Cái tên Quảng Trị gắn với cuộc đời tôi như một cơ duyên trời định. Mùa hè năm 1974 tôi nhập ngũ, chỉ ở mảnh đất Quảng Bình quê hương mấy tháng sau đó chuyển vào Quảng Trị. Bến Tắt. Đông Hà. Cam Lộ. Đó là những địa danh gắn bó lâu với tôi, tính sơ sơ cũng trên hai mươi năm trước khi Bộ Quốc phòng điều động về công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội.
Tuy nhiên, cũng phải trừ đi một năm xa mảnh đất khắc bạc này để vào Quy Nhơn, Bình Định học lớp đào tạo cán bộ chính trị cấp đại đội. Năm 1982 ra trường, quân hàm thiếu úy, lại về đơn vị cũ đóng ở thị xã Đông Hà rồi “thần tốc” cưới vợ sau một năm cách xa tràn đầy thương nhớ. Vợ là cô giáo tiểu học, quê gốc ở Cùa, Cam Lộ nhưng sinh ra tại Vĩnh Linh trong thời đất nước bị chia cắt làm đôi, Bến Hải xót xa trở thành “sông tuyến”. Ba đứa con tôi cất tiếng khóc chào đời ở quê mẹ, đủ cho ký ức người cha chấp chới những kỷ niệm khó quên.
Có những tháng năm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên nhập chung một tỉnh mang tên Bình Trị Thiên và trung tâm của dải đất hẹp nắng gió chứa chan này là cố đô Huế. Chuyện xa xa rồi nhắc lại còn lao xao, cái sự đoàn tụ không phải bao giờ cũng êm chèo mát mái, nói như cổ nhân thì bát đũa trong chạn còn chạm va nhau huống hồ con người muôn vàn tính nết.
Thời bom đạn tơi bời, ai cũng mong “hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà” như lời bài hát Quảng Bình quê ta ơi vô cùng nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Vân. Cuộc sống mà, cái gì cũng có thể xảy ra, thế mới sinh dấu mốc ghi nhớ ngày Quảng Trị cũng như hai tỉnh láng giềng được “trả lại tên cho em” như cách nói vui của dân thời đó. Ừ, thì cũng chả sao, kể từ mốc thời gian chòng chành đó, Quảng Trị có chặng đường ba mươi lăm năm vượt lên gian khó, thử thách để có diện mạo đáng mừng như hôm nay.
Thời thanh xuân của tôi hầu như bám trụ vào mảnh đất nghèo mà tôi coi như quê hương thứ hai này. Đi đến đâu cũng gặp đồi hoang, đồng vắng, ruộng cằn. Làng nhấp nhô những ngôi nhà bánh ít vách đất, mái tranh bạc màu. Ngọn đèn dầu le lói hằng đêm. Trong lòng đất có rất nhiều bom mìn còn sót lại. Và dấu vết chiến tranh tàn khốc hiện lộ khắp nơi, sự bi tráng thấm đẫm từng câu thơ điệu hát. Hình như đã có một sự thắt buộc, ràng rịt nào đó từ lâu giữa tôi với Quảng Trị.
Khi tôi chưa đặt chân lên mảnh đất này chăng? Nên khi đã tới đây rồi, tâm hồn tôi bắt vào ngôn điệu của đất trời, con người Quảng Trị, những nắng gió mưa bão dữ dội đi qua và trở lại giữa lòng mình cùng nụ cười, nước mắt của muôn vàn yêu dấu không phai, không tắt. Cuộc dấn thân văn chương đầy thắc thỏm và phập phồng của tôi bắt đầu từ đây.
Cảm xúc trong trẻo, hiện thực bộn bề và không thể không nói tới những lắng sâu từ mạch đất thiêng này truyền dẫn lặng lẽ và bền bĩ vào tôi bấy nay.
Có lên Cùa anh nhớ tránh khi mưa/ Bởi khi mưa đất mến người lắm đấy/ Anh còn nhớ có lần em bảo vậy/ Để hôm nay anh lại đến với Cùa/ Nỗi niềm chi đèo trắng cơn mưa/ Người ướt áo lại quanh co đèo dốc/ Ngó về quê em quên mệt nhọc/ Qua hết đèo gặp chân núi lúa xanh (Đến Cùa). Bài thơ ấy tôi viết khi em chưa thành vợ tôi. Và đây, những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay/ giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu/ những người lính trở về xòe tay trên bếp khói/ giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm/ những người lính trở về đánh rạ dọn rơm/ giấc mơ mẹ bay la dòng sữa trắng/ những người lính trở về cười ngượng nghịu/ giấc mơ người bật dậy tiếng o oa... (Bông huệ trắng). Và đây nữa, Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa (Khát vọng Trường Sơn)...
Những bài thơ ít nhiều được bạn đọc gần xa biết tới tôi viết bằng chất liệu có từ mảnh đất Quảng Trị. Bởi thế, tôi làm sao quên được những bữa ăn lấy sắn làm chủ lực của thời thiếu thốn sau chiến tranh. Làm sao quên được hình ảnh cô giáo sáng gánh hàng ra chợ bán, chiều lên lớp dạy học. Làm sao quên được những học trò mặc quần đùi, áo vá chân đất đến trường...Quá thiếu thốn, quá gian khó, quá chật vật hai thập kỷ đầu thời hậu chiến ấy.
Tôi thực sự vui mừng trước sự đổi thay của Quảng Trị sau ba mươi lăm năm lập lại tỉnh. Dù chưa giàu có chi nhưng Quảng Trị hiện thời so với Quảng Trị tôi vừa kể thật quá khác nhau, nếu không muốn nói một trời một vực. Từ miền biển lên vùng núi, từ nông thôn ra thành thị, Quảng Trị khởi sắc diện mạo mới. Một diện mạo được đổi bằng mồ hôi, nước mắt, công sức, trí tuệ của người Quảng Trị. Mỗi làng xã, mỗi đô thị có những câu chuyện hay để kể về sự đổi mới của quê hương mình.
Bây giờ đây, đi tìm một ngôi nhà lợp tranh của người dân chắc cũng không dễ. Điện - đường - trường - trạm, những công trình mơ ước của người dân nông thôn thời chưa xa mấy đó bây giờ hầu như nơi nào cũng có. Cứ nhìn vào mâm cơm, cỗ cưới của thường dân bây giờ thì cũng biết được mức sống của đồng bào ta được nâng lên thế nào.
Những chiếc chong chóng khổng lồ thong thả quay giữa đồi núi trập trùng của miền Tây Quảng Trị như là dự báo ban đầu về một trung tâm năng lượng lớn ở miền Trung. Đường cao tốc của thời 4.0 đã có Cam Lộ - La Sơn rồi sẽ tiếp tục với Cam Lộ - Vạn Ninh chắc chắn tạo ra những cơ hội làm ăn lớn cho doanh nghiệp và Nhân dân. Dự án sân bay Quảng Trị khi trở thành hiện thực sẽ nối Quảng Trị gần hơn với bè bạn, du khách gần xa.
Trong cuộc trò chuyện với ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh gần đây, tôi được biết: Quảng Trị đang hướng tới tương lai với những lợi thế về giao thông vận tải như nằm trên trục Quốc lộ 1 Bắc - Nam, có đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc đi qua, có hệ thống cảng biển Cửa Việt, Cửa Tùng nối với đảo Cồn Cỏ, là vị trí đầu cầu trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối các nước bạn Lào, Thái Lan, Myanma...qua các Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay, là điểm giữa của “Con đường di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại”.
Quảng Trị nằm trong khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, mạnh. Quảng Trị đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng những dự án mang tính khả thi cao, từng bước phát triển bền vững kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, tương lai không xa sẽ là một nơi đáng sống với những trục đường giao thông hiện đại, di chuyển nhanh chóng, thuận lợi.
Quảng Trị có nhiều cơ hội thu hút đầu tư, thu hút khách hàng tiêu dùng và phát triển du lịch với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng. Đây là vùng đất có các danh lam, thắng cảnh giá trị, những bãi biển đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt, núi rừng, thác nước hùng vĩ cùng các bản làng nên thơ tạo được hệ sinh thái du lịch cộng đồng nhiều tiềm năng.
Quảng Trị còn có nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng giá trị để phát triển với nhiều di tích đặc biệt, độc đáo, nổi tiếng như Thành Cổ Quảng Trị; đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; hệ thống giếng cổ Gio An, chùa Sắc Tứ, sân bay Tà Cơn, căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu, những địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn Hoàng, căn cứ Tân Sở, di tích Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam...
Dường như tôi và những người thân đang được đồng hành với Quảng Trị từ quá khứ tới hôm nay và mai sau. Một chặng đời, nhiều chặng đời góp lại trong cộng hưởng yêu thương mang tên đất, tên người thân thuộc. Từ tro tàn chiến tranh Quảng Trị đã hồi sinh, từ hồi sinh Quảng Trị sẽ phát triển giàu đẹp.
Có những cơ sở để tôi và mọi người hy vọng vào điều đó sẽ tới với mảnh đất đang bay lên khát vọng hòa bình. Chặng đường ba mươi lăm năm xây đắp nền tảng, giúp những bài học cần thiết cho tương lai. Một tương lai lộng lẫy mang tên Quảng Trị trong tương lai rực rỡ mang tên Việt Nam.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)