Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Biết rõ điều đó, ngày càng nhiều phụ huynh đầu tư cho con học tiếng Anh với mong muốn đây sẽ là ngôn ngữ thứ hai của con bên cạnh tiếng Việt. Nhiều gia đình có điều kiện cho con theo học các trường quốc tế từ nhỏ. Không thể phủ nhận việc học tốt tiếng Anh sẽ giúp trẻ gần hơn với giấc mơ trở thành công dân toàn cầu. Tuy nhiên, vì chỉ chú trọng vào việc nói tiếng Anh, nhiều trẻ gặp khó khăn trong tư duy ngôn ngữ bằng tiếng Việt.
Nhân dịp họp lớp, chị Phan Thị Huyền (sinh năm 1978) ở TP. Hồ Chí Minh mang con về quê theo mẹ để gặp gỡ bạn bè. Con gái chị năm nay lên lớp 5, theo học trường quốc tế từ hồi còn mẫu giáo nên nói tiếng Anh rất giỏi.
Ở môi trường gia đình và lớp học của cô bé thì việc sử dụng ngôn ngữ này là bình thường. Nhưng khi về quê, tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa là con cái của bạn mẹ, cô bé lại gặp khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng Việt. Nếu cần nói một câu dài, đủ ý, cô bé phải cần đến sự trợ giúp của mẹ.
Chị Huyền cho biết, do hai vợ chồng đều học tốt ngoại ngữ nên thoải mái giao tiếp với con từ nhỏ. Ban đầu, chị muốn như vậy để khi đến trường, con mình có thể giao tiếp với thầy cô, bạn bè đến từ nhiều quốc gia một cách lưu loát.
Tuy nhiên, khi con lên lớp 3, thấy con nói tiếng Việt khá khó khăn, phát âm không chuẩn nên vợ chồng chị thống nhất quan điểm giao tiếp với con hoàn toàn bằng tiếng Việt khi ở nhà. Vậy nhưng tình hình cũng không mấy cải thiện do con chị ở trường cả ngày, lại giao tiếp, học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh nên hễ nói tiếng mẹ đẻ thì phải vận dụng thêm ngôn ngữ hình thể.
“Vợ chồng tôi phải thuê cô giáo dạy tiếng Việt để cháu khỏi bị mất gốc. Nhờ đó mới cải thiện đôi chút khả năng nói tiếng Việt của cháu. Hiện cháu vẫn khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng Việt, tuy nhiên vợ chồng tôi xác định quá trình bồi đắp vốn tiếng Việt cho con phải kiên trì và lâu dài”, chị Huyền chia sẻ.
Với trẻ em Việt Nam sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, tình trạng sử dụng tiếng Việt gặp khó hơn nếu như ba mẹ không dành thời gian và có phương pháp để vun đắp vốn tiếng Việt cho con. Hè năm nay, chị Nguyễn Thị H., TP. Đông Hà, đưa các con từ Mỹ về thăm ông bà nội ngoại. Các con chị đều sinh ra, lớn lên ở Mỹ nên vốn tiếng Việt rất hạn chế.
Các cháu có thể hiểu người khác nói nhưng lại không nói và viết được, vì thế phải nhờ ba mẹ phiên dịch nếu muốn giao tiếp với người thân. Chỉ tội ông bà nội ngoại, muốn hỏi han tình hình học tập, sinh hoạt hay tâm sự điều gì với các cháu đều phải qua phiên dịch dẫn đến tương tác bị hạn chế.
Chị H. thừa nhận, cuộc sống bận rộn ở Mỹ đã cuốn vợ chồng chị vào guồng công việc, không có thời gian để trò chuyện với con. Hơn nữa, ban đầu vợ chồng chị cũng mong muốn con sử dụng tiếng Anh thành thạo để hòa nhập với người bản xứ. Chỉ khi về Việt Nam mới thấy bất cập, nhất là trong việc gắn kết tình thân.
“Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào sinh ra ở Mỹ cũng đều khó khăn trong việc nói tiếng Việt. Nhiều gia đình người Việt ở Mỹ rất chú trọng đến việc dạy tiếng mẹ đẻ cho con cái mình”, chị H. chia sẻ.
Trước tình trạng một số học sinh người Việt quên tiếng Việt, nhiều người cho rằng lỗi do các em theo học các trường quốc tế. Về quan điểm này, chị Lê Thị Quỳnh Trang, thạc sĩ chuyên ngành Phát triển quốc tế và thay đổi xã hội, Trường Đại học Clark, Mỹ, khẳng định: “Chương trình giáo dục ở các trường quốc tế không có lỗi vì đa số các trường đều có tiết tiếng Việt dành cho học sinh quốc tịch Việt Nam. Vấn đề nằm ở trách nhiệm của phụ huynh đối với con cái mình. Theo tôi, phụ huynh cần tăng cường tiếng Việt cho con tại nhà”.
Chị Trang đã có thời gian học thạc sĩ ở Mỹ, gặp gỡ cộng đồng người Việt ở đó nên rất ý thức được vai trò của tiếng mẹ đẻ trong việc kết nối với người thân, cộng đồng. Vì thế, ngay khi cho hai con vào trường quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, tiếng Việt luôn là ưu tiên hàng đầu đối với chị khi giao tiếp với con. Để tăng cường vốn tiếng Việt cho con, sau thời gian ở trường, về nhà chị dành thời gian nói chuyện với con theo chủ đề hằng ngày. Chị chọn các cuốn sách phù hợp với độ tuổi và sở thích của con để khuyến khích việc đọc sách.
Theo chị Trang, việc đọc sách không chỉ giúp cải thiện vốn từ mà còn phát triển tình yêu với ngôn ngữ. Ngoài ra, chị còn đăng ký cho con học các lớp tiếng Việt ngoài giờ; tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, hoặc sự kiện cộng đồng Việt Nam để con hiểu thêm về nguồn gốc và văn hóa của đất nước mình. Chị cũng khuyến khích con sử dụng các ứng dụng, trò chơi học tiếng Việt để vừa học, vừa chơi. “Bằng cách kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, bạn có thể giúp con phát triển và duy trì vốn tiếng Việt một cách hiệu quả ngay cả khi theo học trường quốc tế”, chị Trang chia sẻ.
Tùy theo quan điểm và môi trường sống để có phương pháp dạy con sử dụng ngôn ngữ nào cho phù hợp. Khả năng tiếp nhận ngôn ngữ của trẻ rất tốt, có thể học được nhiều thứ tiếng cùng một lúc. Tuy nhiên, dù học ngôn ngữ nào thì tiếng mẹ đẻ cần phải được ưu tiên hàng đầu vì gắn với nguồn cội, gốc gác của bất cứ một đứa trẻ nào.
Để trẻ phát triển lành mạnh về cảm xúc, trí tuệ, tình cảm, cần bồi đắp tiếng Việt cho các em để tránh tình trạng quên tiếng Việt ngay trên chính quê hương mình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)