Thị xã Quảng Trị phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Khánh Ngọc |

Thị xã Quảng Trị có 4 phường, 1 xã với 1.521 cơ sở chăn nuôi thực hiện kê khai các loại vật nuôi theo quy định. Thời gian qua, thị xã thường xuyên tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, đặc biệt là công tác kê khai, rà soát tổng đàn để thực hiện tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung, đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh.


Với đặc thù của địa bàn đô thị phát triển về thương mại, dịch vụ và du lịch, nên chăn nuôi ở thị xã Quảng Trị được thực hiện kê khai và kiểm soát chặt chẽ. Tổng đàn vật nuôi trên địa bàn thị xã hiện nay có 500 con trâu; 800 con bò; 1.500 con lợn; 245 con hươu, dê; gần 60.000 con gia cầm..., sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 1.720 tấn/năm. Số lượng ong mật trên địa bàn khoảng 1.000 đàn, sản lượng mật hàng năm từ 40 - 60 tấn/năm.

Chăn nuôi chủ yếu theo phương thức nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo nguồn cung thực phẩm, thị xã Quảng Trị đã hỗ trợ 2 điểm chăn nuôi bò chuyên thịt thâm canh, với quy mô 10 con/ điểm từ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 162 của HĐND tỉnh; 1 cơ sở nuôi thỏ lồng với quy mô 500 con/ lứa và 2 cơ sở chăn nuôi gà thả vườn theo hướng VietGAP với quy mô 500 con/ cơ sở từ nguồn vốn đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của thị xã.

Nuôi bò nhốt tại thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị -Ảnh: N.T.H
Nuôi bò nhốt tại thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị -Ảnh: N.T.H

Thực hiện quy định khu vực nội thành, khu dân cư không được phép chăn nuôi, trên địa bàn thị xã khu vực cấm có 8 cơ sở chăn nuôi và 1 cơ sở nuôi chim yến buộc phải chấm dứt chăn nuôi, di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Từ năm 2022 đến nay, địa phương đã tuyên truyền, vận động chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi đối với 7/8 hộ, còn 1 hộ tại Phường 3 dự kiến chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu vực cấm vào quý III/2024.

Đối với cơ sở nuôi chim yến ở Phường 2 đã triển khai ký cam kết giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, không sử dụng loa phóng thanh trong khu vực không được phép chăn nuôi hoạt động. Trên địa bàn có 1 trang trại gia cầm quy mô nhỏ tại thôn Tân Phước, xã Hải Lệ có khoảng từ 20.000-30.000 con/lứa đảm bảo khoảng cách tối thiểu xa khu dân cư 200 m.

Nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, thị xã Quảng Trị đã chủ động ban hành kế hoạch và văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Trong năm 2023, thị xã bố trí 98 triệu đồng để hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Kết quả đã thực hiện tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm bình quân vụ 48.550/47.600 liều, đạt 102% kế hoạch; tiêm phòng dại chó 800/1.000 liều, đạt 80%; tiêm phòng tụ huyết trùng trâu, bò 880/850 liều, đạt 104%; tiêm phòng lở mồm long móng trâu, bò 850/850 liều, đạt 100%; tiêm phòng kép lợn, dịch tả lợn bình quân vụ 775/1.200 liều, đạt 64,6%; tiêm phòng viêm da nổi cục trên trâu, bò 850/ 850 liều, đạt 100% kế hoạch.

Công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn được quan tâm thực hiện thường xuyên liên tục, đảm bảo các yêu cầu cơ bản như: hóa chất, vôi, kinh phí mua vắc xin, công tiêm phòng, tiêu độc khử trùng mỗi năm thực hiện ít nhất 2 đợt theo kế hoạch của tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 2 lò giết mổ lợn tập trung, có 8 - 12 chủ giết mổ hàng ngày, số lượng giết mổ khoảng 80 - 100 con/ ngày; 3 lò giết mổ bò nhỏ lẻ, số lượng giết mổ khoảng 13 - 15 con/ngày; 4 - 6 hộ giết mổ gia cầm nhỏ lẻ tại gia đình, số lượng giết mổ khoảng 50 - 60 con/ngày; 3 hộ mổ gia cầm tại chợ thị xã Quảng Trị, số lượng giết mổ khoảng 100 - 150 con/ ngày; 4 lò quay lợn vừa quay thuê vừa giết mổ nhỏ lẻ.

Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã đã kiểm soát 2 cơ sở giết mổ lợn tập trung, 3 điểm giết mổ bò tương đối chặt chẽ; cử cán bộ thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ gia súc hàng ngày. Hiện nay, UBND thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát vị trí, địa điểm xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Cùng với quá trình đô thị hóa, thời gian tới, thị xã Quảng Trị tiếp tục duy trì và khuyến khích phát triển chăn nuôi mạnh ở vùng gò đồi xã Hải Lệ, phường An Đôn theo hướng trang trại tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; hạn chế việc chăn nuôi trong khu vực nội thị.

Khuyến khích các hộ chăn nuôi trong khu dân cư áp dụng các biện pháp để giảm thiểu vấn đề ô nhiểm môi trường như xây dựng hầm khí biogas, sử dụng đệm lót sinh học, ...; áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng, hạn chế dịch bệnh.

Triển khai, thực hiện tốt về quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến, công tác kê khai hoạt động chăn nuôi, tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, góp phần phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bò giống gầy yếu, không tuân thủ quy trình phòng dịch”: UBND tỉnh chỉ đạo huyện Hướng Hóa kiểm tra, xử lý

Trần Tuyền |

Ngày 28/3, thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Cảnh Hưng ký văn bản số 1502/UBND-KGVX về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu.

Dự án hỗ trợ người dân chăn nuôi bò vàng ở Hướng Hóa: Bò giống gầy yếu, không tuân thủ quy trình phòng dịch

Trần Tuyền |

Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng - Nhân rộng mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi bò vàng sinh sản” được triển khai thực hiện ở các xã Húc, Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) với 38 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi. Song, qua tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Trị, còn có những điều “khó hiểu” trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò 3B ở Triệu Phong

Kô Kăn Sương |

Nhận thấy chăn nuôi bò 3B có nhiều ưu điểm, đặc biệt là dễ nuôi, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với một số loại vật nuôi khác, được thị trường ưa chuộng..., thời gian gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, một số hộ dân ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đầu tư xây dựng chuồng trại bài bản để nuôi loại bò này, bước đầu mô hình mang lại hiệu quả khả quan.

TP. Hà Nội tặng tỉnh Quảng Trị 100 con bò giống BBB

Hải An |

Ngày 9/12, tại xã Hải Định, huyện Hải Lăng, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức chương trình bàn giao và tiếp nhận bò giống BBB và thiết bị phục vụ chăn nuôi tập trung do TP. Hà Nội trao tặng tỉnh Quảng Trị.