Kaleum (tỉnh SeKong) là mỏ than lộ thiên lớn nhất nước bạn Lào với trữ lượng khoảng 800 triệu tấn. Lào đã cho khai thác mỏ than này hàng triệu tấn mỗi năm, phân nửa được xuất khẩu vào thị trường Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay ở huyện Đakrông... Tuy nhiên, số lượng than được vận chuyển qua cửa khẩu này hiện thấp hơn nhiều so với năng lực khai thác của mỏ than Kaleum. Vì vậy, các bên đang tính đến việc xây dựng hệ thống băng tải từ Lào qua Việt Nam để đáp ứng nhu cầu khai thác, vận chuyển.
Dời thị trấn sầm uất để xây dựng khu mỏ
Đầu hè 2024, tôi có cơ hội mục sở thị mỏ than Kaleum nhờ sự kết nối của ông Hồ Đại Nam, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị với Xekong Power Plant Company Limited (công ty con của Tập đoàn Phonesack, đơn vị đang quản lý khai thác mỏ than này).
Từ Cửa khẩu quốc tế La Lay, di chuyển thêm chừng 2 giờ đồng hồ nữa thì chúng tôi đến SeKong. Trong gió bụi mịt mù, giữa cái nóng thiêu đốt của khí hậu nước Lào đầu mùa khô, mỏ than Kaleum dần hiện ra trước mắt.
Anh Đỗ Minh Hoàng, doanh nhân có gần 20 năm kinh doanh ở Lào, đi cùng đoàn cho biết, nơi đây từng là một thị trấn sầm suất, nhưng phải “nhường chỗ” cho đại công trường khai thác than. Sau nhiều năm, dấu vết về thị trấn đông đúc đã không còn gì, thay vào đó, ngoài khu vực mỏ rộng lớn chỉ có những khu nhà làm việc, nhà ăn, nơi nghỉ ngơi... cho người lao động, được lắp ghép bằng các loại vật liệu nhẹ, giống nhau, như những chiếc tổ chim bồ câu.
Theo lời giới thiệu của đại diện chủ mỏ, ban đầu trữ lượng của mỏ than Kaleum chỉ ước khoảng 646 triệu tấn, nhưng sau này khi có chuyên gia Úc đánh giá lại thì trữ lượng lên tới khoảng 800 triệu tấn.
Để khai thác trữ lượng than khổng lồ, chất lượng cao và gần như lộ thiên hoàn toàn này, đã có hàng trăm lao động và cơ số xe máy “khủng” được đưa đến Kaleum. Ông Champa Saysamphanh, Trợ lý giám đốc của Xekong Power Plant Company Limited, một cựu sinh viên Trường Đại học mỏ địa chất Hà Nội nói với tôi rằng, hiện tại mỏ than đang có khoảng 4.000 lao động là công nhân, nhân viên văn phòng và các chuyên gia...
Để phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và điều hành công việc cho chừng ấy con người cũng đã là một vấn đề lớn. Thế nhưng việc vận hành ở đây hết sức trôi chảy, mỗi con người thuộc các bộ phận đều đã hiểu, nắm phận sự của mình và làm việc khẩn trương. Champa Saysamphanh cho biết hầu hết lao động trong mỏ sẽ có 7 ngày nghỉ mỗi tháng và tự sắp xếp sao cho thuận tiện.
“Nghẽn” đường ra biển
Chúng tôi được đi tham quan mỏ sau bữa trưa, bằng đoàn xe bán tải hầm hố. Phía trước còn có xe dẫn đường, cũng là xe bán tải, nhưng trang bị đèn, còi hụ, tương tự như xe cảnh sát. Đoàn xe xuyên qua khu mỏ, bụi tung mù mịt.
Dừng chân trên một điểm cao ở mỏ, chúng tôi bước ra khỏi xe và không khỏi choáng váng khi nhìn xuống. Bên dưới là một đại công trường khai thác than đang vận hành. Những chiếc xe múc, xe tải vốn to lớn nhưng nhìn từ đây, chỉ nhỏ như những con chim sẻ, chạy lúc nhúc. Những vỉa than được lần lượt bóc tách nhìn như ruộng bậc thang. Và những con đường do xe cộ di chuyển mà thành, trông giống như những con giun ngoằn nghèo trên mặt đất.
Theo đại diện chủ mỏ, tổng trữ lượng khai thác ở Kaleum trong năm 2023 trên 7,7 triệu tấn, trong đó xuất khẩu hơn 2,5 triệu tấn. Kế hoạch năm 2024, mỏ dự kiến sẽ khai thác tổng sản lượng ước khoảng 22,6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu ra nước ngoài khoảng 19 triệu tấn, riêng thị trường Việt Nam là 11 triệu tấn. Có nhiều đơn vị của Việt Nam là đối tác lớn của mỏ, trong đó có thể kể đến: Vinacomin, Đông Bắc, PV Power, Công ty Hoành Sơn... Những đơn vị này đều có kế hoạch nhập hàng triệu tấn than từ mỏ Kaleum trong năm 2024 này.
Với những con số “khủng” như vậy, nhưng con đường duy nhất để than đá từ “siêu mỏ Kaleum” vào Việt Nam đều đi qua Cửa khẩu quốc tế La Lay, cách mỏ 128 km, trước khi về các cảng biển miền Trung (Hòn La, Thuận An, Chân Mây).
Đáng nói, tuyến đường 75D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về đường Hồ Chí Minh dài 12 km trong địa phận tỉnh Quảng Trị được xây dựng đã lâu, hiện đang xuống cấp nặng, làm giảm hiệu suất di chuyển của các xe chở than. Việc chuyển hướng cho xe chở than di chuyển qua các cửa khẩu khác như Lao Bảo (Quảng Trị), Nam Giang (Quảng Nam), Hồng Vân (Thừa Thiên Huế) đã được tính đến nhưng cũng gặp khó bởi sẽ kéo xa quãng đường di chuyển.
Theo số liệu mà ông Champa Saysamphanh cung cấp, hiện nay năng lực đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế La Lay có thể chở được 13.000 tấn than/ngày (khoảng 500 lượt xe/ngày). Đây là con số rất nhỏ so với năng lực khai thác của mỏ than Kaleum.
“Hiện nay, chúng tôi và các đối tác đã tính đến xây dựng hệ thống băng tải từ Lào qua Việt Nam để vận chuyển than với tổng mức đầu tư 1.840 tỉ đồng. Băng tải dự kiến dài 6,3 km. 2 bên Việt Nam, Lào sẽ xây dựng các kho, bãi than hàng chục héc ta, nên công suất băng tải khoảng 6.000 tấn/giờ sẽ gỡ được nút thắt về năng lực vận chuyển”, ông Champa Saysamphanh nói.
Dù vậy, kể cả khi ra tới biển thì vẫn còn điểm nghẽn khác cần khắc phục. Đó là... cảng biển. Các đối tác của Xekong Power Plant Company Limited cần nhiều than hơn nhưng các cảng biển hiện nay ở khu vực chưa đáp ứng được số lượng lớn. “Chính vì thế chúng tôi rất mong đợi về một cảng nước sâu sớm được xây dựng ở khu vực. Cảng nước sâu Mỹ Thủy vừa được tái khởi công ở Quảng Trị khiến chúng tôi kỳ vọng rất nhiều trong tương lai”, đại diện chủ mỏ Kaleum cho biết.
Quảng Trị không “ngồi yên”
Không phải ngẫu nhiên mà từ đầu năm 2024 đến nay đã có 2 đoàn lãnh đạo cấp cao của tỉnh Quảng Trị sang mỏ than Kaleum để tham quan thực địa.
Tại các buổi làm việc với 2 đoàn lãnh đạo Quảng Trị, liên danh các nhà đầu tư Tập đoàn Phonesack, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty TNHH Nam Tiến... đã trình bày về các dự án: Vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay; Đầu tư xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 15D nối từ biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay; Xây dựng khu bến cảng tạm để tập kết, vận chuyển than đá tại cảng biển Mỹ Thủy.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng khẳng định, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay thì những dự án trên đóng vai trò hết sức quan trọng, luôn được địa phương ưu tiên đẩy mạnh triển khai.
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tích cực phối hợp các nhà đầu tư đẩy nhanh việc hoàn chỉnh các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm tăng tốc tiến độ thực hiện thủ tục triển khai dự án.
Đánh giá cao tiềm năng, trữ lượng của mỏ than Kaleum, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho hay, tỉnh đặc biệt quan tâm đến dự án xây dựng hệ thống băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua đường biên giới tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận và ra nghị quyết để triển khai thực hiện.
“Dự án băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay khi đi vào vận hành sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới về KT-XH, đồng thời là điều kiện thuận lợi, động lực để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh ở khu vực phía Tây của tỉnh...”, ông Hưng nói.
Với những tín hiệu trên, tin rằng “dòng” than từ Kaleum sẽ sớm khai thông...!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)