Cam Lộ (Quảng Trị) là địa phương có tiềm năng lớn về cây dược liệu, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm dược liệu của tỉnh. Vì thế, cây dược liệu đang trở thành cây trồng chủ lực mở ra nghề trồng, chế biến các sản phẩm dược liệu, nâng cao giá trị kinh tế.
Khẳng định thế mạnh
Những năm qua, tận dụng lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước, huyện đã chú trọng chuyển đổi nhiều diện tích đất lâm nghiệp và đất bạc màu sang trồng cây dược liệu, nâng tổng diện tích cây dược liệu toàn huyện lên hơn 279 ha. Trong đó có một số loại cây có giá trị kinh tế cao như: chè vằng, cà gai leo, cây an xoa, ba kích tím, đinh lăng, hà thủ ô, sâm Bố Chính...
Nếu như trước đây, việc trồng và chế biến các sản phẩm từ dược liệu chỉ tồn tại một cách nhỏ lẻ, manh mún thì nay, cây dược liệu đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.So với trồng lạc hay trồng cây lâm nghiệp chỉ thu được từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/năm thì mỗi héc ta cây an xoa mang về cho người nông dân nguồn thu từ 180 đến 200 triệu đồng/năm. Diện tích cây an xoa đạt 16,5 ha với năng suất bình quân từ 15-17 tấn/ha/năm, có nơi trên 20 tấn/ha.
Thời gian qua, để hỗ trợ người trồng cây an xoa, UBND huyện Cam Lộ đã trích ngân sách hỗ trợ vật tư đầu vào cho nông dân như giống, phân bón...
Ngoài ra, nhờ tích cực kêu gọi nhiều nhà đầu tư và tiến hành tìm kiếm thị trường cho các loại sản phẩm nông nghiệp, nhất là các loại cây dược liệu có thế mạnh trên địa bàn huyện mà chỉ trong vòng 2 năm 2021-2022, huyện đã xuất khẩu 3 lô cao dược liệu sang Mỹ, Canada với tổng giá trị hơn 4,5 tỉ đồng.
Đây chính tạo tiền đề để huyện Cam Lộ quy hoạch, mở rộng diện tích trồng các loại dược liệu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của địa phương, tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho người nông dân.Tuy nhiên, quá trình nhân rộng cây dược liệu trên địa bàn vẫn còn gặp một số khó khăn như: kỹ thuật canh tác và quản lý chất lượng trong sản xuất cây dược liệu chưa được chặt chẽ; vốn đầu tư ban đầu cao, thị trường đầu ra chưa ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp đầu tư thu mua nên người dân chưa yên tâm sản xuất.
Ngoài ra, do cơ sở hạ tầng còn thiếu, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ chưa hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung. Việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn còn gặp khó khăn...
Phấn đấu trở thành trung tâm dược liệu
Với những lợi thế đã được khẳng định, huyện Cam Lộ có chủ trương khai thác tiềm năng, lợi thế về dược liệu; sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có; từng bước xây dựng huyện trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Trong đó, chú trọng phát triển mạnh vùng dược liệu bằng việc nâng cao chất lượng các loại cây dược liệu hiện có, trồng mới một số loại cây theo hướng hữu cơ và xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2025 đưa Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh.
Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với công tác phát triển dược liệu, như: hỗ trợ đầu tư về tín dụng, vay vốn, cơ sở vật chất, hỗ trợ giống và kỹ thuật, công nghệ…cho người sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chế biến cây dược liệu.
Khuyến khích các hộ nông dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, chuyên canh thuận lợi cho áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong vùng quy hoạch.
Vừa qua, huyện Cam Lộ đã xây dựng dự án “Phát triển mở rộng các loại cây dược liệu có hiệu quả phục vụ chế biến xuất khẩu năm 2023” với nguồn kinh phí thực hiện dự kiến hơn 27,5 tỉ đồng. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp trồng 267 ha quế, 11 ha tràm năm gân, 15 ha cây đàn hương. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, UBND huyện Cam Lộ đề xuất UBND tỉnh và các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT xem xét hỗ trợ hơn 4,1 tỉ đồng, còn lại hơn 23 tỉ đồng do người dân đóng góp.
Có chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến cây dược liệu trên địa bàn huyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để các hộ trồng cây dược liệu có điều kiện phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung nghiên cứu chọn tạo, yêu cầu bảo hộ các giống cây dược liệu; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật về canh tác, khảo nghiệm, chứng nhận chất lượng đối với cây dược liệu; nghiên cứu, xây dựng ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất giống, thâm canh trồng thuần, hữu cơ, công nghệ cao, có mã vùng và các chứng nhận hữu cơ, VietGAP.Tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản dược liệu cho các hộ dân trồng cây dược liệu, cũng như sản xuất các sản phẩm dược liệu nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về công tác trồng cây dược liệu an toàn, đúng quy trình...
Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết: “Dự kiến đến 2025, huyện Cam Lộ quy hoạch vùng chuyên canh cây dược liệu diện tích 500ha, gồm: 100 ha chè vằng, 200 ha cây an xoa, 50 ha cà gai leo, 100 ha cây tràm năm gân và 50 ha cây dược liệu các loại khác.
Huyện định hướng sẽ phát triển cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn, sản xuất chuyên canh vùng nguyên liệu tập trung trước mắt khoảng 200 ha cung cấp cho các cơ sở chế biến cao dược liệu trên địa bàn. Mục tiêu của huyện là phấn đấu để trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị trong thời gian sớm nhất”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)