Những năm qua, các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và các xã, thị trấn vùng miền núi ở phía Tây huyện Gio Linh, Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp và phát huy nội lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông khá đồng bộ.
Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển đô thị, hội nhập, đặc biệt là sự kết nối đa dạng, mạnh mẽ trên Hành lang kinh tế Đông - Tây khiến mật độ phương tiện giao thông tăng nhanh, trong khi đó có quá ít hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao nhau giữa các trục đường giao thông quan trọng ở các địa bàn vùng núi, làm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT), gây lo lắng cho Nhân dân khi tham gia giao thông.
Huyện Đakrông có trên 773 km đường bộ, với nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đi qua địa bàn như: Quốc lộ 15D, Quốc lộ 9... Bên cạnh đó, nhiều trục đường trên địa bàn thị trấn Krông Klang, trục đường trung tâm từ các xã đến huyện và có sự kết nối với các tuyến quốc lộ đã tạo ra nhiều nút giao nhau nhưng chưa có hệ thống đèn tín hiệu giao thông nên tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất lớn.
Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu cho biết, hiện nay hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn huyện quá ít, vì thế địa phương đã kiến nghị HĐND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan xem xét, đầu tư lắp đặt thêm hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nhiều nơi giao nhau giữa các trục đường lớn nhằm điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất những xung đột, va chạm giao thông có thể xảy ra giữa các phương tiện tại nơi đường giao nhau, qua đó, góp phần phòng ngừa, kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Hệ thống giao thông đường bộ toàn huyện Hướng Hóa gồm: 102 km quốc lộ, tỉ lệ cứng hóa đạt 100%; 60 km tỉnh lộ, tỉ lệ cứng hóa đạt 100%; hơn 530 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 18 tuyến đường huyện với tổng chiều dài trên 160 km và 86 tuyến đường xã với tổng chiều dài hơn 181 km, các loại đường nông thôn khác với tổng chiều dài gần 191,4 km.
Hệ thống đường giao thông nội thị có tổng chiều dài 89,11 km, gồm 102 tuyến chính đã được đặt tên đường, còn lại là đường khối, khóm. Hệ thống giao thông tại huyện Hướng Hóa tiếp tục được hoàn thiện, đồng bộ hơn nữa, góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị, diện mạo nông thôn, tạo điều kiện để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Thế nhưng trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều trục đường lớn giao nhau chưa được xây dựng, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và QP-AN trên trục Hành lang kinh tế Đông - Tây. Toàn thị trấn có 28 tuyến đường có lộ giới 11,5 m trở lên với tổng chiều dài trên 25 km; có 33 tuyến đường có lộ giới dưới 11,5 m với tổng chiều dài gần 47 km. Ngoài ra, mạng lưới hẻm, kiệt có 27 đoạn tuyến, lộ giới từ 3 m đến dưới 6 m được cứng hóa 100%.
Hệ thống giao thông trên địa bàn thị trấn Lao Bảo từng bước được hoàn thiện và hiện đại, đảm bảo mỹ quan đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong tình hình mới. Tuy nhiên, tại nhiều điểm giao nhau giữa các tuyến đường lớn vẫn chưa có hệ thống đèn tín hiệu giao thông như: nút giao nhau giữa đường Nguyễn Huệ với đường Lê Quý Đôn và đường Lý Thường Kiệt với đường Trần Phú... có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông khá lớn, nhất là vào giờ tan trường, giờ cao điểm, học sinh, người dân đi lại rất nhiều làm tiềm ẩn nỗi lo TNGT.
“Trên địa bàn thị trấn Lao Bảo hiện có khá ít hệ thống đèn tín hiệu giao thông, trong khi đây là địa bàn có nhiều tuyến đường huyết mạch giao nhau dẫn đến khu thương mại, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, chợ, khu di tích lịch sử, bến xe... Thêm vào đó, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thị trấn khá lớn nên cần thiết phải có thêm nhiều hệ thống đèn tín hiệu giao thông để góp phần điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.
Chính vì thế, chúng tôi mong muốn các cấp, sở, ngành liên quan xem xét, đầu tư lắp đặt thêm các hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nhiều nơi giao nhau giữa các trục đường lớn trên địa bàn thị trấn trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Lê Bá Hùng kiến nghị.
Tại nhiều nút giao nhau giữa các tuyến đường lớn ở các xã, thị trấn vùng miền núi phía Tây huyện Gio Linh, Vĩnh Linh cũng có rất ít hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Thiết nghĩ, để đảm an toàn giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị ngày càng cao và mang lại sự yên tâm, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho người dân vùng miền núi, các cấp, sở, ngành liên quan cần sớm khảo sát, xem xét, ưu tiên xây dựng, lắp đặt thêm hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở các huyện, xã vùng núi của tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)