Thời điểm giáp tết Nguyên đán 2024, tình hình mua bán, sử dụng pháo trái phép, vật liệu nổ diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức lồng ghép các hoạt động nhằm giáo dục học sinh không tàng trữ, mua bán, sử dụng pháo trái phép, đảm bảo an toàn tính mạng và an ninh trật tự để Tết được an toàn.
Nhận thấy tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến pháo có dấu hiệu gia tăng ở ngoài xã hội rất dễ ảnh hưởng đến học sinh, Trường Tiểu học và THCS Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã hướng dẫn cho học sinh thành lập câu lạc bộ (CLB) pháp luật hoạt động tuyên truyền các nội dung về phòng, chống sử dụng pháo trái phép, vật liệu nổ trong nhà trường.
Hiệu trưởng nhà trường Phan Thị Quỳnh Trang cho biết: Bằng các hình ảnh, video, tờ rơi, đóng kịch lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa của trường, các thành viên của CLB đã hoạt động tích cực mang lại hiệu quả thiết thực, tác động tốt đến nhận thức của học sinh tiểu học và THCS nói không với pháo trái phép. Nhà trường còn phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền pháp luật về quản lý và sử dụng pháo, vật liệu nổ cho gần 600 học sinh. Buổi tuyên truyền đã được phụ huynh, các cấp, ngành trên địa bàn đánh giá cao và học sinh hưởng ứng tích cực. Bằng việc làm thiết thực, kịp thời này nên trường không xảy ra tình trạng học sinh vi phạm pháp luật liên quan đến pháo.
Tại Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh có gần 1.000 học sinh. Để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan đến pháo, nhà trường phối hợp với thôn, chi bộ thôn, gia đình vận động học sinh nói không với pháo trái phép.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Trần Trung Dũng cho biết: Việc thực hiện cuộc vận động nói không với pháo trái phép được Trường Tiểu học và THCS xã thực hiện rất nghiêm túc. Ngoài ra, UBND xã đề nghị Đoàn Thanh niên của xã phối hợp với nhà trường vận động học sinh nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về vật liệu nổ, nhất là pháo trái phép để đảm bảo Tết diễn ra an toàn, lành mạnh.
Ở địa bàn Hướng Hóa, nơi có tình hình mua bán, vận chuyển pháo trái phép diễn ra phức tạp, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên và hơn 1.100 học sinh trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, sử dụng pháo nổ, Trường THPT Hướng Hóa đã phối hợp với Công an huyện, Công an thị trấn Khe Sanh tổ chức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy và sử dụng pháo trái phép.
Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Hóa Lê Chí Thông cho biết: Chương trình đã mang đến những kiến thức bổ ích và cần thiết về pháo cũng như thực trạng còn tồn tại trên địa bàn. Qua đó, giúp thầy, cô giáo, học sinh nắm vững những quy định của pháp luật để có hành vi đúng đắn, không sử dụng pháo trái phép. Nhiều học sinh trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động mọi người xung quanh không vi phạm liên quan đến pháo trái phép.
Em Nguyễn Hoàng Trung, học sinh lớp 10A1 cho biết: Buổi sinh hoạt tuyên truyền nói không với pháo trái phép được nhà trường phối hợp tổ chức rất ý nghĩa. Sau khi được phổ biến kiến thức pháp luật và những tác hại, quy định xử phạt liên quan đến pháo, em đã tuyên truyền lại cho người thân, bạn bè không tham gia vào việc sử dụng, buôn bán hay tàng trữ pháo nổ, vật liệu nổ.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phan Hữu Huyện cho biết: Toàn tỉnh hiện có 231 trường phổ thông với hơn 137.800 học sinh các cấp học. Từ đầu năm học, các đơn vị trường học trên địa bàn đã phối hợp phát hàng chục nghìn tờ rơi, áp phích và treo băng rôn tuyên truyền về những nội dung vi phạm liên quan đến pháo, vật liệu nổ.
Cùng với đó, các trường từ Tiểu học, THCS đến THPT tổ chức cho 100% học sinh ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, vật liệu nổ. Đặc biệt, để đảm bảo tết Giáp Thìn 2024 an toàn, mới đây Sở GD&ĐT đã có công văn gửi các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, an ninh trật tự.
Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh.
Theo ông Phan Hữu Huyện, pháp luật cũng đã quy định xử phạt nghiêm minh với người vi phạm liên quan đến pháo và vật liệu nổ. Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
Việc mua bán nguyên liệu có thể gây cháy nổ như: lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm... có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại điểm i, khoản 4, Điều 11, Nghị định 144/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Người từ 14 tuổi trở lên tự chế pháo gây tiếng nổ sẽ bị xử lý hành chính về hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm với mức phạt từ 5-10 triệu đồng.
Trường hợp người đủ 16 tuổi trở lên chế tạo pháo gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Người chế tạo pháo nổ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành, sự nghiêm minh của pháp luật, tình hình sử dụng pháo trái phép trong học sinh sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)