Miền Trung đã bước sang mùa mưa lũ. Những ngày qua, mưa lớn gây ngập lụt ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Trị.
Ở miền núi, vùng đồng bằng trũng thấp mưa lớn làm mực nước dâng cao gây ngập lụt đã đành, đằng này ở đô thị nhiều nơi mưa lớn cũng bị ngập lụt làm ảnh hưởng đến đời sống, việc đi lại của người dân. Tình trạng mưa lớn gây ngập lụt ở các đô thị hiện nay là bài toán cần sớm có lời giải.
Ở TP. Đông Hà, cứ sau một trận mưa lớn từ 100 mm trở lên, có một số đoạn đường như Đặng Dung, Nguyễn Huệ, Hùng Vương... nước không thoát kịp gây ngập lụt cục bộ; có nơi nước tràn vào nhà dân, khu đô thị, làm ách tắc giao thông nhiều giờ, làm đảo lộn cuộc sống của người dân khi phải kê kích tài sản, dọn dẹp vệ sinh sau ngập nước.
Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều năm nay nhưng các ngành hữu quan, chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Mấy năm trước, những cơn mưa kéo dài còn làm tường nhà dân bị sập, dòng nước lũ cuốn một số người xuống các cống nước ngầm gây nên những cái chết rất thương tâm. Những chỗ thu nước ở các cống ngầm xây dựng dở dang đã tạo nên “chiếc bẫy” rất nguy hiểm cho mọi người khi trời mưa, nước ngập.
Mà đâu chỉ có TP. Đông Hà, nhiều đô thị trong cả nước đều xảy ra ngập lụt khi mưa lớn. Sau nhiều năm phát triển, hiện phần lớn các đô thị ở nước ta đang phải đối mặt với thực trạng cứ mưa là ngập. Trước đây, ít ai nghĩ một đô thị nằm bên sông, bên biển như TP. Đà Nẵng mà xảy ra lũ dữ trên đường phố làm thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và của người dân, kể cả gây nên các trường hợp người chết do lũ cuốn rất đau lòng.
Các chuyên gia về thời tiết khí hậu nhận định rằng, những cơn lũ dữ như thế đã từng diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ, ngày nay lại thêm biến đổi khí hậu nên thiên tai xảy ra bất thường. Tình trạng ngập lụt đô thị được lý giải là do mưa lớn có xu hướng ngày càng gia tăng, tần suất xuất hiện những trận mưa lớn (trên 100 mm) tăng, tập trung trong thời gian ngắn. Nhưng nguyên nhân trực tiếp có thể thấy là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh trong khi quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước để đáp ứng với tốc độ đô thị hóa.
Khó có thể hình dung những cơn mưa xối xả từ 100mm trở lên diễn ra ở đô thị trong thời gian ngắn, làm nước dâng lên nhanh, trong khi hệ thống thoát nước rất nhỏ, chỉ có vai trò thải nước sinh hoạt hằng ngày của các hộ trong khu dân cư.
Đó là chưa nói đến một thực trạng đáng báo động hiện nay là công tác quản lý đô thị yếu kém, đã để diễn ra việc bê tông hóa đô thị, san lấp các hồ nước, chiếm dụng các thảm cỏ, công viên... có chức năng tiêu thoát nước để xây dựng công trình, nhà ở dẫn đến khi có lượng nước mưa lớn không có chỗ tiêu, thoát, nghĩa là thiếu không gian cho thoát nước. Hình ảnh người dân chèo ghe, xuồng đi vớt cá trên đường phố các đô thị lớn mà báo chí, mạng xã hội từng đưa trong những năm qua cứ tưởng như chuyện chỉ diễn ra trên sông nước.
Ở các nước trên thế giới, khi xây dựng đô thị, việc đầu tiên là quan tâm xây dựng hệ thống thoát nước. Người ta dành một quỹ đất lớn để xây dựng cống ngầm, ở dưới đó có hệ thống điện, thông tin liên lạc, cấp nước; tạo việc đi lại thuận lợi của con người khi cần sửa chữa các công trình ngầm. Mỗi khi xảy ra mưa lớn, các đường hầm này là nơi thu gom tất cả nước mặt, cho dù mưa dài ngày, lượng nước lớn.
Ở các nước phát triển như Nhật Bản, người ta còn xây dựng những công trình hầm ngầm lớn để thu nước mưa. Vẫn biết nước ta kinh tế chưa phát triển, các tỉnh, thành phố còn gặp khó khăn trong nguồn vốn đầu tư xây dựng, nhưng không vì thế mà thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, xây dựng các công trình, dự án quan trọng như đường sá, hệ thống thoát nước, cây xanh. Trước khi nói đến biến đổi khí hậu, phải nhận thức được rằng tác nhân gây nên tình trạng ngập lụt đô thị còn do con người. Đừng để những việc làm trái với quy luật tự nhiên hôm nay mà ngày mai phải gánh lấy “sự trả thù ghê gớm” của thiên nhiên.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhà nước và người dân trong thiên tai nói chung, người dân ở đô thị bị ngập lụt nói riêng, việc cần làm ngay là chính quyền phải rà soát lại các quy hoạch đô thị, quản lý đô thị; có kế hoạch nâng cấp hệ thống thoát nước, khơi thông dòng chảy; phân bổ mật độ dân cư đô thị hợp lý. Và một vấn đề quan trọng nữa, đó là cơ quan chức năng và chính quyền phải xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân xây dựng vi phạm quy hoạch, lấn chiếm các công trình công cộng. Cần gia tăng truyền thông để nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống xả rác bừa bãi, khơi thông dòng chảy, bảo vệ các công trình tiêu, thoát nước.
Bài học nhãn tiền về tình trạng lũ lụt ngày càng dữ dội từ miền núi, đồng bằng đến đô thị thì nhiều người đã thấy rõ. Tương lai an toàn, hạnh phúc không phải nói đâu xa mà do chính con người quyết định. Trước khi nói đến những việc lớn lao, như nâng cấp loại đô thị, xây dựng đô thị thông minh, hãy bắt đầu từ việc nhỏ mà không nhỏ - thực hiện phương án tối ưu để chống ngập lụt cho đô thị trong mùa mưa, đảm bảo cuộc sống an toàn, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)