Quảng Trị:

Kết luận Thanh tra về mua sắm để phòng, chống COVID-19 giai đoạn 2020 - 2021

Lê Minh |

Ngày 16/6, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trí Kiên ký ban hành Kết luận Thanh tra số 477/KL-TTr về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống COVID-19 giai đoạn 2020 - 2021. Kết luận chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch.

Thủ tục còn nhiều sai sót 

Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng kinh phí đã cấp phục vụ công tác chống dịch trong 2 năm 2020 - 2021 gần 342 tỉ đồng, trong đó chi chế độ đặc thù phòng, chống dịch hơn 146 tỉ đồng; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch hơn 150 tỉ đồng; hỗ trợ chi lương do ảnh hưởng dịch bệnh hơn 22,4 tỉ đồng; mua sắm, sửa chữa tài sản khác hơn 12,9 tỉ đồng; nhiệm vụ khác hơn 10,1 tỉ đồng. Trong số hơn 150 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch, Sở Y tế thực hiện 116 gói thầu; Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện 28 gói thầu; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện 41 gói thầu; Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi thực hiện 5 gói thầu; 3 gói thầu còn lại do Trung tâm Y tế TP. Đông Hà, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải thực hiện.

Bộ test phục vụ xét nghiệm COVID- 19- Ảnh: PV
Bộ test phục vụ xét nghiệm COVID- 19- Ảnh: PV

Kết luận thanh tra khẳng định: Một số gói thầu không có thẩm định giá của cơ quan có thẩm quyền. Khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn ghi tên hàng hóa đã được đăng ký lưu hành với Bộ Y tế; một số chứng thư thẩm định giá ghi điều kiện hạn chế là “Chỉ sử dụng chứng thư thẩm định giá trong điều kiện mua sắm tài sản công khai rộng rãi (hoặc chào giá cạnh tranh rộng rãi); không sử dụng cho mục đích chỉ định thầu hay đấu thầu hạn chế” nhưng Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vẫn trình Sở Tài chính thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu mà không yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá làm rõ, đồng thời vẫn tiến hành thanh lý hợp đồng và thanh toán cho doanh nghiệp thẩm định giá. Không lập báo cáo thẩm định Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với hầu hết các gói thầu là chưa phù hợp với quy định.

Một số gói thầu yêu cầu các nhà thầu báo giá để làm căn cứ xét giá nhưng không có thư mời yêu cầu báo giá, không có biên bản nhận báo giá. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt là chỉ định thầu rút gọn, tuy nhiên một số đơn vị tiến hành xét báo giá là chưa phù hợp với quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định. Một số nhà thầu không thực hiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng có hiệu lực theo quy định. Một số gói thầu chưa thực hiện đúng theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.

Một số vật tư, sinh phẩm nhập kho có hạn dùng không phù hợp với hợp đồng được ký kết. Một số gói thầu không gửi thư mời thương thảo hợp đồng kèm theo dự thảo hợp đồng; một số hàng hóa không nêu đặc tính kỹ thuật khi tiến hành thương thảo hợp đồng; một số gói thầu không tiến hành thanh lý hợp đồng khi hợp đồng hết thời hạn.

Cơ quan điều tra rút hồ sơ để kiểm tra

Nguồn tin Báo Quảng Trị cho biết, sau khi Thanh tra tỉnh ban hành Kết luận thanh tra, cơ quan điều tra Công an tỉnh đã rút các hồ sơ liên quan đến các gói thầu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện để kiểm tra, xác minh.

Theo đó, trong 2 năm 2020 - 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện 41 gói thầu, trị giá hơn 30 tỉ đồng, trong đó có 1 số gói thầu mua test phục vụ xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 từ Công ty Việt Á. Đơn cử gói thầu mua test phục vụ xét nghiệm vi rút SARS -CoV-2 năm 2020 trị giá 1.243.750.000 đồng. Trong gói thầu này, chứng thư thẩm định giá số 5200178 ngày 14/8/2020 của Công ty Cổ phần Định giá BTC VALUE - Chi nhánh Đà Nẵng ghi “Tại thời điểm thẩm định giá, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đang sử dụng máy Real-time PCR CFX96 Bio-Rad, chỉ chạy được với bộ kit của hãng Việt Á nên tài sản thẩm định hạn chế về thông tin thị trường”. Chưa có tài liệu để khẳng định máy  Real-time PCR CFX96 Bio-Rad do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sử dụng chỉ chạy được với bộ kit của hãng Việt Á. Gói thầu mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 năm 2021 trị giá 2.430.174.600 đồng, thực tế mua sắm là 2.114.280.000 đồng.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để một số vật tư, thiết bị y tế hết hạn sử dụng mà không báo cáo cấp có thẩm quyền để có phương án xử lý. Một số gói thầu chào hàng cạnh tranh thông thường qua mạng, đơn vị đã đề nghị đơn vị thẩm định giá thẩm định mặt hàng của nhà sản xuất cụ thể (nhãn mác, hãng sản xuất) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất là hạn chế sự tham gia của các sản phẩm tương tự, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Vụ án 'kit test Việt Á': Có bao nhiêu người tay đã 'nhúng chàm'?

Trung Hiếu |

Sau gần nửa năm khởi tố và mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á và các đơn vị liên quan, đã có 60 người liên quan bị khởi tố, bắt tạm giam, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao.

Kiểm toán nhà nước: Cả nước mất 8.000 tỷ mua kit test Covid-19, riêng tiền về Việt Á hơn 2.100 tỷ

Thanh Mai |

Qua kiểm toán tổng hợp tại 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương cho thấy có một vài điểm cần lưu ý.

Sai phạm của các tỉnh liên quan đến vụ kit test Việt Á

Thanh Mai |

Hàng loạt Giám đốc CDC các tỉnh, các quan chức bị khởi tố do liên quan đến việc mua sắm thiết bị xét nghiệm của Việt Á.

Sau khi tiếp xúc F0, nên test khi nào để có kết quả chuẩn nhất?

Thanh Mai |

Ngay khi tiếp xúc F0, virus chưa thể nhân lên đủ tải lượng để kit test nhanh có thể nhận biết, dễ tạo thành kết quả âm tính giả.