Ngay trong ngày 26.10, các tỉnh Trung Trung bộ đã khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú tránh, lên kế hoạch sơ tán dân vùng xung yếu ven sông, sát biển đến nơi an toàn. Nhiều tỉnh thành đã chỉ đạo cho học sinh nghỉ học từ 27-29.10. Dừng, hoãn tất cả các cuộc hội họp không cần thiết.
Chưa cần thông báo từ chính quyền, người dân miền Trung đã chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng chống bão số 9. Đặc biệt, dân ven biển thì xúc cát, chèn trên những mái tôn. Những nhà ở xa bãi biển, người dân dùng bao ni - lon bơm nước để chèn mái nhà.
UBND TP.Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương triển khai công tác đối phó với bão số 9.
Các địa phương đều chỉ đạo khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng tránh bão mạnh số 9. Đề nghị trước 18 giờ ngày mai - 27.10, phải hoàn thành chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… sẵn sàng phương án sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Đối với vùng dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ, hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 đến 10 ngày. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam quyết định cho học sinh tất cả các cấp học và học viên giáo nghỉ học trong 2 ngày 27.28.10. TP.Đà Nẵng cho nghỉ học từ chiều 27 đến 29.10 và chờ đến khi có thông báo mới tiếp theo.
Các địa phương cũng đã lập tức kêu gọi tàu thuyền, ngư dân trên biển tìm nơi rú ẩn gần nhất hoặc vào bờ nếu có thể. Cấm tuyệt đối các tàu thuyền ra khơi ngay từ bây giờ.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai phương án phòng chống bão với phương châm “4 tại chỗ”. UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung phòng chống bão.
UBND huyện Lý Sơn có phương án di dời 280 hộ với trên 1.000 nhân khẩu ở vùng nguy hiểm lên trụ sở UBND xã, nhà Văn hóa thôn, trường học trú tránh. Hiện, trên 600 tàu cá, ca nô, tàu du lịch tại Lý Sơn đã vào nơi neo đậu an toàn.
UBND tỉnh Bình Định đã có công điện khẩn cấp đối phó với bão số 9, yêu cầu Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản liên lạc, thông báo và hướng dẫn các tàu cá chủ động này di chuyển khỏi vùng ảnh hưởng, vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn. Bình Định cũng đã lên phương án di dời khoảng 15.364 hộ dân.
(Nguồn: Báo Lao Động)