Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết Trái Đất đang trong quá trình chuyển đổi, do đó các đợt hạn hán ngắn sẽ diễn ra thường xuyên hơn, và quá trình này có liên hệ mật thiết với biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người gây ra.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science, các đợt hạn hán ngắn sẽ ngày càng phổ biến hơn tại hầu hết các khu vực khi Trái Đất ấm hơn.Nhìn chung, các trận hạn hán thường kéo dài nhiều tháng hoặc hơn nhưng cộng với nhiệt độ cao bất thường và thiếu mưa nghiêm trọng, độ ẩm của đất giảm nhanh chóng dẫn đến hạn hán ngắn trong vài tuần. Hạn hán ngắn ngày làm giảm nhanh chóng chức năng lưu trữ CO2 của các hệ sinh thái trên bề mặt Trái đất và có thể gây ra các thảm họa như các đợt nóng, cháy rừng và thiếu điện, đe dọa cả các hệ sinh thái và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Khoa học thông tin và công nghệ Nam Kinh (NUIST) ở Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu dựa trên dữ liệu liên quan đến nhiều đợt hạn hán từ năm 1951-2014. Họ quan sát mức độ gia tăng của các trận hạn hán ngắn ngày trên khắp thế giới, phản ánh sự chuyển đổi toàn cầu theo hướng hạn hán ngắn xảy ra thường xuyên hơn.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, chuyên gia Yuan Xing cho biết kết quả của nghiên cứu cho thấy sự chuyển đổi này rõ ràng có liên quan đến biến đổi khí hậu do con người gây ra, như phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nghiên cứu cũng dự báo rằng đến năm 2100, khi Trái Đất ấm hơn, quá trình chuyển đổi này sẽ mở rộng ra đa số các khu vực trên thế giới.
(Nguồn: Ngày nay)