Các địa phương vùng khó sẵn sàng cho năm học mới

Lê Trường |

Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã cơ bản hoàn tất. Đặc biệt, ở các địa phương thuộc vùng khó, tâm thế sẵn sàng càng thể hiện rõ nét khi mà công tác huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến việc ổn định đội ngũ giáo viên, vận động học sinh đến lớp đang được các đơn vị quan tâm, tích cực triển khai thực hiện.


Tích cực vận động học sinh đến lớp

Những ngày tháng 8, khi cái nắng của miền Tây Quảng Trị đang ở đỉnh điểm, các thầy, cô giáo của Trường THCS Thuận, xã Thuận, huyện Hướng Hóa bắt đầu quay trở lại trường để chuẩn bị cho năm học mới. Một công việc quan trọng đầu năm học mà giáo viên ở đây không thể bỏ qua, là tới các gia đình học sinh để gặp phụ huynh, nhắc nhở, vận động các em chuẩn bị đến trường.

Theo thầy, cô đến thăm gia đình em Hồ Thị Trần Thanh, ở thôn Thuận 5, xã Thuận mới thấy hết những vất vả của giáo viên vùng cao. Em Thanh năm nay vào lớp 9, là học sinh có thành tích nổi bật, nên em được nhà trường đưa vào “Ban vận động học sinh đến trường”.

Đến gặp Thanh, ngoài hỏi thăm việc chuẩn bị điều kiện đến lớp, các giáo viên nhắc nhờ Thanh nhắn các bạn trong thôn chuẩn bị để trở lại lớp. “Năm nào cũng thế, các giáo viên trong trường hết kỳ nghỉ hè là đều đến tận nhà của chúng em để nhắc nhở, hỏi han việc chuẩn bị cho năm học mới. Năm nay, một số bạn có điều kiện khó khăn không thể mua sách vở thì thầy, cô trong trường hỗ trợ”, Thanh chia sẻ.

Các giáo viên Trường THCS Thuận đến thăm hỏi, nhắc nhở học sinh trở lại trường - Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Các giáo viên Trường THCS Thuận đến thăm hỏi, nhắc nhở học sinh trở lại trường - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thuận Nguyễn Đức Bảo cho biết, năm học 2023-2024, nhà trường đón 306 học sinh. Những ngày này, nhà trường huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên làm vệ sinh khuôn viên trường, sửa sang phòng học, lau chùi bàn ghế.

“Ngoài việc thành lập “Ban vận động học sinh đến trường” gồm cả giáo viên, học sinh tiêu biểu thực hiện việc kêu gọi, nhắc nhở các em đến lớp. Chúng tôi còn kêu gọi các giáo viên đứng ra vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để mua sách giáo khoa hỗ trợ các em. Trong đó, khối lớp 8 có 82 học sinh phải mua sách mới, trường vận động và đã mua được 40 bộ. Còn các khối khác, thì dùng lại sách cũ đã có ở thư viện”, ông Nguyễn Đức Bảo thông tin.

Không chỉ riêng ở Trường THCS Thuận, các giáo viên Trường Mầm non Thanh những ngày này cũng đang tất bật chuẩn bị cho năm học mới. Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường Dương Thị Như Uyên cho biết, cứ sau kỳ nghỉ hè, việc đầu tiên của nhà trường là phân công giáo viên về tận bản, làng để gặp gỡ phụ huynh, nhắc nhở, vận động cho trẻ đến lớp.

“Có trường hợp vì không muốn đi học trở lại nên khi gặp các cô, trẻ khóc thét. Tuy nhiên, với trách nhiệm và tình thương của người giáo viên mầm non, chúng tôi quyết tâm vận động các mẹ cho trẻ đến trường đúng độ tuổi quy định”, cô Uyên tâm sự.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, toàn huyện hiện có 60 trường ở 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS với 1.062 lớp/27.276 học sinh. Do điều kiện thiếu phòng học và giáo viên nên tỉ lệ huy động nhà trẻ, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày chưa đạt tỉ lệ 100%.

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp

Năm học mới 2023 - 2024, cô và trò Trường Mầm non Tuổi Hoa, ở xã Thanh An, huyện Cam Lộ sẽ được học tập trong ngôi trường mới do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) hỗ trợ với kinh phí hơn 17 tỉ đồng.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa Nguyễn Thị Cẩm Vân phấn khởi chia sẻ, tiếp nhận công trình đúng dịp năm học mới nên cô, trò và Nhân dân địa phương rất vui mừng. Bởi từ nay, đã có ngôi trường khang trang, đầy đủ tiện nghi để cho các con học tập. Chắc chắn chất lượng giáo dục địa phương sẽ được nâng lên.

“Hiện nhà trường đã huy động toàn bộ giáo viên khẩn trương thu dọn các trang thiết bị, đồ dùng dạy học ở cơ sở cũ để vận chuyển đến trường mới. Chuẩn bị sẵn sàng các đồ dùng để trang trí lớp học”, bà Vân cho biết thêm.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cam Lộ Nguyễn Tiến Long cho biết, từ các nguồn lực huy động, huyện Cam Lộ đã đầu tư hơn 56,6 tỉ đồng để xây mới, sửa chữa các trường, lớp học và mua sắm trang thiết bị.

Riêng năm học mới này, ngoài Trường Mầm non Tuổi Hoa ở xã Thanh An, trên địa bàn huyện đưa vào sử dụng Trường Mầm non Bình Minh ở xã Cam Chính với kinh phí hơn 7,6 tỉ đồng; 5 nhà đa năng và một số phòng học, phòng chức năng của các trường tiểu học và TH&THCS trên địa bàn huyện. Với sự chuẩn bị chu đáo tất cả mọi điều kiện cho công tác dạy và học, đến thời điểm này, Cam Lộ sẵn sàng chào đón năm học mới.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 399 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Kết thúc năm học 2022 - 2023, tổng số học sinh là 177.925 em. Hiện nay, công tác chuẩn bị cho năm học mới đang được các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai. Điều đáng mừng là tại các địa phương điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, công tác này được cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành GD&ĐT thực hiện quyết liệt. Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương cho biết, để tạo điều kiện tốt nhất cho năm học mới, sở đã phối hợp các địa phương tổ chức rà soát cơ sở vật chất trường, lớp.

Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng các đơn vị trường ở những vùng khó, địa phương tập trung xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường công tác vận động, tiếp nhận tài trợ để xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo đúng quy định.

Bên cạnh đó, lên kế hoạch sắp xếp, bố trí giáo viên đảm bảo cho năm học mới; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm giúp giáo viên tiếp cận các nội dung mới trong chương trình đào tạo. Đặc biệt, phối hợp các đơn vị xuất bản sách giáo khoa đảm bảo cung ứng đủ số lượng; hỗ trợ sách cho học sinh ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn.

“Hiện nay các cơ sở giáo dục, trường học đã xây dựng kế hoạch cho năm học mới hết sức cụ thể. Trong đó, tập trung rà soát đối tượng học sinh để có phương án hỗ trợ, vận động các em đến trường, đảm bảo không có học sinh nào vì khó khăn mà phải bỏ học”, bà Hương thông tin thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trực tiếp đối thoại cùng giáo viên cả nước

PV |

Chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục đào tạo năm 2023” của Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/8 tới. Bộ GD&ĐT cho hay hiện đã nhận khoảng 6.000 ý kiến gửi về.

Bỏ hình thức thi thăng hạng giáo viên là có căn cứ

PV |

Ngày 4/8, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có thông tin giải đáp một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.

Chật vật thu hút, giữ chân giáo viên mầm non

PV |

Thiếu giáo viên mầm non là tình trạng đã tồn tại nhiều năm nay ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Tuyển sinh đại học 2023: Điểm sàn nhiều ngành đào tạo giáo viên duy trì ở mức cao

PV |

Mới đây, công bố điểm sàn xét tuyển theo phương thức dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 của các trường Đại học đào tạo nhóm ngành Sư phạm tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, điểm sàn ở nhiều ngành vẫn duy trì ở mức cao, ngành cao nhất 23,5 điểm.