Thời gian qua, trên địa bàn huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể sản xuất - kinh doanh giỏi, khai thác, tận dụng tốt thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Kết quả này có được một phần nhờ vào phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” được UBND huyện Gio Linh phát động từ năm 2011 đến nay.
Hưởng ứng phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” do UBND huyện Gio Linh phát động, những năm qua, xã Phong Bình đã tuyên truyền, động viên các hộ dân tích cực phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, làm cho số hộ khá giả tăng lên, hộ nghèo giảm đáng kể. Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1983), ở thôn Lan Đình, xã Phong Bình là một ví dụ.
Quyết định quay về quê hương lập nghiệp sau 5 năm làm việc trong ngành xây dựng tại thành phố Đà Nẵng, anh Tuấn đã tập trung gieo trồng luân canh các loại mướp đắng, mướp hương, bí đao... để tăng thu nhập. Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật trồng trọt, bón phân, các loại rau, củ của anh phát triển tốt, đạt năng suất và chất lượng cao, được người tiêu dùng lựa chọn. Năm 2016, nhận thấy hiệu quả của một số mô hình trồng nấm trên địa bàn, anh Tuấn đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh thông qua chương trình giải quyết việc làm để đầu tư mua nguyên vật liệu, xây dựng 4 trại nấm với diện tích chừng 80m2 /trại.
Trung bình mỗi lứa nấm thu hoạch khoảng 10 lần trong vòng 5 tháng với số lượng từ 1 - 1,5 tạ/lứa. Chỉ tính riêng mô hình nấm đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu từ 100 - 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động.
Ngoài trồng trọt, anh Tuấn còn chăn nuôi thêm bò. Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuấn cho hay: “Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện tôi đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình kinh tế của mình, không chỉ giúp gia đình có cuộc sống khấm khá hơn trước mà còn góp phần vào sự phát triển của địa phương”.
Mô hình đánh bắt thủy, hải sản thu về lợi nhuận trên 1 tỉ đồng/năm của gia đình ông Võ Hồng Thanh (sinh năm 1969), ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt là một ví dụ điển hình khác trong phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương”. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển, thời còn trẻ, ông Thanh từng theo các tàu, thuyền lớn vươn khơi, bám biển.
Năm 2002, với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, ông đã đầu tư tàu có công suất 800 CV và trang bị máy móc hiện đại trị giá 6 tỉ đồng. Theo thời gian, công việc ngày càng thuận lợi, có nhiều khởi sắc.
Trung bình mỗi năm, từ mô hình kinh tế mang lại cho gia đình ông nguồn lợi nhuận lớn, giúp một số lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập 150 triệu đồng/người/năm. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Thanh còn hỗ trợ để các hộ gia đình, hội viên nông dân trên địa bàn vay vốn không lãi suất từ 200 - 300 triệu đồng/năm, giúp họ có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Từ chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Gio Linh khóa XV, năm 2011, UBND huyện Gio Linh phát động phong trào thi đua “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” và lấy đây làm bước đột phá về phát triển kinh tế.
Ngay sau khi phát động, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn xây dựng chương trình hành động, kế hoạch hưởng ứng phong trào thi đua, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban mặt trận cấp xã kêu gọi hưởng ứng thi đua đến tận từng thôn bản, khu phố và Nhân dân, đưa nội dung “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” vào nghị quyết, kế hoạch hành động, đưa vào chương trình công tác trọng tâm hằng năm để đôn đốc thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm; nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo. Nhờ đó, phong trào thi đua từng bước phát triển thực chất, trở thành phong trào hành động cách mạng được đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia.
Qua 13 năm triển khai, phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” đang đạt được những kết quả tích cực; xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu với những cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, tập thể.
Thông qua phong trào, các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ trang trại, người lao động các vùng, miền nhận thấy rõ hơn về tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi; công tác đào tạo nghề.
Từ đó đổi mới tư duy, cách làm ăn; mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tăng nguồn thu nhập, đồng thời hình thành, phát triển một số ngành nghề mới, tạo chuyển biến rõ nét về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp...
Từ năm 2011 đến nay, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện giảm 11,05% (cuối năm 2023); thu nhập bình quân đầu người của các xã, thị trấn tăng đáng kể. Không những thế, việc thực hiện hiệu quả phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” cũng đã góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn; nâng cao nhận thức trong nông dân về phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, người dân không chỉ làm giàu cho mình mà còn có thêm nhiều đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Đánh giá về hiệu quả của phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương”, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho biết: “Phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” diễn ra một cách phong phú, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đem lại hiệu quả cao. Huyện đặt ra mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” giai đoạn 2022 - 2027, góp phần đưa nền kinh tế của huyện phát triển nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao mức sống của Nhân dân”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)