Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị trích kinh phí từ kết dư hơn 89.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động trong bối cảnh hơn 2 triệu người ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ngày 14/9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống COVID-19 và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tại hội nghị, cơ quan này cho biết sẽ kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc xem xét dùng kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Điều kiện là người lao động đã và đang tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có hơn 2 triệu công nhân, lao động đã bị mất việc, dừng việc, nghỉ luân phiên hoặc không lương từ khi dịch bùng phát. Gói hỗ trợ cắt giảm nhiều thủ tục, nhưng các địa phương có cách hiểu khác nhau về "tạm dừng hoạt động" của doanh nghiệp nên việc chi hỗ trợ chậm.
Theo một số chuyên gia, nguyên tắc của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và một số quỹ ngắn hạn khác là có đóng - có hưởng, nghĩa là người lao động tham gia đóng vào quỹ mới được hưởng khi đủ điều kiện. Công nhân phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng phần lớn là lao động chính thức, tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nên việc trích quỹ hỗ trợ là hợp lý.
Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động đang khó thực hiện và không hiệu quả như mong muốn. Doanh nghiệp đang phải vật lộn duy trì sản xuất, không có thời gian xây dựng phương án đào tạo, hoặc có thì cũng chưa thể thực hiện khi nhiều tỉnh thành kéo dài Chỉ thị 16.
Trước đó, Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng bộ ngành liên quan sớm trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn để hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn, hoàn thành trong tháng 9.
Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét miễn nộp phí công đoàn năm 2021-2022 cho người lao động tại doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép doanh nghiệp được giảm kinh phí công đoàn cùng thời gian trên.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 2009 đến 2020, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội, người thụ hưởng, nguồn thu, nguồn chi hầu hết tăng đều qua các năm. Số kết dư quỹ tính đến cuối năm 2020 khoảng 89.100 tỷ đồng.
Một số quỹ ngắn hạn khác cũng có kết dư lớn, như ốm đau, thai sản gần 12.800 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỷ đồng.
- Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến ngày 13/9, công đoàn các cấp chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hoá, với tổng số tiền trên 4.375,882 tỷ đồng.
- Trong đó, chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 1.121,773 tỷ đồng.
- Chi ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19, chuyển về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 333,044 tỷ đồng.
- Chi ủng hộ và vận động ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 là 293,881 tỷ đồng.
- Chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 trên 200 tỉ đồng và chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 trên 1.000 tỷ đồng.
- Ngoài ra, số chi trực tiếp tại các công đoàn cơ sở là 1.396,223 tỷ đồng...
(Nguồn: Phụ nữ mới)