Lương hưu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp người lao động (NLĐ) đảm bảo khi về già có tiền để chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản và có thêm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được cấp miễn phí để chăm sóc sức khỏe. Thấy được ý nghĩa và những quyền lợi của chế độ hưu trí, nhiều người dân đã tham gia BHXH tự nguyện nhằm tích lũy cho tương lai.
Sau nhiều năm lao động tự do, đến lúc 40 tuổi, ông Nguyễn Văn Hậu, ở thành phố Đông Hà xin vào làm công nhân cho một công ty nhà nước và tham gia đóng BHXH bắt buộc. Đến năm 2021, ông nghỉ hưu theo chế độ, được nhận lương hưu theo quy định. Với khoản thu nhập từ hàng quán tạp hóa của vợ cộng với lương hưu, các con đã trưởng thành nên vợ chồng ông Hậu có cuộc sống tạm ổn.
Ông Hậu chia sẻ: “Nếu không có khoản lương hưu, thu nhập bấp bênh như trước đây làm thợ nề, chắc khi về già cuộc sống vợ chồng tôi khó khăn hơn. Bây giờ có lương hưu ổn định, có thẻ BHYT được cấp miễn phí để khám chữa bệnh khi ốm đau, tôi thấy yên tâm. Tôi cũng đã động viên vợ mình tham gia BHXH tự nguyện nhiều năm nay để khi về già, đủ số năm đóng bảo hiểm thì cũng được hưởng lương hưu theo chế độ”.
Vốn là một nhân viên cấp dưỡng của trường mầm non, năm 2015, bà Nguyễn Thị Hiếu, ở thị xã Quảng Trị nghỉ hưu hưởng lương theo chế độ. “Ngày xưa bạn bè từng khuyên tôi nghỉ việc nhà nước ra ngoài buôn bán để có đồng ra đồng vào nuôi con nhưng tôi không nghe. Vì bằng cấp thấp nên khi về nghỉ theo chế độ, lương hưu của tôi hơi thấp. Tuy nhiên khi đã nghỉ hưu, sức khỏe yếu tôi mới thấy mình còn có khoản hưu khi không còn sức lao động vẫn may mắn hơn những người bạn giờ vẫn phải buôn bán ngoài chợ để có thu nhập, không dám nghỉ ngơi. Lương hưu tăng nhiều lần nên về cơ bản, hai vợ chồng tôi vẫn đủ sống, không phiền đến con cái”.
Khoảng 4 năm trước, ông Hồ Văn Kreng, một cán bộ văn hóa xã ở huyện Đakrông đến tuổi nghỉ hưu (60 tuổi), nhưng thiếu 6 năm đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Không đắn đo, ông quyết định đóng bù cho số năm còn thiếu để được hưởng lương hưu. Theo lời ông Kreng, nhiều người cùng thời với ông không có lương hưu nên cuộc sống vất vả, phải sống phụ thuộc vào con cháu.
“Thời điểm đó, nếu nhận BHXH một lần thì tôi cũng có được vài chục triệu, cũng không giải quyết được việc gì lớn, các con động viên đóng thêm BHXH tự nguyện để có lương hưu, tôi cũng thấy hợp lý. Cái hay nữa là được phát thẻ BHYT miễn phí. Giờ lớn tuổi bệnh tật nhiều, nhưng nhờ có thẻ BHYT hưu trí, nên đi khám chữa bệnh chi phí rất ít. Tôi nghiệm ra rằng, lúc trẻ thế nào cũng được, chứ lúc già sức khỏe, điều kiện giới hạn mình muốn làm cũng chả được, nên lương hưu ý nghĩa vô cùng”, ông Kreng chia sẻ.
Hưu trí là chế độ mang tính nhân văn sâu sắc của chính sách BHXH, bảo đảm nguồn thu nhập cho NLĐ khi hết tuổi lao động. Một trong những điều kiện để NLĐ được hưởng lương hưu là có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Với những người chưa đủ 20 năm đóng BHXH có thể nhận BHXH một lần. Bên cạnh việc hưởng lương hưu, NLĐ tham gia BHXH khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình).
Đặc biệt, mức hưởng lương hưu không phải cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu và trong 2 năm qua dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Đối với người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995, nếu sau khi được điều chỉnh tăng theo mức chung 7,4% nhưng mức lương hưu thuộc các trường hợp thấp thì lại tiếp tục được điều chỉnh (tăng thêm 200 nghìn đồng với những người có mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng; tăng lên 2,5 triệu đồng với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/ tháng).
BHXH tỉnh hiện đang quản lý 25.170 đối tượng hưởng chế độ BHXH thường xuyên với số tiền chi trả hằng tháng là 107,8 tỉ đồng (trong đó hưởng từ NSNN là 8.253 người với số tiền 26,1 tỉ đồng, hưởng từ quỹ BHXH là 16.917 người với số tiền 81,8 tỉ đồng). Đến 30/6/2022, tổng số chi BHXH, BHYT, BHTN là 1.109 tỉ đồng, tăng 86,7 tỉ đồng (8,5%) so với cùng kỳ năm 2021, đạt 48,6% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Hồ Sỹ Nam, qua công tác tuyên truyền, ngày càng có nhiều người dân tin tưởng vào chính sách BHXH, BHYT. “Ngoài những người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tỉnh thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Chủ động báo cáo, tham mưu kịp thời với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về tình hình phát triển người tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là tham gia BHXH tự nguyện.
Xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể về tổ chức thực hiện công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa bàn cụ thể. Xây dựng kế hoạch cụ thể hướng dẫn BHXH các huyện, thị xã triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch được BHXH Việt Nam giao”, ông Nam cho biết.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)