Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em mà còn làm giảm chất lượng dân số và là rào cản đối với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thức rõ tình trạng này, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đang tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.
Xã A Dơi, huyện Hướng Hóa có 780 hộ với gần 3.700 nhân khẩu, trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 540 hộ với trên 3.400 nhân khẩu. Do trình độ dân trí, điều kiện kinh tế gia đình còn hạn chế nên những năm trước, mỗi năm đều có khoảng 10 hộ gia đình đồng bào DTTS tảo hôn. Theo thống kê của UBND xã A Dơi, chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, trong tổng số 155 cặp kết hôn trên địa bàn xã đã có 62 cặp tảo hôn, chiếm tỉ lệ 40%.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi Hồ Văn Thăng, tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã chủ yếu là do ảnh hưởng của phong tục, tập quán và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân. Gần đây có thêm sự tác động của mạng xã hội có nội dung xấu đã ảnh hưởng trực tiếp đến lứa tuổi vị thành niên, dẫn đến một số trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học để lấy chồng.
Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua, địa phương đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, nhằm nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng.
Tạo mối liên hệ chặt chẽ trong công tác truyền thông, giáo dục giữa gia đình, cộng đồng và xã hội. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình; đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.
Đưa quy định việc bình xét gia đình văn hóa hằng năm về vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào quy ước của thôn, bản. Tổ chức ký cam kết thôn không có người tảo hôn. Tăng cường quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa. Xử phạt hành chính các trường hợp tảo hôn.
Trong năm 2023, UBND xã đã xử phạt 6 trường hợp tảo hôn với số tiền 16 triệu đồng. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã qua từng năm.
“Đến nay, tình hình đã có chuyển biến tích cực. Nếu như giai đoạn 2016 - 2020, tỉ lệ tảo hôn trên địa bàn xã là 40% thì năm 2023 trong tổng số 30 cặp đăng ký kết hôn chỉ có 6 cặp tảo hôn, chiếm tỉ lệ 20%”, ông Thăng cho hay.
Huyện Hướng Hóa có 21 xã, thị trấn với 3 dân tộc cùng sinh sống gồm Kinh, Vân Kiều, Pa Kô; dân số hơn 95.000 người. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp, còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, dân trí còn hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho tất cả đối tượng học sinh về Luật Hôn nhân và Gia đình, những tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền các quy định liên quan đến việc tảo hôn, kết hôn sớm nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền như tập huấn kỹ năng tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. In và phát hơn hơn 8.000 tờ rơi, tờ gấp, sổ tay tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình cho người dân trên địa bàn huyện.
Tổ chức xây dựng hương ước, quy ước “Thôn không tảo hôn” tại các xã là điểm nóng về tảo hôn. Xử phạt vi phạm 66 vụ với số tiền nộp phạt do vi phạm tảo hôn 126,5 triệu đồng. Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, phòng chống tảo hôn.
Thành lập những mô hình phòng ngừa bạo lực gia đình, tảo hôn. Từ đó hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Ông Phạm Trọng Hổ dẫn chứng, nếu như trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉ lệ tảo hôn trên địa bàn huyện từ 16,6 - 21,36% với tổng số hơn 690 cặp tảo hôn thì năm 2023 trong tổng số 740 cặp đăng ký kết hôn có 82 trường hợp tảo hôn, chiếm tỉ lệ 11,1%; không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
“Để tiếp tục giảm thiểu, tiến đến loại bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thời gian tới, huyện Hướng Hóa tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhất là ở những địa phương có tỉ lệ tảo hôn cao.
Có những chính sách ưu tiên, khuyến khích những nơi làm tốt và những biện pháp mang tính răn đe, giáo dục, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân - gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”, ông Phạm Trọng Hổ cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)