Đó là một trong những vấn đề được PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh với Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi đánh giá tình hình tuyển sinh năm nay và xu hướng, giải pháp tuyển sinh trong bối cảnh tự chủ đại học (ĐH) những năm tới.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nhận định, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những khó khăn. Tuyển sinh chưa đồng đều giữa các đơn vị, ngành nghề đặt ra yêu cầu cần tiếp tục có những giải pháp mà cơ cấu ngành nghề là một trong số đó.
PGS đánh giá thế nào về tình hình tuyển sinh năm nay của ĐH Huế so với các năm?
Năm nay, tuyển sinh ở bậc ĐH và sau ĐH cơ bản tốt và con số cụ thể tăng. Đối với bậc cao học, đợt 1 đã có 750 thí sinh trúng tuyển, đợt 2 đã có hơn 1.700 hồ sơ. So với chỉ tiêu đặt ra cả 2 đợt (2.400), có thể thấy tuyển sinh bậc cao học đạt và vượt chỉ tiêu, dù trong điều kiện dịch COVID-19 và lũ lụt phức tạp, không còn ưu tiên tuyển sinh, đào tạo tại Tây Nguyên, Tây Nam bộ nhưng nguồn tuyển sinh vẫn cao và có thể cao nhất cả nước về tổng thể.
Năm nay cũng là năm tuyển sinh sau ĐH đạt hiệu quả cao nhất trong 5 năm trở lại, mặc dù điều kiện tiêu chuẩn bắt buộc có những khó khăn. Xét cụ thể, có một số đơn vị nổi trội, như Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Kinh tế. Nếu so sánh với các cơ sở giáo dục trong toàn quốc, ĐH Huế là một trong những đơn vị tuyển sinh thuộc tốp tốt nhất, kể cả với cả ĐH Quốc gia Hà Nội (2 đợt khoảng 2.400 thi sinh), ĐH Đà Nẵng khoảng 1.000 thí sinh.
Tuyển sinh sau ĐH tốt là một trong những điều kiện giúp tăng tỷ lệ học viên sau ĐH, hướng đến mục tiêu ĐH nghiên cứu với 20 – 30% học viên sau ĐH trong tổng chỉ tiêu các bậc đào tạo.
Về nghiên cứu sinh, dù theo Thông tư 08 (Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 - Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ), những điều kiện đầu vào rất khắt khe, nhất là về ngoại ngữ, công trình công bố trước khi làm nghiên cứu sinh, nhưng từ tháng 1 – 10/2020, đã có 32 nghiên cứu sinh trúng tuyển. ĐH Huế vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ, dự kiến trong năm nay sẽ tuyển được 50 nghiên cứu sinh. Hiện, cơ chế của ĐH Huế rất linh hoạt, có hồ sơ đủ điều kiện các tiêu chuẩn sẽ thành lập hội đồng để xét tuyển.
Riêng bậc ĐH, số lượng nhập học đến 23/10 (Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép gia hạn xác nhận nhập học) khoảng 9.500 thí sinh, tăng 5-8% so với năm 2019 và hiện nay đạt xấp xỉ 10.000 thí sinh của tất cả các phương thức. Đó là một con số lý tưởng đối với 1 ĐH Vùng (đạt khoảng 80% trong tổng chỉ tiêu khoảng 12.000).
Đặc biệt, không chỉ miền Trung – Tây Nguyên mà có nhiều thí sinh trúng tuyển ở các tỉnh, thành khu vực 2 đầu đất nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng... Thu hút được sinh viên trong bối cảnh dịch bệnh, mưa lũ như vậy là điều đáng mừng.
Những đơn vị đã xấp xỉ đạt, đạt và vượt chỉ chỉ tiêu là các trường ĐH: Kinh tế, Ngoại ngữ, Y Dược, Luật và Khoa Du lịch. Những trường có khó khăn hơn là: Khoa học, Nông Lâm, Sư phạm, Nghệ thuật. Tuy nhiên, năm nay hầu hết các trường đều tăng lượng thí sinh, đó là một tín hiệu tốt, nhất là sư phạm.
Đáng chú ý, năm nay có khoảng 5% những thí sinh xuất sắc, có giải thưởng cao đã vào học tại ĐH Huế ở nhiều ngành. Điển hình như thí sinh Hồ Việt Đức (đạt huy chương vàng kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế 2020) trúng tuyển vào Trường ĐH Y Dược. Các năm trước, điều làm nhiều người trăn trở là những thí sinh này lại vào TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả tuyển sinh trên có liên quan đến việc xác định điểm chuẩn không, thưa PGS?
Nâng chuẩn là vấn đề ĐH Huế rất quan tâm. ĐH Huế cũng tính toán điểm chuẩn rất kỹ, dựa trên lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, chỉ tiêu đặt ra, tình hình thí sinh, nhất là kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Năm nay, gần như các ngành tối thiểu có mức điểm mỗi môn trong tổ hợp từ 5 điểm trở lên, có những ngành đòi hỏi mỗi môn 8 – 9 điểm trở lên, nhiều ngành của Trường ĐH Y Dược có mức điểm chuẩn đến 27,25 (răng hàm mặt), 27,55 (y khoa).
Đặc biệt, Trường ĐH Nông Lâm năm nay cũng có những bứt phá khi có những ngành lấy đến 18 – 19 điểm. Chúng tôi cũng nâng mức điểm chuẩn công nghệ thông tin (từ 13,5 năm 2019 lên 17 điểm năm 2020). Việc nâng điểm chuẩn thể hiện cam kết với tỉnh trong việc nâng chuẩn đầu vào và đầu ra về công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng.
Con số 80% đạt được trong tổng chỉ tiêu cho thấy vẫn còn những khó khăn, PGS nghĩ sao về vấn đề này?
Trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh và hướng đến tự chủ, tuyển sinh ngày càng khó khăn.
Năm nay, có nhiều yếu tố chi phối, quyết định đầu vào: dịch COVID-19, lũ lụt trong giai đoạn xác nhận nhập học. Ngoài ra, ký túc xá hiện nay chưa đạt con số lý tưởng (chỉ đạt khoảng 10 – 15% so với tổng số sinh viên) cũng là một lý do. Xu hướng thế giới, sinh viên ở ký túc xá, điều kiện tốt hơn, quản lý cũng tốt hơn.
Học phí theo quy định của Nhà nước hiện nay, những ngành kỹ thuật cao, nhóm ngành kỹ thuật, y sinh học… mức trần học phí theo quy định còn thấp, đơn vị đào tạo phải lấy khoản khác đề bù hoặc không có khoản dôi dư để bổ sung phương tiện máy móc, thiết bị phần nào ảnh hưởng đến chất lượng. Hơn nữa, chất lượng và tính nổi bật trong đào tạo phần nào sẽ tác động ngược trở lại đến tuyển sinh.
Cơ cấu ngành nghề chưa đều, có những ngành vượt trội nhưng cũng có những ngành chưa đủ thí sinh, nhất là những ngành xã hội nhân văn, khoa học cơ bản, nghệ thuật.
ĐH Huế có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề trên?
Chúng tôi sẽ tiếp tục tái cấu trúc ngành nghề rộng hơn, nhóm ngành lại; hạn chế những ngành hẹp khó thu hút thí sinh. Đồng thời, nhóm ngành, khối ngành theo hướng thuận lợi tuyển sinh. Tổ chức sắp xếp lại để có những ngành 1 – 3 năm đầu có thể học chung, sau đó những năm cuối mới tách ra. Cách làm này có thể giúp những ngành ít thí sinh vẫn có thể học bình thường. Để làm được điều đó phải cải tiến chương trình phù hợp và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục quan tâm vấn đề này.
Hướng đến ĐH Quốc gia và xu hướng tự chủ là tất yếu, ĐH Huế làm sao giải quyết bài toán này gắn với tuyển sinh?
ĐH Huế đang hướng đến ĐH Quốc gia theo hướng tự chủ ĐH, định hướng nghiên cứu. Vì thế, chúng tôi đang nỗ lực tăng tỷ lệ sau ĐH cân đối với ĐH.
ĐH Huế xác định tự chủ về học thuật là ưu tiên số 1; từng bước tự chủ về tài chính, vì GD&ĐT là quốc sách hàng đầu nên cần được Nhà nước có chính sách ưu tiên để có định hướng chung. Những đơn vị tập trung tự chủ chi thường xuyên 100% được hướng tới là các trường ĐH: Y Dược, Ngoại ngữ, Luật, Kinh tế và Khoa Du lịch. Các đơn vị khác khoảng 70 – 80%. Riêng Trường ĐH Nghệ thuật vẫn cần cơ chế đặc thù và hỗ trợ của Nhà nước bằng nguồn ngân sách.
Chúng tôi đặt ra lộ trình và có giải pháp để thực hiện tự chủ. Càng tự chủ thì tác động tuyển sinh cũng tốt hơn. Tự chủ để nâng tầm ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia, cộng với môi trường yên bình của Huế, thí sinh sẽ lựa chọn vào ĐH Huế.
Xin cảm ơn PGS!
(Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế)