Lan tỏa nghệ thuật bài chòi cho thế hệ trẻ

Hải An |

Để nghệ thuật bài chòi - vốn là di sản độc đáo, ấn tượng gắn liền với đời sống tinh thần của cư dân miền Trung - không rơi vào nguy cơ mai một, nhiều nghệ nhân ở các câu lạc bộ (CLB) bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang âm thầm lan tỏa tình yêu về nghệ thuật bài chòi cho các em học sinh. Với các nghệ nhân, các em học sinh sẽ là thế hệ trẻ kế cận, tiếp nối để lan tỏa, phát triển trò chơi dân gian bài chòi sống mãi với thời gian.

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc ngôi nhà nhỏ của bà Trần Thị Lý (64 tuổi) ở làng Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, văng vẳng làn điệu bài chòi: “Vui hội này ta chơi bài chòi, cùng hát đôi bài dân ca…/Một ván cờ vui bên anh có con bí, con bầu/Bên em con trò, con gối, tam quăn với tứ cẳng/Ai biết lòng ai thương nhau nên mới bát…bồng…” (theo điệu Lý quỳnh tương). Đây là buổi tập của các em học sinh tham gia sinh hoạt trong CLB Dân ca bài chòi Đơn Duệ.

Bà Hồ Thị Linh hướng dẫn thế hệ trẻ làng Ngô Xá Thanh Lê hát bài chòi -Ảnh: THANH HẰNG
Bà Hồ Thị Linh hướng dẫn thế hệ trẻ làng Ngô Xá Thanh Lê hát bài chòi -Ảnh: THANH HẰNG

Để không ảnh hưởng đến buổi tập, bà Lý kéo tôi ra một góc riêng để trò chuyện. Bà kể lại: “Từ thuở nhỏ, cứ vào dịp tết Nguyên đán là tôi lại lẽo đẽo theo cha đi xem bài chòi được tổ chức trong làng. Có lẽ những lần ấy, những làn điệu bài chòi đã ngấm vào máu thịt, gieo vào tâm hồn tôi tình yêu sâu đậm đối với nghệ thuật bài chòi. Và khi lớn lên, tôi cố gắng học hỏi các làn điệu dân ca bài chòi từ các bậc cao niên trong làng Đơn Duệ. Ngoài ra, tôi nghiên cứu thêm nghệ thuật bài chòi của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…”.

Theo bà Lý, nghệ thuật bài chòi ở các vùng miền khác nhau có cách chơi khác nhau. Riêng làng Đơn Duệ (xã Vĩnh Hòa), làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang), Khóm 5, khóm Vĩnh Tiến (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) có đặc trưng riêng, đó là theo quy định của ban tổ chức, có thể dựng 9 - 11 chòi con (chia thành 2 phe với 1 chòi cái nằm ở vị trí trung tâm)… “Ngày xưa, người chơi bài chòi chủ yếu là hô chứ chưa đưa các làn điệu dân ca vào diễn xướng bài chòi như ở các CLB bài chòi các tỉnh miền Trung bây giờ. Ở huyện Vĩnh Linh có nhiều CLB bài chòi hiện tại cũng chưa đưa các làn điệu dân ca vào nghệ thuật bài chòi. Từ lâu, tôi luôn ấp ủ ý tưởng thành lập CLB bài chòi để đưa các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên vào trò chơi dân gian này”, bà Lý cho biết.

“Nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Quảng Trị và các tỉnh duyên hải miền Trung đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì vậy, tôi muốn đem hết sức mình để đưa CLB bài chòi của làng Ngô Xá Thanh Lê và nghệ thuật bài chòi của làng ngày một phát triển bền vững. Tôi sẽ đào tạo, trao truyền ngọn lửa đam mê này cho thế hệ trẻ trong thôn, trong xã, nhất là các em học sinh để tiếp nối, kế cận”, bà Hồ Thị Linh chia sẻ.

Khoảng năm 2019, khi ấp ủ ý tưởng thành lập CLB Dân ca bài chòi Đơn Duệ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam nói chung và nét đặc trưng riêng có của bài chòi làng Đơn Duệ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân địa phương, bà Lý bắt đầu tham gia sinh hoạt ở CLB Dân ca Sông Hiền. “Tôi tham gia CLB Dân ca Sông Hiền cũng là để học hỏi thêm các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên, nhằm hướng đến mục tiêu đưa dân ca Bình Trị Thiên vào nghệ thuật bài chòi”. Gần 3 năm tham gia sinh hoạt ở CLB Dân ca Sông Hiền, bà Lý đã học hỏi được nhiều làn điệu dân ca Bình Trị Thiên, như: Điệu lý giao duyên, Lý ngựa ô, Lý đoản xuân, Lý quỳnh tương, Lý con sáo sang sông…

Các làn điệu hò như: Hò hụi Cảnh Dương, hò khơi Ngư Thủy, hò Hải Thanh (hay Như Lệ), hò mái nhì Triệu Hải, hò giã gạo (hay hò hoan), hò mái nhì, hò mái đẩy, hò ru em Trị Thiên…. Khi đã có “vốn” dân ca Bình Trị Thiên, bà Lý bắt đầu tìm đến những người có giọng hát hay, múa dẻo ở trong làng Đơn Duệ để vận động tham gia CLB Dân ca bài chòi Đơn Duệ.

Sau một thời gian hoàn thiện hồ sơ, ngày 26/7/2021, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho phép thành lập CLB Dân ca bài chòi Đơn Duệ. Nhưng do ảnh hưởng của COVID-19 nên dự kiến đến cuối tháng 8/2022 CLB mới ra mắt. Hiện tại, CLB Dân ca bài chòi Đơn Duệ đã thu hút sự tham gia của 15 thành viên và có thêm 5 em học sinh tham gia luyện tập cùng các thành viên của CLB.

“CLB Dân ca bài chòi Đơn Duệ dù chưa ra mắt nhưng vẫn duy trì tập luyện đều đặn để chuẩn bị cho việc biểu diễn trong các dịp lễ hội của làng Đơn Duệ cũng như xã Vĩnh Hòa. Điều khiến tôi vui mừng là có các em học sinh trong làng Đơn Duệ tham gia tập luyện cùng với các thành viên CLB. Các thành viên CLB Dân ca bài chòi Đơn Duệ đang dồn hết tâm huyết để trao truyền cho các em giá trị văn hóa tinh thần mà cha ông truyền lại”.

Em Võ Thị Anh Thư (13 tuổi), học sinh lớp 8 Trường TH&THCS xã Vĩnh Hòa, chia sẻ: “Trước đây, em có dịp xem các cô, chú, bác trong làng Đơn Duệ biểu diễn nghệ thuật bài chòi vào dịp tết Nguyên đán. Em không nghĩ rằng đến một ngày mình lại được tham gia tập luyện với các thành viên trong CLB Dân ca bài chòi Đơn Duệ và được hát những làn điệu dân ca Bình Trị Thiên ngọt ngào. Dù mới tham gia trong thời gian ngắn, nhưng em đã thuộc khá nhiều điệu lý, câu hò. Càng tham gia luyện tập, em càng say mê và mong ước mai sau sẽ tiếp tục giữ gìn, phát triển trò chơi dân gian bài chòi”.

Còn với em Lê Huy Phúc (10 tuổi), học sinh lớp 5, Trường TH&THCS xã Vĩnh Hòa, được học nghệ thuật bài chòi là niềm vui lớn. Dân ca bài chòi vốn khó nhưng nếu để ý vần điệu đúng thì sẽ nhanh nhớ và thuộc. “Tuy nhiên, phần khó nhất là luyến láy và dễ nhầm điệu nọ sang điệu kia nên quá trình học phải thật chú ý tiếp thu. Em sẽ cố gắng theo học từ các cô, chú, bác trong CLB Dân ca bài chòi Đơn Duệ”, Phúc chia sẻ.

Bà Hồ Thị Linh (58 tuổi) ở thôn Ngô Xá Thanh Lê, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong cũng là một trong những nghệ nhân gắn bó và được xem là người “tiếp lửa”, đào tạo thế hệ trẻ giữ gìn và phát triển nghệ thuật bài chòi.

Bà Linh cho biết, nghệ thuật bài chòi của làng Ngô Xá Tây (từ năm 2019 sáp nhập với thôn Thanh Lê thành thôn Ngô Xá Thanh Lê) đã có từ lâu đời, trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng người dân Ngô Xá Tây vẫn luôn giữ được những nét văn hóa của quê hương mà các bậc tiền nhân để lại, trong đó có nghệ thuật bài chòi. Năm 1986, bà Linh được bầu làm đội trưởng Đội bài chòi của thanh niên.

Đến năm 2002, bà làm Chủ nhiệm CLB bài chòi của làng Ngô Xá Thanh Lê. Ban đầu CLB chỉ có 8 người, đến nay đã lên đến 145 người với đầy đủ mọi lứa tuổi tham gia. Bà Linh cùng với những thành viên trong CLB vừa sưu tầm, vừa sáng tác cho 60 con bài với hơn 200 lần sáng tác (mỗi con bài có một lời hô riêng hát theo làn điệu dân ca Bình Trị Thiên) tạo ra một sân chơi văn hóa vừa truyền thống, vừa mới lạ, hấp dẫn nên ngày càng thu hút được nhiều người dân trong làng và các địa phương khác đến chơi. CLB bài chòi của làng Ngô Xá Thanh Lê cũng đã tiến hành đào tạo, hướng dẫn cho 30 em học sinh ở làng Ngô Xá Thanh Lê.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đêm nghệ thuật đặc biệt kể chuyện về nữ sĩ Xuân Quỳnh

Thanh Mai |

Đêm thơ-nhạc-kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy kể những câu chuyện ít người biết và điểm lại những tác phẩm nổi bật nhất của tác giả Sóng.

Giới thiệu nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của nghệ thuật Bài chòi đến công chúng

PV |

Nhằm tôn vinh, khẳng định giá trị của nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh, tối 6/8, tại thành phố Quảng Ngãi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật Bài chòi tỉnh Quảng Ngãi.

Triển lãm tranh gây tranh cãi: Ranh giới giữa nghệ thuật và phản cảm

Thanh Mai |

Câu chuyện những bức tranh bị gỡ bỏ khỏi các buổi triển lãm tranh vì nội dung phản cảm hay chưa phù hợp đã không còn quá xa lạ.

Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ và chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng hòa bình”

Đức Việt |

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 (1947-2022) và hướng đến Lễ hội Vì hòa bình, tối nay 24/7, tại Thành Cổ Quảng Trị, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức trang nghiêm Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ cấp quốc gia và chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng hòa bình”.