị Chính phủ công nhận là đô thị loại II trước năm 2025. Đây là kết quả của sự đồng lòng, chung sức xây dựng thành phố trẻ hiện đại, văn minh của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP. Đông Hà.
Năm 1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, Đông Hà trở thành thị xã tỉnh lỵ. Đến năm 2005, Đông Hà được công nhận là đô thị loại III và vào năm 2009 TP. Đông Hà được thành lập theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
TP. Đông Hà có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển KT-XH, nằm trên trục Quốc lộ 1 và ngã ba Quốc lộ 9 với Quốc lộ 1, là đô thị ở phía Đông của trục Hành lang kinh tế Đông - Tây. Thành phố hiện có 9 phường, tổng diện tích 73,08 km2 , dân số 164.228 người, trong đó dân số thường trú là 102.478 người, dân số quy đổi là 61.750 người.
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đông Hà đến năm 2045 đã xác định đây là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại, tài chính, du lịch, công nghiệp của tỉnh và có vị thế cấp vùng Bắc Trung Bộ, là một trong những đô thị động lực trên trục Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, TP. Đông Hà trở thành đô thị loại II, xây dựng đô thị xanh, thân thiện, năng động, hiệu quả với hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng phát triển bền vững, thông minh, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2045, xây dựng TP. Đông Hà cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trở thành đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững; là đô thị động lực trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, một trong những trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ.
TP. Đông Hà sẽ được phát triển theo mô hình, cấu trúc không gian đô thị gồm: một trung tâm hiện hữu, ba tuyến, bốn điểm đột phá. Trong đó, ba tuyến gồm: tuyến trung tâm là tuyến cảnh quan đô thị sông Hiếu gắn với thương mại - dịch vụ - du lịch; tuyến phía Bắc là tuyến hành lang thương mại - dịch vụ, y tế, thể dục thể thao; tuyến phía Nam là tuyến hành lang công nghiệp công nghệ cao thân thiện môi trường, kho tàng. Bốn điểm đột phá của TP. Đông Hà gồm: khu thương mại dịch vụ, trung tâm động lực phía Bắc; khu đô thị sinh thái phía Nam; khu đô thị thương mại - dịch vụ phía Đông; khu sinh thái hồ Khe Mây và hồ Trung Chỉ.
Sau 19 năm nỗ lực xây dựng phát triển từ đô thị loại III, TP. Đông Hà đã lập Đề án phân loại đô thị TP. Đông Hà là đô thị loại II. Đối chiếu với các tiêu chí phân loại đô thị tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 về phân loại đô thị, TP. Đông Hà đã hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết để được công nhận là đô thị loại II.
Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, thúc đẩy sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đồng bộ với phát triển hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, bền vững, góp phần tạo động lực lan tỏa đến hệ thống đô thị của tỉnh và hệ thống đô thị vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Đồng thời, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Quảng Trị và TP. Đông Hà sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu.
Là người dân sinh sống ở Phường 5, TP. Đông Hà từ năm 1972 đến nay, ông Đoàn Minh Tiến nhớ lại: “Bố tôi đưa cả gia đình từ Thanh Hóa vào lại Đông Hà lúc tôi mới hơn 10 tuổi. Dù còn rất nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác lạ lẫm, hoang mang khi chuyển về quê hương là một vùng đất vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh, còn chi chít hố bom, nhà cửa ngổn ngang không còn nguyên vẹn.
Từ hoang tàn đổ nát, chính quyền và người dân Đông Hà đã bắt tay xây dựng lại quê hương và đến hôm nay, bộ mặt đô thị đã thực sự khang trang, chuẩn bị được công nhận là đô thị loại II. Là những người gắn bó với Đông Hà từ ngày quê hương giải phóng, chứng kiến sự thay da, đổi thịt từng ngày của thành phố trẻ này, chúng tôi rất phấn khởi và tự hào”.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị, TP. Đông Hà đã xác định được các nhóm tiêu chuẩn làm cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng đô thị từ nay đến năm 2045. Ưu tiên mở rộng và đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, đặc biệt là các ngành nghề có hàm lượng chất xám, giá trị cao và thân thiện môi trường, tạo điều kiện để thu hút nguồn lao động trong và ngoài thành phố.
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, “Lấy đô thị nuôi đô thị”, thành phố huy động sức mạnh của cộng đồng theo hướng xã hội hóa, chủ động xây dựng các dự án để tranh thủ các nguồn vốn trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng. Cùng với quy hoạch phát triển đô thị là những điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan như: công viên Lê Duẩn, công viên Fidel, khu lâm viên cọ dầu... đã góp phần tạo nên không gian xanh trong lòng thành phố.
Tháng 8/2024 này, Đông Hà kỷ niệm 15 năm ngày thị xã chính thức trở thành thành phố. Người dân háo hức chờ ngày Đông Hà được công nhận là đô thị loại II để nhân đôi niềm vui, vững niềm tin xây dựng Đông Hà từng bước trở thành thành phố thông minh và đô thị tăng trưởng xanh tiêu biểu.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)