Những bản án tử hình liên quan đến ma túy khiến nhiều bản làng ở các huyện miền núi Quảng Trị không còn bình yên. Cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con vắng dần bóng cha trong ký ức tuổi thơ non nớt.
Ngày càng nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh tham gia vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam. Cơ quan chức năng đã đấu tranh, triệt phá nhiều vụ án ma túy lớn; nhiều đối tượng phạm tội về ma túy bị kết án tử hình nhưng kết quả đó vẫn chưa đủ sức răn đe. Để ngăn chặn “cơn lốc” ma túy tràn qua bản làng, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các tổ chức cơ sở đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò tiên phong trong tập hợp lực lượng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Bài 1: Ám ảnh những bản án tử hình
QTO - Một thôn có 3 người bị tuyên án tử hình về ma túy; một gia đình có 2 người nhận án tử về tội danh trên... những câu chuyện này không còn là chuyện hiếm ở những bản làng vùng cao Hướng Hóa. Ma túy tràn qua bản làng như một cơn lốc, nhanh và để lại hậu quả khôn lường khiến khi nó qua đi, ai nấy đều bàng hoàng. Nỗi lo ma túy có thể ập vào nhà mình lúc nào không hay cứ thế lan dài trong những ngôi nhà nhỏ nơi vùng cao biên giới còn lắm khó khăn.
Đau hơn “xát muối vào lòng”
Kể từ ngày con trai bị tuyên án tử hình, ông Hồ Văn Hùng, năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Thuận 1, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, không đêm nào tròn giấc. Nhất là sau mỗi lần về trại giam thăm con trai trong thời gian chờ thi hành bản án, ông đều thức trắng đêm.
Con trai ông là Hồ A Khay (26 tuổi), một trong những bị cáo bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tuyên tử hình vào ngày 9/11/2023. Trong vụ này còn có 2 bị cáo khác cùng nhận án tử, một bị cáo bị tuyên án chung thân về hành vi vận chuyển trái phép hơn 6 kg ma túy từ Lào về Việt Nam. Tất cả đều ở thôn Thuận 1. Chỉ với vài triệu đồng tiền công, con ông cùng những đồng phạm phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Trong thôn, ông Hùng được dân bản nhận xét là người hiền lành, biết lo lắng cho các con. Tuy Khay đã có gia đình nhưng ông vẫn mua thêm rẫy chuối bên Lào để con có thêm việc làm nuôi vợ con. Ông nói: “Bố còn cực lắm, chưa sướng được nhưng vẫn bỏ của (tiền) mua rẫy cho hắn. Thấy hai vợ chồng hết làm ruộng, qua trồng sắn, chăm chuối, về nhà là ngủ mà bố mừng cái bụng. Vậy mà hắn vẫn phụ lòng bố”.
Khi vụ việc bị phát hiện, các đồng phạm trong vụ án bị bắt thì Hồ A Khay bỏ trốn vào rừng. Sợ con nghĩ quẫn, ông băng rừng tìm con rồi khuyên ra đầu thú. Ông nói: “Sai thì đã sai rồi, con chạy không thoát mô”. Vậy nhưng con trai không nghe ông, cứ cố thủ trong rừng. Ông về nhà nhờ con dâu khuyên chồng rồi làm 10 con gà, mở buổi tiệc nhỏ mời bà con thân thiết đến dự và nhắn A Khay về. Đêm đó, con trai ông về thật. Và một câu nói của vợ là “đi đầu thú rồi em sẽ đợi” khiến Khay thay đổi thái độ. Chỉ tiếc là sau khi chồng ra đầu thú, vợ Khay đã bỏ về nhà ba mẹ đẻ, để hai đứa nhỏ (học lớp 3 và lớp 1) cho ông bà nội nuôi. Nỗi lo ngày nào đó tuổi già đưa ông bà khuất sau cánh rừng xa, để lại những đứa cháu lớn lên như cây dại bên đường khiến lòng ông đau hơn xát muối.
Cùng chung nỗi đau khi có con trai bị tuyên án tử hình, mỗi lần nhắc đến là ông Hồ Văn Xai (ngoài 60 tuổi) không kìm được nước mắt. Nhất là Tết năm nay, lần đầu tiên ngôi nhà vắng bóng con trai. Trong câu chuyện, Hồ Lăng (sinh năm 2000) - con trai duy nhất của ông Xai - là một thanh niên hiền lành, chăm chỉ. Mẹ mất từ khi 2 tuổi, gia cảnh khó khăn nên Lăng không được đi học.
Hơn 20 năm quăng quật trên nương rẫy cùng bố nên Lăng rất thạo việc, giỏi giang. Một ngày đầu tháng 3/2023, con trai nói với bố mệt nên xin ở nhà một buổi. Khi ông đi rẫy về thì không thấy con đâu. Bữa cơm chiều nấu vội, chưa kịp ăn thì tin dữ báo về là con ông đã bị bắt về tội ma túy. Cũng từ đó, con đường lên rẫy chỉ có bóng dáng người đàn ông cô độc.
Sau khi lực lượng chức năng dựng lại hiện trường, ông Xai bàng hoàng khi thấy con cất giấu ma túy trong chính ngôi nhà mình sống. Số ma túy này do Hồ Kum (ở xã Tân Thành), là con chú bác ruột của Lăng, mang đến để nhờ đưa cho người khác.
Dù kiểm tra thấy bên trong có ma túy nhưng Hồ Lăng vẫn đồng ý vì được hứa cho 500 ngàn đồng đổ xăng. Khi đang giao hàng tại địa điểm thỏa thuận trước đó thì Hồ Lăng bị lực lượng chức năng phát hiện cùng tang vật là 2,3 kg ma túy. Riêng Khum và một đối tượng khác bỏ trốn. Tháng 6/2023, tại phiên xét xử lưu động ở thị trấn Lao Bảo, Hồ Lăng đã bị kết án tử hình.
Người cha dự phiên tòa của con mà không tin đó là sự thật. Câu nói của Hồ Lăng ám ảnh ông: “Con chỉ sai với bố đúng một lần mà không thể sửa sai được”. “500 ngàn đồng thằng Lăng chưa kịp nhận đã phải đánh đổi bằng mạng sống, cái giá đắt quá. Con bố không biết chữ, bị đối tượng xấu lôi kéo nên bố chỉ mong đối tượng chủ mưu bị bắt”, ông nói.
Nỗi lo “anh trước, em sau”
Nỗi lo này không phải không có cơ sở. Rất nhiều vụ án về ma túy của người đồng bào DTTS đều liên quan đến người thân trong gia đình.
Trong vụ án của Hồ A Khay, ông Hùng còn chịu thêm một nỗi đau khác khi em trai mình là Hồ A Ran (32 tuổi) cũng bị tuyên án tử. Hồ A Ran nghiện ma túy nhiều năm, ly dị vợ và ở ngay cạnh nhà ông. Công việc chính của Ran là thồ hàng thuê qua biên giới. Do khoảng cách tuổi tác không xa nên hai chú cháu chơi thân với nhau. Trong vụ án này, Hồ A Ran là chủ mưu và ông Hùng khẳng định em trai đã rủ rê con mình dính vào ma túy.
Ông Hùng còn có 2 người con trai khác đang trong độ tuổi thanh niên. Nỗi lo của người đàn ông này là bố mẹ chỉ biết con mình phạm tội khi sự đã rồi. “Từ khi thằng Khay bị án tử hình, bố càng lo hơn. Có dịp là bố khuyên con cháu tránh xa ma túy nhưng không biết chúng có hiểu không”, ông chia sẻ.
Hồ Văn Long (22 tuổi) cũng là bị cáo nhận án tử hình trong vụ án của Hồ A Ran. Vì chuyện của con, bà Hồ Thị Tà Cơi (ngoài 50 tuổi) đã bán ngôi nhà nằm trên tuyến đường Lìa để “lo” cho con theo lời tư vấn của một luật sư nào đó. Nhà mất, con trai không thoát được tội chết, nay bà Cơi phải ở nhà người con trai khác. Nhưng bà nói: “Mẹ không tiếc của, mẹ chỉ tiếc cho tương lai của Long”.
Hằng ngày, bà Cơi bồng cháu ngồi ở cửa, dõi theo con đường nhỏ phía trước, đợi người con trai mà bà hằng yêu thương nhất trở về với gương mặt rạng rỡ sau một ngày làm việc mệt nhọc. “Long có chữ (học đến lớp 11), hiếu thuận với bố mẹ. Hắn làm được đồng nào đưa về cho mẹ đồng nấy chứ không ham chơi. Con đi rồi mà mẹ cứ nghĩ hắn đang quanh quẩn ở bản làng, nên cứ đợi con về...”, người phụ nữ nghẹn ngào.
Vậy nhưng tin dữ lại ập đến trong ngôi nhà này, trên đôi vai gầy của người phụ nữ này. Khi con trai cả bị tuyên án tử hình chưa lâu thì con trai út của bà là Hồ Văn Ly (sinh năm 2005) lại bị bắt quả tang vì vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn, đối diện với khung hình phạt cao nhất. Tại thời điểm bị bắt, con trai bà chỉ mới 18 tuổi 7 ngày; đã có vợ và con trai chưa tròn tuổi. Điều đặc biệt, Ly là trường hợp thanh niên người DTTS hiếm hoi sa lưới ở vùng biển khi tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về vùng biển Cửa Việt. Từ đây, ma túy tiếp tục tuồn vào các tỉnh phía Nam bằng đường biển trên các tàu cá.
Ở một hoàn cảnh khác, cả hai anh em trong gia đình đều nghiện ma túy. Vào ngày 21/6/2023, anh trai là Hồ A Xuân (sinh năm 2000), trú tại thôn Thanh 1, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, bị TAND tỉnh tuyên án tử hình vì vận chuyển trái phép gần 3 kg ma túy. Chỉ 3 tháng sau khi anh bị bắt, em trai là Hồ A Xăn (sinh năm 2003) tiếp tục “nối gót”, vận chuyển 36,95 gam ma túy Methamphetamine để được trả công bằng ma túy và nhận mức án 15 năm tù.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, 100% số ma túy bắt giữ trên địa bàn tỉnh được vận chuyển từ Lào về Việt Nam, trong đó 99% số lượng ma túy được vận chuyển qua biên giới tỉnh Quảng Trị. Tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trong vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tăng cả về số vụ, số đối tượng, tính chất, mức độ nghiêm trọng và có xu hướng trẻ hóa.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)