Thời gian qua, người dân xã A Ngo, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi sang hạ tải than đá đóng trên địa bàn, gây đảo lộn cuộc sống và lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trước sự bức xúc và kiến nghị của người dân, chính quyền địa phương đã lập đoàn kiểm tra tình hình hoạt động của các bãi sang hạ tải than đá này và đề nghị cấp có thẩm quyền có biện pháp giải quyết triệt để.
Tại địa bàn xã A Ngo hiện có 3 bãi sang hạ tải than đá của các doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần logictics PTS Việt Nam, Công ty TNHH Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty TNHH Nam Tiến.
Dù mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng theo người dân địa phương cho biết, hoạt động của các bãi này đã gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Ông Hồ Văn Lộc, sinh sống ngay cạnh một bãi sang hạ tải than đá ở xã A Ngo bức xúc cho biết, tình trạng “nắng bụi, mưa lầy” từ hoạt động của các bãi than này diễn ra thường xuyên, đã làm đảo lộn cuộc sống của gia đình ông cũng như hầu hết các gia đình khác trong khu vực.
Ông Lộc than thở: “Trước đây gia đình tôi chủ yếu sử dụng nguồn nước dưới suối phía sau nhà để ăn uống. Nhưng từ khi nguồn nước đen ngòm chảy ra từ các bãi than xuống suối thì gia đình đi nơi khác xin nước hoặc bỏ tiền mua nước đóng bình để dùng. Còn mùa nắng thì bụi than từ bãi, từ các xe tải trọng lớn vận chuyển than phát tán ra không khí bay mù mịt, bám vào nhà cửa, chén bát, áo quần và các vật dụng sinh hoạt khác trong nhà đen thui. Ai cũng lo lắng cho sức khoẻ”.
Nỗi bức xúc, lo lắng của ông Lộc cũng là nỗi lo chung của hầu hết các hộ dân sinh sống gần khu vực các bãi than trên địa bàn xã A Ngo. Trưởng thôn La Lay, xã A Ngo Hồ Thuỷ cho biết thêm, trước đây khi chưa có các công ty tập kết, sang tải than thì cuộc sống của bà con khá yên lành.
Tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây, khi có hoạt động vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay và có các bãi sang hạ tải tại xã A Ngo thì tình hình đời sống, sinh hoạt của người dân bị xáo trộn, ảnh hưởng nhiều mặt.
Anh Thủy cho biết, thôn La Lay có 80 hộ với 339 nhân khẩu thì ước tính đã có khoảng 80% số hộ bị ảnh hưởng trực tiếp ô nhiễm môi trường từ các bãi than.
Theo anh Thủy, vào mùa nắng, nhiều hộ dân sinh sống gần bên các bãi tập kết than phải mua bạt che chắn nhà cửa để hạn chế bụi than bay vào nhà.
Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ mang tính tạm thời vì không thể ngăn bụi triệt để. Vào mùa mưa, nước từ các bãi than chảy xuống các rãnh hai bên đường rồi chảy trực tiếp xuống các sông, suối, biến dòng nước trở nên đen ngòm.
Không dám sử dụng nước từ sông, suối đã bị ô nhiễm, người dân góp tiền khoan giếng lấy nước dùng nhưng nguồn nước này cũng không đảm bảo vì bị nhiễm vôi, phèn khá nặng.
“Người dân ở đây rất lo lắng cho sức khỏe của mình, nhiều người sức khoẻ cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng bụi than. Bà con mong muốn cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về môi trường từ hoạt động vận chuyển, sang hạ tải than trên địa bàn để đảm bảo cuộc sống cho người dân”, anh Thủy kiến nghị.
Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Tất Huấn cho biết: ngày 25/9/2023, UBND xã đã thành lập đoàn kiểm tra phản ánh thông tin của người dân về hoạt động sang hạ tải các bãi than gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, với kết quả cụ thể: đối với bãi sang hạ tải của Công ty Cổ phần logictics PTS Việt Nam, hiện trạng có khoảng 2.000 tấn than đá không được che chắn phủ bạt, các hố lắng bị bồi lấp. Do vậy, mưa đã cuốn theo lượng lớn than đá chảy ra sông, suối làm đen ngòm dòng nước sông, suối.
Bãi sang hạ tải của Công ty TNHH Tập đoàn Hoành Sơn hiện trạng có khoảng 200 tấn than đá, số than đã được che chắn phủ bạt, hố lắng đã bị bồi lấp. Kết quả kiểm tra có một lượng ít than đá cuốn theo nước mưa ra sông, suối.
Đối với bãi sang hạ tải của Công ty TNHH Nam Tiến, hiện trạng có khoảng 100.000 tấn than đá, toàn bộ số than không được che chắn phủ bạt, hố lắng không đảm bảo. Do vậy mưa đã cuốn một lượng lớn than đá chảy ra sông, suối làm đen dòng nước sông, suối.
Đoàn kiểm tra đã đề nghị các công ty che chắn bãi than, sớm nạo vét hố lắng, làm mới kênh mương dẫn nước không để chảy vào bãi than và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Đồng thời, ngày 12/10/2023, UBND xã A Ngo đã tiến hành kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện những kiến nghị của đoàn kiểm tra trước đó. Tuy vậy, các công ty vẫn chưa hoàn toàn chấp hành đầy đủ những kiến nghị của đoàn kiểm tra về thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, nên nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường trong thời gian tới vẫn rất lớn.
Ngày 17/10/2023, trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Xuân Bình, quản lý bãi sang hạ tải của Công ty TNHH Nam Tiến cho biết: thực hiện ý kiến của đoàn kiểm tra của xã, mấy ngày qua đơn vị đã đào mới 3 hố lắng cùng với 4 hố lắng trước đó nữa nên hiện tại bãi có 7 hố lắng. Ngoài ra, đơn vị cũng đã thực hiện phủ bạt che chắn bãi than.
Ông Bình cho biết thêm: “Hiện nay doanh nghiệp chúng tôi đang tiếp tục thực hiện các biện pháp, hoàn thiện các hạng mục nhằm khắc phục những hạn chế về môi trường, qua đó giảm thiểu tác động đến cuộc sống của người dân”.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường từ các bãi sang hạ tải than trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Tất Huấn kiến nghị: “Các đơn vị có hoạt động sang hạ tải than trên địa bàn cần sớm triển khai nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường theo phương án cấp phép môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời kiến nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)