Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 60.000 người lao động (NLĐ), trong đó có 41.549 đoàn viên công đoàn, chiếm 75%, riêng khu vực doanh nghiệp (DN) có 13.623 người.
Trình độ đào tạo đối với đoàn viên ở khu vực hành chính sự nghiệp được chuẩn hóa cả về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; ở khu vực DN được nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. Các cấp công đoàn nỗ lực tạo điều để giúp NLĐ có cuộc sống tốt hơn.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, hầu hết DN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ; tính bền vững của việc làm, sự ổn định thu nhập của NLĐ chưa cao; ở các khu, cụm công nghiệp lớn chưa có các thiết chế văn hóa và nhà ở, cơ sở giáo dục mầm non, nơi giải trí phục vụ cho công nhân, lao động.
Do hậu quả của COVID-19 kéo dài và tác động xấu của kinh tế thế giới, 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 391 DN giải thể, 678 DN tạm dừng hoạt động, 9 DN phá sản, 16.989 lao động phải rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Trong lúc đó, việc tuân thủ pháp luật của nhiều DN chưa nghiêm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, nhất là tình trạng nợ lương, nợ BHXH, BHYT, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Trong tổng số hơn 3.316 DN chỉ có 1.600 đơn vị tham gia đóng BHXH cho NLĐ với khoảng 25.000/32.000 lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Số tiền DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên hằng năm trên 30 tỉ đồng.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ tranh chấp lao động mà nguyên nhân chính do DN nợ lương, nợ BHXH và vi phạm các quyền lợi khác, số đơn kiến nghị của tập thể NLĐ tăng, có 78 đơn kiến nghị gửi đến công đoàn các cấp.
Dự báo được tình hình khó khăn của NLĐ, Đại hội Công đoàn tỉnh thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023 đã đề ra 12 chỉ tiêu, ban hành 3 chương trình trọng tâm toàn khóa và 9 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Công đoàn tỉnh đã bám sát mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của nghị quyết để tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần thúc đẩy KT-XH ở địa phương phát triển.
Đến nay, đã thực hiện vượt 6 chỉ tiêu, 4 chỉ tiêu đạt, 2 chỉ tiêu không đạt. Chỉ tiêu không đạt đó là sự phối hợp với cấp có thẩm quyền để xây dựng thiết chế công đoàn phục vụ cho CNLĐ tại các khu công nghiệp trọng điểm chưa thực hiện được.
Nguyên nhân là do quá trình triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý về đất đai. Hiện nay, LĐLĐ tỉnh đang tiếp tục tham mưu Tổng LĐLĐ, UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn để sớm khởi công dự án.
Chỉ tiêu về tỉ lệ DN có tổ chức công đoàn ký thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) đạt 95%, đến nay mới đạt 91%. Nguyên nhân trong 3 năm xảy ra COVID-19, nhiều DN thực sự khó khăn, giải thể, tạm dừng hoạt động nên ảnh hưởng đến việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT.
Các cấp công đoàn đã đa dạng hóa hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và NLĐ.
Theo đó, đã phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, đoàn viên tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, thực hiện biện pháp phòng ngừa tranh chấp lao động, tổ chức đối thoại, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở và tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ theo quy định pháp luật.
Đến nay, có 91% DN có tổ chức công đoàn từ 10 lao động trở lên có TƯLĐTT, trong đó có 2 nhóm DN tham gia là chế biến gỗ và sản xuất vật liệu xây dựng. Các bản TƯLĐTT có từ 3 đến 10 điểm có lợi hơn cho đoàn viên so với quy định pháp luật, bình quân hằng năm có gần 9.000 đoàn viên ở khu vực DN được hưởng lợi.
Cùng với đó, Công đoàn tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời 10 vụ tranh chấp lao động, tổ chức đối thoại 25 cuộc với người sử dụng lao động đảm bảo quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.
Năm 2023, LĐLĐ tỉnh tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với đoàn viên, cán bộ công đoàn; ở cấp huyện tổ chức 2 cuộc đối thoại giữa đoàn viên với người đứng đầu cấp ủy.
Qua 3 cuộc đối thoại ở cấp tỉnh và cấp huyện có gần 900 kiến nghị của đoàn viên gửi đến lãnh đạo các cấp, nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề như DN chưa giải quyết chế độ chính sách, tiền lương, BHXH cho NLĐ, nhà ở cho đoàn viên, NLĐ có thu nhập thấp, nhà công vụ cho giáo viên vùng miền núi...
Mặt khác, phối hợp kiểm tra, giám sát 673 DN trong việc thực hiện pháp luật lao động, BHXH, công đoàn, an toàn vệ sinh lao động. Thông qua kiểm tra, giám sát, nhiều hạn chế, bất cập, vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời; nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật được các cấp công đoàn đề xuất, đồng thời trực tiếp thông tin, hướng dẫn, giải đáp về pháp luật cho cơ quan, DN, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, NLĐ. Hoạt động tư vấn chính sách, pháp luật được tăng cường và đã tư vấn cho hơn 17.000 lượt đoàn viên, NLĐ.
Bên cạnh đó, tổ chức tốt hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên, gắn kết đoàn viên với công đoàn. Hằng năm, có 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 80% công đoàn cơ sở tổ chức được chương trình “Tết Sum vầy” để chăm lo cho đoàn viên, qua đó công đoàn đã hỗ trợ 76.248 suất quà, trị giá 33,958 tỉ đồng cho đoàn viên khó khăn.
Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” đã ký kết 9 thỏa thuận hợp tác với DN để cung cấp sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho hơn 6.000 lượt đoàn viên, hỗ trợ cho vay tạo việc làm cho 34 đoàn viên tổng vốn 1,54 tỉ đồng cùng nhiều hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa có hiệu quả...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)