Hải Lăng làm tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát

Minh Anh |

Trong những năm qua, các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống cho người nghèo, người cận nghèo, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn huyện Hải Lăng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Trong đó, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trong huyện.

 
Huyện Hải Lăng bàn giao 37 nhà theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn -Ảnh: M.T 
      

Chúng tôi hỏi Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Cáp Xuân Tá về kinh nghiệm để có thể khởi công và khánh thành 37 nhà theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Hải Lăng trong thời gian ngắn như vậy.

Ông Tá trả lời: Cụ thể, thứ nhất là sự chủ động của chính quyền địa phương. Huyện Hải Lăng đã chủ động rà soát các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ sớm, lập danh sách và lên kế hoạch hỗ trợ ngay từ cuối năm 2024. Việc tổ chức triển khai bài bản, có kế hoạch rõ ràng giúp đẩy nhanh tiến độ.

Hai là huy động hiệu quả nguồn lực tài chính nên công tác thi công diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.

Ba là sự đồng lòng của cộng đồng. Các hộ gia đình nhận hỗ trợ cũng chủ động tham gia vào quá trình xây dựng, tận dụng nhân lực tại chỗ để giảm bớt chi phí và đẩy nhanh tiến độ. Chính quyền địa phương, đoàn thể và người dân chung tay hỗ trợ, từ vận chuyển vật liệu đến giám sát thi công.

Thứ tư là tổ chức thi công nhanh, hiệu quả nhờ triển khai xây dựng đồng loạt nhiều ngôi nhà giúp tối ưu nhân lực và vật liệu. Các thiết kế nhà ở đơn giản, phù hợp với điều kiện địa phương, giúp rút ngắn thời gian xây dựng. Nhà thầu địa phương có kinh nghiệm, thi công nhanh chóng, đảm bảo tiến độ.

Thứ năm, điều kiện thời tiết thuận lợi, các tháng từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025 có thời tiết khá thuận lợi, giúp công tác thi công không bị đình trệ.

Với cách làm này, chỉ trong vòng gần 5 tháng, 37 nhà ở theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện đã được khởi công xây dựng và khánh thành, đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hải Lăng 19/3 (1975-2025).

Ngay từ đầu năm 2024, Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Lăng đã đặt ra mục tiêu không còn hộ gia đình trên địa bàn huyện sống trong các căn nhà tạm, nhà dột nát trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện. Để thực hiện mục tiêu này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiến hành rà soát, lập danh sách các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo để xây dựng kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức lễ phát động Quỹ “Xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện” trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Cùng với đó, huyện Hải Lăng cũng chú trọng kêu gọi, vận động các nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và con em sống xa quê.

Kết quả, cuối năm 2024, được sự tài trợ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel cùng với một số nhà tài trợ khác như: Công ty Xổ số điện toán Việt Nam, Báo Tiền Phong, TP. Hà Nội... huyện Hải Lăng đã khởi công xây dựng 23 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và 14 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách với số tiền 100 triệu đồng/nhà.

Để thực hiện công tác hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã ban hành các kế hoạch, chương trình phối hợp; tổ chức cho mặt trận cơ sở ký kết giao chỉ tiêu thi đua; phối hợp chính quyền, các tổ chức thành viên, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực các loại quỹ, nhất là Quỹ “Vì người nghèo” và xem đây là một chỉ tiêu để chấm điểm đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm.

Thành công của huyện Hải Lăng trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát đã chứng minh rằng, với sự chủ động của chính quyền, sự chung tay của cộng đồng và cách làm khoa học có thể giải quyết được vấn đề nhà ở cho người nghèo trong thời gian ngắn.

Điều này không chỉ nâng cao đời sống vật chất mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững, tạo nền tảng vững chắc để người dân vươn lên thoát nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống. Hải Lăng đã làm được, và chắc chắn, nhiều địa phương khác cũng có thể làm được nếu áp dụng cách làm đúng đắn và quyết tâm thực hiện.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

TAGS

Ô tô khách chở 46 người bị lật trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Hải Lăng

Lê Trường |

Sáng nay 6/4, thông tin từ Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông lật ô tô khách chở 46 người.

Tòa án Nhân dân huyện Hải Lăng nâng cao chất lượng xét xử các vụ án

Nguyễn Đức Hoan (Chánh án TAND huyện Hải Lăng) |

Thời gian qua, Tòa án Nhân dân huyện Hải Lăng (TAND) đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, đúng lộ trình cải cách tư pháp. Các vụ án được đưa ra xét xử kịp thời, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Hải Lăng: Đột phá cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh

Lê An |

Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực như: đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn đặt nền tảng vững chắc cho tương lai.

“Giữ lửa” làng nghề truyền thống ở Hải Lăng

Đức Việt |

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành chức năng, một số làng nghề truyền thống ở huyện Hải Lăng đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với nền kinh tế thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.