Ngay lần đầu gặp mặt, nữ Bí thư Xã đoàn Hồ Thị Kim Cúc đã để lại ấn tượng với chúng tôi bởi duyên ăn nói của một cô gái Vân Kiều, giọng nhỏ nhẹ nhưng chứa đựng sự rắn rỏi, quả quyết. Năm 2018, chị Kim Cúc chính thức là “thủ lĩnh” trong công tác đoàn của tuổi trẻ xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị). Và cũng từ đây, công tác đoàn ở xã miền núi này đã được thổi một “luồng gió mới”.
Nhiều công trình, phần việc ý nghĩa
Xã đoàn Mò Ó có trên 400 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 75%. Do trình độ, nhận thức của ĐVTN, phong tục tập quán và nhiều nguyên nhân khác nữa nên “bài toán” giải quyết việc làm cho lao động vùng cao bao năm qua vẫn còn nan giải. Làm “thủ lĩnh áo xanh” ở xã vùng khó, hơn ai hết, chị Hồ Thị Kim Cúc nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình.
Bí thư Xã đoàn Mò Ó Hồ Thị Kim Cúc cho hay: “Muốn người khác nghe theo thì mình phải gương mẫu đi trước, do vậy, tôi luôn đồng hành với ĐVTN trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp tại địa phương”. Tham gia công tác đoàn, chị Kim Cúc luôn sát cánh cùng ĐVTN trong bàn bạc, đưa ra hướng phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả. Đồng thời động viên ĐVTN vượt qua khó khăn, thử thách để từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Nhận thấy xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một kênh đem lại nguồn thu nhập khá cao cho lao động nông thôn, miền núi nên tôi cùng với Ban Chấp hành (BCH) Xã đoàn tuyên truyền, động viên thanh niên địa phương tích cực tham gia XKLĐ để có cuộc sống ổn định hơn”, chị Kim Cúc khẳng định.
“Mưa dầm thấm lâu”, thông qua những buổi sinh hoạt định kỳ; hoặc lồng ghép trong các buổi họp thôn, xóm, các hoạt động do địa phương tổ chức; bằng sự tận tụy của cán bộ đoàn Hồ Thị Kim Cúc, các nội dung về XKLĐ được chị tuyên truyền đến tận từng thôn, bản, từng nóc nhà sàn. Dần dần, ĐVTN xã Mò Ó đã hiểu hơn, có cái nhìn đúng đắn hơn về XKLĐ, từ đó có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động.
Chị Kim Cúc phấn khởi khoe: “Tầm 5 năm trước, cụm từ XKLĐ còn khá mới mẻ với ĐVTN xã Mò Ó. Hằng năm, số thanh niên địa phương tham gia XKLĐ chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu tập trung ở thôn Phú Thành. Tuy nhiên, từ năm 2022, số thanh niên xã Mò Ó tham gia XKLĐ ngày càng tăng cao. Đến nay, toàn xã đã có trên 20 thanh niên đang tham gia XKLĐ tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan và một số nước châu Âu.
Tôi cùng với BCH Xã đoàn Mò Ó đã tìm hiểu, phối hợp với các đơn vị có uy tín nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho thanh niên địa phương khi tham gia XKLĐ. Ngày càng nhiều hộ dân tại xã Mò Ó khấm khá, có cuộc sống ổn định hơn nhờ XKLĐ là minh chứng rõ nhất cho sự nỗ lực của Xã đoàn Mò Ó trong việc đẩy mạnh công tác XKLĐ trong ĐVTN”.“Đền ơn đáp nghĩa” là một trong những hoạt động nổi bật được Xã đoàn Mò Ó tập trung triển khai hiệu quả trong thời gian gần đây. Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng nhìn chung các đối tượng chính sách trên địa bàn xã vẫn gặp nhiều khó khăn. Biết ơn sự hy sinh của thế hệ đi trước, “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành hoạt động thường niên của Xã đoàn Mò Ó.
Để tạo điểm nhấn cho hoạt động này, ngoài tổ chức các hoạt động tình nguyện vệ sinh môi trường tại nhà bia liệt sĩ xã, thời gian gần đây, xã đoàn đã tổ chức thêm các hoạt động như dọn vệ sinh tại gia đình người có công và thân nhân của người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các bữa cơm tri ân gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết; tổ chức sinh nhật cho các cụ 100 tuổi...Những hoạt động nghĩa tình của Xã đoàn Mò Ó đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với các gia đình chính sách cũng như người dân địa phương. “Với những chương trình, phần việc ý nghĩa của mình, chúng tôi mong muốn được thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ đi trước, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Qua đó, giúp tuổi trẻ Mò Ó nâng cao ý thức trách nhiệm hơn đối với quê hương, đất nước”, chị Hồ Thị Kim Cúc nhấn mạnh.
Để góp phần cùng địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Xã đoàn Mò Ó còn tập trung hướng về cơ sở và Bí thư Đoàn thanh niên xã Hồ Thị Kim Cúc là nhân tố tích cực để thúc đẩy tất cả những hoạt động ấy. Dưới sự tập hợp của “thủ lĩnh” đoàn, màu áo xanh tình nguyện đã có mặt trên mọi nẻo đường, thôn xóm của xã Mò Ó để sửa chữa đường giao thông nông thôn, làm nhà vệ sinh cho hộ dân khó khăn hay hoàn thành công trình “Ánh sáng đường quê”...
Bằng những công trình, phần việc cụ thể, tuổi trẻ xã Mò Ó đã chung tay, góp sức tạo sự chuyển biến, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương từng bước thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra.
Đến với công tác đoàn bằng sự nỗ lực, tận tâm
“Là một người con của bản làng, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã luôn ấp ủ giấc mơ lớn lên sẽ làm một việc gì đó có ích để góp phần dựng xây bản làng ngày càng phát triển, đời sống của bà con được cải thiện hơn”, chị Kim Cúc bộc bạch.
Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Huế, năm 2015, Hồ Thị Kim Cúc trở về địa phương công tác rồi dần dần bén duyên với công tác đoàn. “Dòng máu nhiệt huyết của tuổi trẻ càng lớn dần trong tôi theo năm tháng. Cứ thế, tôi bị cuốn hút bởi các hoạt động đoàn tại địa phương, những phong trào xung kích, tình nguyện. Tham gia công tác đoàn đã giúp tôi trưởng thành hơn, biết đứng lên sau thất bại và chịu trách nhiệm đối với công việc mình làm”, nữ Bí thư Xã đoàn cho hay.
Xã Mò Ó có hơn 90% người dân là đồng bào Vân Kiều sinh sống. Toàn xã có 4 thôn, địa hình bị chia cắt bởi đồi, núi, sông, suối nên việc tập hợp thanh niên cũng gặp khá nhiều khó khăn. Với vai trò là một “thủ lĩnh” đoàn, cô gái Vân Kiều Hồ Thị Kim Cúc đã chủ động bám sát cơ sở, tìm nhiều giải pháp tập hợp thanh niên, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực như phong trào thanh niên tình nguyện, hiến máu tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa, xung kích phát triển kinh tế.
Chị Kim Cúc kể: “Để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên tại cơ sở, tôi đã tích cực tham gia các buổi sinh hoạt tại các chi đoàn. Do đặc thù công việc nên các buổi sinh hoạt thường tổ chức vào buổi tối tại các thôn, bản, tôi đã không quản ngại đường sá khó khăn, thời tiết mưa gió vẫn tham gia đều đặn các buổi sinh hoạt định kỳ.
Vất vả là vậy nhưng niềm vui tôi nhận được chính là sự tin tưởng của các ĐVTN và người dân. Nhờ sâu sát cơ sở nên các nghị quyết, văn bản của xã đoàn ban hành đều phù hợp và sát đúng với tình hình thực tế, được cơ sở đón nhận và thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện rất thuận lợi giúp tôi hoàn thành tốt vai trò của một “thủ lĩnh” đoàn nơi vùng khó”.Để trở thành một cán bộ đoàn, nhất là đối với phái nữ không dễ bởi phải cân bằng giữa gia đình và công việc. Nhưng lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát khao muốn cống hiến và đem lại niềm vui cho mọi người là động lực giúp Kim Cúc vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để có được thành tích đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân, sự đoàn kết của đồng nghiệp, nữ “thủ lĩnh” đoàn này còn có một hậu phương vững chắc, đó là gia đình.
Chị Kim Cúc chia sẻ: “Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số bao đời nay gắn bó với nương rẫy, do vậy khi tham gia công việc xã hội, vấn đề tôi trăn trở nhất chính là gia đình. Công tác đoàn mang tính chất đặc thù, công việc đòi hỏi tiếp xúc với nhiều đối tượng, nhiều lúc đi sớm về khuya...Do vậy, đối với những nữ cán bộ đoàn cần phải có sự cân bằng giữa gia đình và công việc của tổ chức đoàn.
Nếu như không có sự ủng hộ, hậu thuẫn từ phía gia đình, các nữ cán bộ đoàn khó có thể làm tốt vai trò của mình. Và điều may mắn nhất với tôi là có một gia đình luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện, một người chồng luôn biết cảm thông và chia sẻ, đó là động lực lớn giúp tôi yên tâm gắn bó với công tác đoàn”.
Đoàn chính là nơi rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo những người thanh niên trưởng thành và sống có ích hơn, đó là môi trường tốt để cô gái Vân Kiều Hồ Thị Kim Cúc hoàn thành nhiệm vụ với bản làng như bản thân từng mơ ước. Chính sự nỗ lực của những “thủ lĩnh” đoàn như Hồ Thị Kim Cúc cùng với sự chung sức, đồng lòng của thế hệ trẻ địa phương đã góp phần làm nên những khởi sắc của xã miền núi Mò Ó như hôm nay.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)