Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người, HIV/AIDS năm 2021 và triển khai chương trình công tác năm 2022 vào chiều nay 24/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh: Tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào nội địa qua tuyến biên giới Việt Nam – Lào, không để địa bàn tỉnh trở thành điểm nóng, điểm trung chuyển ma túy.
Năm 2021, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội giảm 13% so với năm 2020. Hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm có tính chất nghiêm trọng được kiềm chế và kéo giảm. Tỉ lệ điều tra, khám phá án đạt 90,8%, trong đó án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100% (vượt chỉ tiêu đề ra). Các lực lượng công an, biên phòng, hải quan tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, phát hiện, bắt giữ, xử lý 238 vụ/378 đối tượng, thu giữ hơn 78 kg ma túy đá, 190.000 viên ma túy tổng hợp, 6,5 kg cần sa ép khô và nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan. Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra tội phạm về mua bán người trên địa bàn. Tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, kéo giảm. Công tác điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được đảm bảo. Tỉ lệ người nhiễm HIV phát hiện trong năm được điều trị ARV đạt 100%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như: Một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm như “giết người” vẫn còn gia tăng. Tội phạm và tệ nạn ma túy có chiều hướng gia tăng. Ở ngoại biên vẫn còn xuất hiện nhiều dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ của hoạt động mua bán người phục vụ cho các tụ điểm mại dâm. Ở khu vực biên giới, một số đối tượng lợi dụng tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp để móc nối, lôi kéo tổ chức đưa người vượt biên trái phép qua Lào để lao động “chui”. Số người nghiện được tiếp nhận cai nghiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 còn thấp so với số lượng người nghiện trên địa bàn. Công tác chuyển hóa địa bàn mặc dù đã được quan tâm, chú trọng nhưng có nơi, có lúc chưa thực hiện hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh: Thời gian tới, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người, HIV/AIDS. Thực hiện tốt phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, xem phòng ngừa là chính; kiềm chế, giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với thống kê của năm 2019 (khi chưa xảy ra COVID-19); bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý.
Phấn đấu đạt mục tiêu tỉ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm trên 75%, các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố. Truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố, bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%. Nâng cao chất lượng xét xử, tỉ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%. Hằng năm, chuyển hóa thành công ít nhất 60% tổng số địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào nội địa qua tuyến biên giới Việt Nam – Lào, không để địa bàn tỉnh trở thành điểm nóng, điểm trung chuyển ma túy.
Hoàn thành mục tiêu giảm tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư xuống thấp hơn 0,05%; tỉ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 60%; tỉ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình và được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 90%; 40% người nghiện ma túy được điều trị bằng methadone. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm, ma túy, mua bán người.
Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực tiếp nhận, điều trị cai nghiện của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1, báo cáo UBND tỉnh trong quý II/2022 nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin về việc cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, xây dựng đường dây nóng tư vấn cai nghiện ma túy.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)