Triển vọng với mô hình trồng cây dây thìa canh

Lê An |

Nhận thấy nhu cầu sử dụng cây dây thìa canh để hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường tăng cao, năm 2024, anh Phạm Quý Vũ ở thôn Thượng Nguyên, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng quyết định khởi nghiệp bằng mô hình trồng cây dây thìa canh. Đến nay, sau 2 vụ thu hoạch, mô hình bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế khả quan.

 
 Anh Phạm Quý Vũ với mô hình trồng cây dây thìa canh của mình -Ảnh: L.A 

Anh Vũ cho biết, trước đây trên diện tích đất gò đồi ở xã Hải Lâm, người dân chủ yếu chỉ trồng rừng keo lai hoặc các loại cây ăn quả có múi. Sau một thời gian tìm hiểu về quy trình canh tác cũng như hiệu quả kinh tế, tháng 3/2024, anh quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng để trồng cây dây thìa canh.

Mô hình được thực hiện trên diện tích 0,65 ha với 12.000 cây giống. Qua thực tế chăm sóc cây dây thìa canh cho thấy, những ưu điểm vượt trội như thích nghi tốt với khí hậu nắng nóng, phù hợp với chất đất ở vùng gò đồi.

Chỉ cần cung cấp đủ nước, kết hợp với chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật là cây phát triển tốt, đảm bảo sản lượng thu hoạch. Cụ thể, với mô hình trên anh đã thu hoạch được 2 lứa với sản lượng khoảng 1,5 tấn lá khô. Lá cây dây thìa canh sau khi thu hái được anh loại sạch cỏ dại, lá tạp, sau đó rửa sạch và cắt thái thủ công,sau đó phơi khô và đóng gói bán ra thị trường với giá 60.000 đồng/kg.

Cây dây thìa canh là loại cây thân thảo, thuộc họ thiên lý. Đây là loại cây dược liệu quý dùng để bào chế thuốc phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các bệnh tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, giúp hoạt huyết, giảm béo, giảm mệt mỏi, căng thẳng... Ở nước ta, cây dây thìa canh được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, phía Bắc và mới được đưa vào trồng ở miền Trung những năm gần đây. Theo đánh giá của anh Vũ, loài cây này dễ trồng, phù hợp với nhiều chân đất khác nhau, đặc biệt các vùng có điều kiện sinh thái nhiều đồi núi ở Quảng Trị.

Theo kinh nghiệm của anh Vũ, để trồng cây dây thìa canh nên lựa chọn vùng đất thuận tiện cho việc tưới và thoát nước. Đất được cày tơi, phơi ải để diệt trừ hết mầm bệnh, sau đó lên luống cao từ 20 - 30 cm. Mỗi luống cách nhau từ 1,2 - 1,5 m để cây có thể nhận được ánh nắng mặt trời nhiều nhất và thuận lợi trong quá trình chăm sóc.

Bên trên làm giàn bằng tre hoặc lưới cước hình chữ A để cây dây thìa canh bám leo lên. Mật độ trồng khoảng 1.000 cây/sào. Thời điểm trồng thích hợp là từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm. Sau khi trồng cần dùng rơm rạ đậy kín xung quanh gốc cây và phủ toàn mặt luống để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.

Một điểm đặc biệt của cây dây thìa canh là chỉ cần trồng một lần nhưng có thể cho thu hoạch trên 10 năm. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 7 tháng. Thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Trung bình mỗi năm cây dây thìa canh cho thu hoạch từ 3 - 4 vụ, 2 tháng thu hoạch một lần.

Để cây dây thìa canh đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, trong quá trình chăm sóc anh Vũ hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ làm sạch cỏ dại bằng phương pháp thủ công; kết hợp kiểm tra ngắt bỏ các bộ phận trên cây khi phát hiện sâu bệnh, không để lây lan ra diện rộng.

Anh Vũ cho biết, từ vụ thứ 3 trở đi cây dây thìa canh bắt đầu cho thu hoạch ổn định với sản lượng trên 1 tấn lá khô mỗi vụ. Dự kiến với khoảng 4 vụ thu hoạch mỗi năm thì trừ chi phí anh thu lãi trên 120 triệu đồng từ mô hình này.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Vũ cho biết, ngoài bán lá khô anh đang có kế hoạch đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm trà dây thìa canh hòa tan, trà túi lọc để đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời liên kết mở rộng thêm diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Vận hành thử nghiệm chính quyền địa phương 2 cấp ở Quảng Trị: Nỗ lực hoàn thiện mô hình, khắc phục khó khăn từ thực tiễn

Trần Tuyền |

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Tại Quảng Trị, thực hiện Kết luận số 160-KL/TW của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về việc tổ chức vận hành thử nghiệm hoạt động của chính quyền ở xã, phường sau sắp xếp. Đây là bước đi quan trọng nhằm thực hành, kiểm nghiệm các mô hình tổ chức, quy trình vận hành mới, chuẩn bị điều kiện cần thiết trước khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025.

Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà bản an toàn sinh học tại khu vực Bắc Hướng Hóa

Kô Kăn Sương |

Trên cơ sở những ưu điểm vượt trội của giống gà bản Curoang, nhóm nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi gà bản an toàn sinh học tại Trạm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa”. Qua một thời gian thực hiện, dự án bước đầu mang lại kết quả khả quan, đã và đang được nhân rộng.

Rà soát tình hình, kết quả thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Mai Trang - Biên Cương |

Chiều ngày 23/6, tại TP. Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp để nghe các sở, ngành liên quan báo cáo tình hình, kết quả thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của tỉnh Quảng Trị (mới). Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm chủ trì cuộc họp.