Cảnh báo lừa đảo lao động thời vụ sang Hàn Quốc

Khánh Hưng |

Thời gian qua, cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo đến người lao động có nhu cầu đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc về tình trạng lừa đảo người lao động. Tuy nhiên trên thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo về lao động thời vụ, đòi hỏi cơ quan chức năng phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền.


Thị trường lao động tại Hàn Quốc có nhiều chương trình làm việc hiệu quả, ý nghĩa. Tại Quảng Trị, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã và đang triển khai chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS). Đây là chương trình cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài được ký kết giữa Bộ Lao động Hàn Quốc và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Việt Nam. Kết quả, từ năm 2005 đến tháng 6/2024 có khoảng hơn 5.000 lao động Quảng Trị đã xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, người lao động đi theo chương trình EPS đòi hỏi thời gian đào tạo khá dài và khả năng trúng tuyển khó.

Do vậy, chương trình thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước theo Công văn 2188/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 24/6/2022 của Bộ LĐ,TB&XH (thị thực E8) là một hướng đi mới về tạo việc làm. Chương trình này có chi phí ít tốn kém hơn, thủ tục nhanh gọn, không yêu cầu cao về ngoại ngữ, thời gian đi làm việc ngắn, dễ nâng cao thu nhập cho người lao động nên được nhiều người quan tâm.

Lớp đào tạo kỹ năng tiếng Hàn do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức -Ảnh: TÚ LINH
Lớp đào tạo kỹ năng tiếng Hàn do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức -Ảnh: TÚ LINH

Tuy nhiên, lợi dụng chương trình này, một số đối tượng đã môi giới thông tin, lừa đảo người lao động, gây hoang mang dư luận. Báo động nhất là vào ngày 22/9, hàng trăm lao động bị Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam bỏ rơi tại sân bay Nội Bài trong lúc làm thủ tục chuẩn bị bay sang Hàn Quốc làm việc theo thỏa thuận với công ty. Bộ LĐ,TB&XH và các cơ quan chức năng đã lập tức vào cuộc xác minh việc làm sai trái của công ty này nhằm xử lý, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Trước tình hình này, ngày 24/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước ra văn bản khuyến cáo đến người lao động về tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lợi dụng chương trình thị thực E8 lừa đảo đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc. Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định đây là chương trình hợp tác trực tiếp giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc trên cơ sở bản thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa địa phương hai nước để tuyển chọn đưa người lao động cư trú tại địa phương sang làm việc tại Hàn Quốc.

Điểm nhận biết của chương trình này là không giao cho doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào mà cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện chịu trách nhiệm ký hợp đồng , tổ chức đào tạo tiếng Hàn, tuyển chọn đảm bảo yêu cầu của bên tiếp nhận lao động, là địa phương ở Hàn Quốc.

Thời gian qua, cả nước có 17 tỉnh đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E8. Tại các địa phương triển khai chương trình này, việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện. Vì thế, người lao động cần tìm hiểu các quy định của hình thức làm việc này và những địa phương đã ký thỏa thuận với phía Hàn Quốc để tránh bị lừa đảo.

Đối với tỉnh Quảng Trị, đến thời điểm hiện tại, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã tuyên truyền quy định của trung ương, bộ, ngành liên quan đến với người lao động. Đa số người lao động tiếp nhận thông tin chương trình thị thực E8 rất hồ hởi.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nảy sinh một số vướng mắc như: việc thẩm định năng lực, điều kiện làm việc của doanh nghiệp tại Hàn Quốc có nhu cầu tuyển chọn lao động Quảng Trị làm cơ sở cho việc ký kết thỏa thuận chưa thực hiện được vì chưa có thông tin. Tỉ lệ lao động của một số tỉnh sang Hàn Quốc bỏ trốn khá cao nhưng hiện chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về chống tình trạng lao động bỏ trốn nên khó khăn trong ký kết văn bản thỏa thuận...

Cùng với các địa phương khác, Quảng Trị nỗ lực tìm phương án tối ưu để đưa người lao động sang làm việc ở Hàn Quốc theo thị thực E8. Đồng thời cơ quan chức năng của tỉnh khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nói chung và đi làm việc theo thị thực E8 tại Hàn Quốc nói riêng hết sức cẩn trọng khi tìm hiểu thông tin về thị trường lao động.

Để tránh bị lừa đảo, người lao động chỉ liên hệ trực tiếp với Sở LĐ,TB&XH hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm hiểu thông tin liên quan, tuyệt đối không nghe theo các thông tin quảng cáo không chính thống và không liên hệ với các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới. Người lao động cũng có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 0243.8.249.517, số máy lẻ 511, 304 để tìm hiểu thêm thông tin.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cảnh giác thủ đoạn giả danh cán bộ BHXH tỉnh Quảng Trị để lừa đảo

Thanh Trúc |

Thông tin từ Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Trị Đào Công Tuấn cho biết, thời gian gần đây, BHXH tỉnh nhận được thông tin phản ánh từ người dân, người lao động về việc một số đối tượng giả danh là cán bộ cơ quan BHXH gọi điện, nhắn tin yêu cầu người dân đồng bộ dữ liệu CCCD, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID - BHXH số... nhằm lợi dụng, lừa đảo người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN với nhiều hình thức khác nhau.

Triệt phá đường dây đưa đón người nước ngoài nhập cảnh trái phép, phát hiện tổ chức lừa đảo bằng công nghệ cao

Phước Trung |

Ngày 5/8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị cho biết, đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi tổ chức, môi giới người nước ngoài nhập cảnh trái phép, hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, chuyển Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị tiếp tục điều tra, truy tố theo quy định pháp luật.

Lừa đảo hơn 50 tỉ đồng để trả nợ và chơi game, hai vợ chồng lãnh án 32 năm tù

T.B |

Ngày 2/8, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với các bị cáo: Hồ Thị Hương Loan, Dương Tất Chiến cùng sinh năm 1989 và trú tại Khu phố 2, Phường 2, thị xã Quảng Trị. Do kinh doanh và đánh bạc thua lỗ, hai bị cáo này đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 50 tỉ đồng của nhiều người dân trên địa bàn.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo hỗ trợ cài đặt sinh trắc học

Thanh Vũ |

 

Ngày 3/7, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo hỗ trợ cài đặt sinh trắc học hay giả mạo nhân viên ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân trên địa bàn.