Háo hức, mong đợi là tâm lý chung của 31 phạm nhân ở Trại giam Nghĩa An thuộc Bộ Công an (đóng trên địa bàn xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có tên trong danh sách được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá dịp Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội năm nay. Sau những ngày tháng phải trả giá cho lỗi lầm trong quá khứ, họ khao khát được trở về để đoàn tụ với gia đình và làm lại cuộc đời.
Biết tin mình là một trong những phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Nghĩa An có tên trong danh sách được xét đề nghị đặc xá trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội năm nay, phạm nhân Đ.V.D (sinh năm 1963) ở Nghệ An không khỏi hồi hộp. Phạm nhân D. đã nhận mức án 27 tháng tù về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Ông cho biết, nhờ quãng thời gian ở sau song sắt, ông đã nghiêm túc nhìn nhận lỗi lầm của bản thân và vô cùng ăn năn, hối cải về những việc mình đã gây ra.
“Trong thời gian chấp hành án tại trại giam, tôi luôn nhận được sự động viên của Ban Giám thị, cán bộ quản giáo, sự quan tâm, yêu thương của gia đình. Do đó, tôi đã vực dậy tinh thần, cố gắng nỗ lực cải tạo, phấn đấu với mong muốn sớm được về với người thân, làm lại cuộc đời. Tôi quyết tâm sẽ sống tốt, quý trọng từng giây phút tự do rất đỗi bình thường của một công dân”, ông D. nói.
Hồi hộp, vui mừng có lẽ là tâm trạng không chỉ riêng của phạm nhân D. mà cũng là cảm xúc chung của các phạm nhân tại Trại giam Nghĩa An được đề nghị xét đặc xá dịp này. Hơn ai hết, những phạm nhân này đều mong muốn ngày trở về sẽ được người thân, cộng đồng đón nhận, tạo điều kiện giúp đỡ để họ có cơ hội sửa chữa những lỗi lầm, tái hòa nhập cộng đồng.
Để chuẩn bị “hành trang” ngày trở về, tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân, tại Trại giam Nghĩa An đã có nhiều lớp đào tạo nghề như: may, mộc, rèn, nề... được mở ra. Qua đó phần nào trang bị cho các phạm nhân những kiến thức, kỹ năng cơ bản để khi được đặc xá trở về cộng đồng, họ xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, không tái phạm tội, phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Nhìn gương mặt rạng rỡ của các phạm nhân khi nghe thông tin được đặc xá, tha tù trước thời hạn để trở về hòa nhập với cộng đồng mới thấu hiểu cái giá của cuộc sống tự do đối với những người lầm lỡ.
Theo Đại tá Đỗ Huyền Tâm, Giám thị Trại giam Nghĩa An, ngay sau khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và các hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, Ban Giám thị Trại giam Nghĩa An đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến từng đội/tổ phạm nhân, niêm yết công khai tại các khu vực giam giữ của phạm nhân các quy định liên quan đến công tác đặc xá để phạm nhân nắm bắt được chủ trương, từ đó soi xét bản thân.
Từ đó bảo đảm công tác đặc xá dịp Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội năm nay đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật. Căn cứ các điều kiện, tiêu chuẩn của người được đề nghị đặc xá, Trại giam Nghĩa An có 31 phạm nhân được đề nghị xét đặc xá, gần 500 phạm nhân được đề nghị xét giảm án trong dịp này.
Đây là những phạm nhân có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và đủ điều kiện chấp hành án phạt tù, chấp hành xong các hình phạt bổ sung cũng như các điều kiện khác theo quy định. Hiện, Trại giam Nghĩa An đã hoàn tất thủ tục xét duyệt những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đề xuất Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương thẩm định và trình Chủ tịch nước xem xét, ra quyết định vào đầu tháng 10/2024.
Thượng tá Đỗ Huyền Tâm, Giám thị Trại giam Nghĩa An cho biết, đặc xá tha tù trước thời hạn cho phạm nhân là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, khoan hồng đối với những phạm nhân thật sự ăn năn hối cải, có quá trình cải tạo tốt, sớm được hoà nhập cộng đồng. Đối với những phạm nhân chưa đủ tiêu chuẩn được đề nghị đặc xá lần này, qua công tác tuyên truyền giáo dục cũng giúp họ hiểu và yên tâm cải tạo, cố gắng phấn đấu lao động, học tập, chấp hành tốt nội quy nơi giam giữ để sớm được đặc xá trở về với gia đình và hòa nhập cùng xã hội.
“Từ khi có thông báo về hồ sơ được xét đề nghị đặc xá, tinh thần các phạm nhân rất háo hức, làm việc hăng say, nghiêm túc chấp hành nội quy tốt hơn. Không khí trại tạm giam từ đó vui hơn. Hy vọng rằng sau khi được ân xá, các phạm nhân sẽ hướng thiện, trở thành người có ích cho xã hội”, Đại tá Tâm nói.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)