Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, chính sách, pháp luật cho thanh niên, hằng năm, UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) đã chỉ đạo các cấp chính quyền, ban, ngành và đoàn thể trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho 100% thanh niên trong lực lượng vũ trang, thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức được tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của các cấp ủy đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 100% thanh niên là học sinh; thanh niên là công nhân; thanh niên ở nông thôn, biên giới và thanh niên vùng đồng bào DTTS được trang bị kiến thức về quốc phòng và an ninh, thông qua nhiều hình thức như: hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hội nghị triển khai các luật mới tại cơ quan, đơn vị, địa phương; các cuộc thi tìm hiểu về đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến thanh niên.
Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tuyên truyền qua các kênh thông tin của Đoàn, trang thông tin điện tử đoàn thanh niên các cấp, mạng xã hội, lồng ghép triển khai Luật Thanh niên vào sinh hoạt tư tưởng dưới cờ và các buổi họp, hội nghị và sinh hoạt đoàn viên đến toàn thể cán bộ, viên chức và đoàn viên thanh niên, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, viên chức đối với công tác thanh niên, phát huy quyền và nghĩa vụ của thanh niên, làm rõ vai trò của Nhà nước và xã hội đối với thanh niên, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên, hình thành nguồn nhân lực trẻ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện.
Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên DTTS nói riêng, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương làm tốt công tác giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp; tổ chức tư vấn hướng học, hướng nghiệp cho thanh niên.
Trong đó, đã chỉ đạo Trung tâm GDNN - GDTX phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về tận thôn, bản để tuyên truyền, vận động học sinh, đối tượng thanh niên tốt nghiệp THCS hoặc chưa hoàn thành chương trình THPT tham gia học văn hóa giáo dục thường xuyên cấp THPT, học văn hóa kết hợp học trung cấp nghề nhằm nâng cao trình độ, nhận thức của thanh niên về học tập và giáo dục nghề nghiệp. Duy trì được các lớp văn hóa giáo dục thường xuyên cấp THPT qua các năm học.
Riêng năm học 2023-2024, Trung tâm tuyển sinh và duy trì được 5 lớp văn hóa giáo dục thường xuyên cấp THPT với 87 học sinh. Mặt khác, các đơn vị trường học chủ động tư vấn hướng nghiệp, tham gia công tác tư vấn hướng học, hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh các khối 9 và 11; tăng cường giáo dục khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần tự tạo việc làm, tự thân lập nghiệp trong lựa chọn nghề nghiệp.
Về công tác tạo việc làm thông qua các chương trình, dự án đầu tư phát triển KT-XH, hơn 10 năm qua, huyện đã giải quyết việc làm mới cho gần 15.000 lao động trong độ tuổi thanh niên. Mặt khác đã bố trí nguồn kinh phí cho việc tổ chức hội nghị tư vấn, tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ và Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn huyện có 809 lượt người đi làm việc ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) chủ yếu trong độ tuổi thanh niên. Qua đó, giúp thanh niên, người lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, tích lũy kiến thức kinh nghiệm và kỹ năng làm việc để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Năm 2024, nhằm tăng cường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp theo định hướng phát triển KT-XH của huyện, UBND huyện Đakrông đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên gắn với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2023- 2026, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Đakrông.
Theo đó, đối tượng là thanh niên trên địa bàn huyện từ đủ 16 - 30 tuổi và thanh niên là chủ các mô hình thanh niên phát triển kinh tế; chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh từ 30-35 tuổi.
Phấn đấu đến năm 2030, 100% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm; 60% thanh niên được đào tạo nghề và tạo việc làm; hỗ trợ vốn vay cho 10-15 mô hình, dự án thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, làm kinh tế hằng năm; phối hợp giới thiệu việc làm cho 450 thanh niên...
Các giải pháp triển khai thực hiện bao gồm việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về hướng nghiệp, khởi nghiệp gắn với các dự án động lực phát triển của tỉnh; triển khai hiệu quả các hoạt động tư vấn hướng nghiệp giúp thanh niên tìm hiểu thông tin về các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh kết nối tạo việc làm cho thanh niên gắn với các dự án động lực phát triển của tỉnh.
Đồng thời, tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên; khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, vốn từ các chính sách của Nhà nước, của tỉnh, vốn vay ưu đãi ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ thanh niên vay vốn thực hiện các dự án khởi nghiệp.
Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng các kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp và công tác kết nối cung - cầu.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)