Vì “nhẹ dạ, cả tin”, nhiều nạn nhân đã bị lừa tiền qua mạng xã hội một cách dễ dàng, một số trường hợp cũng suýt bị lừa số tiền lớn.
Với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng lừa đảo đã đưa nhiều nạn nhân “vào tròng” và chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Mặc dù các ngành chức năng đã nỗ lực cảnh báo, ngăn chặn nhưng tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng vẫn tiếp diễn, nhiều nạn nhân vẫn bị dính bẫy và mất tiền.
Chị N.T.K.T. ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị một đối tượng mạo danh anh trai lừa 7 triệu đồng bằng hình thức lập nick facebook ảo của người thân và nhắn tin với các bị hại. Đối tượng đã chiếm đoạt tiền thông qua tài khoản ngân hàng số 060295278180. Chị T. đã chuyển cho số tài khoản này lần thứ nhất số tiền 2 triệu đồng, lần thứ hai 5 triệu đồng. Khi đối tượng tiếp tục đề nghị chị chuyển tiền lần thứ ba thì bị phát giác.
Chị T. chia sẻ câu chuyện của mình: “Ban đầu tôi không suy nghĩ, nghi ngờ gì vì nghĩ đó là người thân của mình. Hơn nữa, số tiền đối tượng đề nghị chuyển không nhiều nên tôi tiếp tục chuyển thêm. Chỉ đến khi chuẩn bị chuyển lần thứ ba thì có một chị bạn cho biết nick facebook của anh trai tôi bị hack nên tôi gọi điện thoại xác minh thì mới biết sự thật. Nhiều người là bạn bè anh trai tôi cũng bị mượn tiền theo cách tương tự”.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 18/9/2023, hai thanh niên tự xưng tên Tùng và Lâm gọi video qua zalo cho bà Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh. Khi gọi video, hai đối tượng mặc áo quần giống cán bộ công an, toà án và tự xưng là người của hai cơ quan đó tại Hà Nội. Hai người này nói bà Hạnh liên quan đến đường dây buôn bán ma tuý, đã hưởng hoa hồng 6 tỉ đồng từ đường dây này, vì thế buộc bà Hạnh phải khai báo toàn bộ tài sản của gia đình và thông tin cá nhân. Sau đó, hai người này yêu cầu bà Hạnh chuyển vào tài khoản của chúng 50 triệu đồng gọi là tiền án phí.
“Quá trình nói chuyện với tôi, các đối tượng không cho tôi tiếp xúc hay nói chuyện với ai khác, đe dọa là vụ án đang trong quá trình điều tra nên cuộc trò chuyện giữa chúng với tôi phải giữ bí mật. Ngoài ra, khi đến ngân hàng thì tôi với các đối tượng phải xưng mẹ con để tránh người khác nghi ngờ”, bà Hạnh kể.
Chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ bị thao túng tâm lý và gây áp lực, trước 11 giờ cùng ngày, bà Hạnh đến trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh để mở tài khoản để chuyển số tiền 50 triệu đồng cho hai đối tượng trên. Biết bà Hạnh bị lừa đảo qua mạng, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh đã giải thích giúp bà tránh bị lừa mất số tiền 50 triệu đồng.
Một thủ đoạn khác mà tội phạm sử dụng lừa đảo trên mạng xã hội là chiếm quyền sử dụng tài khoản facebook cá nhân, bằng cách lừa người dùng click vào các đường link giả mạo hay gắn thẻ vào các bài viết chứa đường link độc hại trên cơ sở nắm bắt xu hướng tổ chức các cuộc thi bình chọn trực tuyến đang phổ biến như hiện nay trên mạng xã hội. Ngoài việc sử dụng công nghệ cao thì sim rác cũng là công cụ để những kẻ ẩn danh thực hiện hành vi lừa đảo.
“Trong thời gian gần đây, tôi có nhận được một số cuộc gọi từ số điện thoại lạ giả danh công an yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ và cung cấp một số thông tin như số CMND, số tài khoản ngân hàng để người ta xác minh và yêu cầu lên làm việc tại một số trụ sở. Thường thì khi nhận được điện thoại, nghe đến công an thì ai cũng cảm thấy hoang mang, vì thế rất dễ bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý”, chị V.T.L. ở Phường 1, TP. Đông Hà cho biết.
Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng diễn biến phức tạp với quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng khi gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ thiệt hại. Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, Công an tỉnh: Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ với 40 đối tượng; khởi tố 6 vụ với 13 bị can thuộc nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự xã hội, gây thiệt hại hơn 12 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 42 vụ với 27 đối tượng, gây thiệt hại hơn 12 tỉ đồng, hiện đã khởi tố 19 vụ án với 28 bị can.
Đại tá Trần Đức Triệu, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, Công an tỉnh cho biết: Thực hiện Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống tội phạm lừa đảo, đơn vị đã tập trung các biện pháp, lực lượng để phối hợp với các cấp, ngành, đặc biệt đối với những ngành liên quan như các nhà mạng, ngân hàng để tập trung đấu tranh với loại tội phạm này. Qua công tác đấu tranh, trong những năm qua chúng tôi đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội cũng như phòng ngừa nghiệp vụ, đặc biệt đã điều tra, khám phá và làm rõ các tội phạm lừa đảo bằng trình độ, công nghệ cao.
Mặc dù các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Trị đã, đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng chống tội phạm hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên vẫn còn nhiều người bị mắc lừa do “nhẹ dạ cả tin”. Để chủ động phòng tránh tội phạm lừa đảo qua không gian mạng, người dân khi sử dụng mạng xã hội cần lưu ý không nên kết bạn với người không quen biết, không nghe điện thoại với các đầu số lạ, nhất là các đầu số nước ngoài: 0099..., 0055..., 0088..., 001..., nếu nghe điện thoại của người lạ thì không nên làm theo hướng dẫn. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân; không thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội... Cần xác thực bằng các cuộc điện thoại kiểm chứng có độ dài khoảng 2 phút trở lên để tránh kẻ xấu mạo danh lừa đảo và không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn do đối tượng lạ gửi đến qua tin nhắn...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)