Người lao động Gio Linh quan tâm thị trường việc làm ở Đức

Tú Linh |

Nước Đức là thị trường lao động tiềm năng mà huyện Gio Linh (Quảng Trị) đang quan tâm để mở rộng ngoài các thị trường truyền thống. Từ năm 2023 đến nay, nhiều lao động của huyện đã được sang Đức du học nghề và làm việc theo hợp đồng tại nước này với mức thu nhập cao hơn các thị trường khác.


Em Nguyễn Thị Duyên ở thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh tốt nghiệp THPT năm 2023 và đỗ vào Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Em không chọn con đường học đại học, quyết định học tiếng Đức gần một năm nay để sang Đức làm việc theo hợp đồng nhằm sớm có việc làm ổn định và thu nhập cao hơn. Ở xã Gio An đang có nhiều thanh niên theo học tiếng Đức để đi làm việc. Đây là cách lựa chọn phù hợp trong lúc thị trường việc làm trong nước đang khó khăn và không hấp dẫn bằng.

Tại xã Gio Hải, chị Trần Thị Thanh Tâm, công chức văn hóa- xã hội của xã cho biết, đi làm việc ở thị trường nước Đức đang thu hút người lao động (NLĐ) ở xã này quan tâm. Toàn xã có hơn 30 lao động đang làm việc tại Đức, tập trung nhiều ở các Thôn 4, 5 và 6, Nhĩ Hạ, chưa kể số người đang học tiếng Đức để hoàn thiện hồ sơ sang làm việc thị trường giàu tiềm năng này.

Bà Hồ Thị Chắt ở Thôn 4 xã Gio Hải trao đổi với trưởng thôn và cán bộ xã Gio Hải về con trai đang làm việc ở Đức -Ảnh: TÚ LINH
Bà Hồ Thị Chắt ở Thôn 4 xã Gio Hải trao đổi với trưởng thôn và cán bộ xã Gio Hải về con trai đang làm việc ở Đức -Ảnh: TÚ LINH

Gia đình bà Hồ Thị Chắt ở Thôn 4, xã Gio Hải có người con trai sang Đức làm việc từ tháng 9/2023 với nghề đầu bếp. Bà Chắt cho biết mới sang được mấy tháng con trai bà đã gửi tiền về cho cha mẹ sửa sang nhà cửa. Thu nhập hằng tháng ở bên đó khá cao so với lao động các nước khác. Con trai bà phấn đấu ở lại làm việc theo thời gian hợp đồng 5 năm để có được khoản thu nhập ổn định, sau đó mới tính chuyện về nước lập gia đình.

Cách đây mấy năm, cả Thôn 4 đều bất ngờ trước sự lựa chọn sang Đức học tập và làm việc theo hình thức du học nghề của 2 người con ông bà Bùi Đức Cảm và Phan Thị Liễu. Hai em trúng tuyển vào Đại học Y Huế và Bách khoa Đà Nẵng nhưng không nhập học mà chọn đi du học nghề ở Đức. Sang Đức, 2 em đều học nghề y, khi đang học đã được trả lương. Nay cả hai em đã tốt nghiệp ra trường và làm việc trong ngành điều dưỡng của bệnh viện dưỡng lão và bệnh viện đa khoa, mức lương gần 100 triệu đồng/người/ tháng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh cho biết, đưa lao động sang làm việc ở thị trường Đức phù hợp với chủ trương của Chính phủ và địa phương.

Từ năm 2023 đến nay, ngoài phát huy các thị trường lao động truyền thống, huyện chủ trương đẩy mạnh đưa lao động sang thị trường nước Đức.

Việc nước Đức mở rộng thị trường lao động nhằm tạo điều kiện cho NLĐ có tay nghề và năng lực được làm việc là cơ hội tốt cho lao động của tỉnh cũng như huyện Gio Linh.

6 tháng đầu năm 2024 kết quả đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài của huyện đạt hơn 200%, trong đó nổi bật là làm việc tại thị trường Đức. NLĐ cần trang bị ngoại ngữ tốt sẽ giúp mở rộng cơ hội, dễ dàng hòa nhập khi học tập và làm việc tại Đức.

Hiện lao động của huyện làm việc ở Đức chủ yếu theo chương trình du học nghề, trong đó học viên vừa được đào tạo về kiến thức chuyên môn vừa được thực hành tại các doanh nghiệp ở Đức. Thời gian học nghề tại Đức, NLĐ vẫn được các doanh nghiệp trả lương.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, có hơn 50% doanh nghiệp của Đức đang thiếu hụt lao động, nhiều nhất ở ngành cơ khí, kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Dự báo đến năm 2035, nước Đức sẽ phải bổ sung thêm 7 triệu lao động, điều đó cho thấy nước Đức đang trở thành thị trường việc làm rộng mở dành cho các nước trong đó có NLĐ Việt Nam.

Dù mang quốc tịch nào làm việc ở Đức cũng đều nhận được những đãi ngộ tốt hơn so với nhiều quốc gia khác. Cụ thể với chương trình du học nghề, mức lương khi đi học năm đầu của học viên từ 23- 33 triệu đồng/tháng, đủ chi phí ăn ở cơ bản tại Đức. Mức lương mới ra trường trung bình từ 70 - 80 triệu đồng/tháng và được xét tăng lương từng bậc theo thời hạn quy định của Chính phủ Đức.

Đặc biệt những năm gần đây nước Đức luôn quan tâm thu hút NLĐ từ nước ngoài bằng chương trình du học nghề và chuyển đổi văn bằng cho lao động có tay nghề cao. Yêu cầu của các chương trình cũng liên tục được nới lỏng như: trình độ tiếng Đức nay đã hạ xuống B1 hoặc A2 (trước đây B2) với một số ngành nghề. Du học nghề ở Đức là chương trình giáo dục, đào tạo nghề, trong đó học viên vừa được đào tạo về kiến thức chuyên môn vừa được thực hành trực tiếp tại các doanh nghiệp lớn.

Còn chương trình lao động tay nghề cao dành cho những người đã có bằng cấp cũng như kinh nghiệm làm việc thông qua chuyển đổi các văn bằng đã học ở trong nước, NLĐ sẽ được công nhận về trình độ chuyên môn để có thể vào làm việc tại các doanh nghiệp lớn ở Đức.

Theo ông Dương Đức Hạnh, nhằm tạo điều kiện ngày càng có nhiều NLĐ sang Đức làm việc, huyện chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức điều tra, rà soát, cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động trên địa bàn; tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ tại các xã để có kế hoạch chủ động trong công việc này. Trên địa bàn tỉnh có Trung tâm Dịch vụ việc làm đang tư vấn hỗ trợ NLĐ đi du học nghề và làm việc theo hợp đồng ở Đức.

Ngoài ra có một số đơn vị tuyển dụng lao động ở các tỉnh, thành phố lớn đảm bảo điều kiện pháp lý đang tuyển chọn học viên, đào tạo tiếng Đức, tư vấn xử lý hồ sơ, công nhận văn bằng và tổ chức các khóa học để bảo đảm ứng viên tham gia chương trình có thể sớm tiếp cận và hội nhập khi làm việc tại Đức. Sau khi được đào tạo, làm việc tại Đức, nguồn nhân lực này trở về sẽ góp phần cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho địa phương.

Huyện Gio Linh khuyến cáo NLĐ có nguyện vọng cũng như đang làm việc ở Đức nên chọn con đường chính thống và tuyệt đối chấp hành pháp luật của nước sở tại nhằm tạo thương hiệu, hình ảnh cho NLĐ Gio Linh cũng như Quảng Trị, khi đó cơ hội ra nước ngoài làm việc của lao động sẽ luôn được các thị trường hấp dẫn chào đón.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

“xóm chạy thận” ở thôn Húc Nghì

Đức Việt |

Nhiều người dân trong một xóm nhỏ của thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì, huyện Đakrông (Quảng Trị), nhiều năm nay phải vật lộn trong khốn khổ với căn bệnh suy thận nặng. Là những người đồng bào dân tộc Vân Kiều ở một địa phương vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như Húc Nghì, căn bệnh hiểm nghèo này đã đẩy họ vào ngõ cụt...

Chương trình truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa lần đầu tiên tổ chức tại huyện đảo Cồn Cỏ

Bảo Bình |

Trong hai ngày 24 - 25/8/2024, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Trị, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa tại huyện đảo Cồn Cỏ.

Hành trình xây dựng nông thôn mới của 3 xã miền núi huyện Vĩnh Linh

Trần Tuyền |

Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có 3 xã miền núi, gồm: Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Ô. Thời gian qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của người dân, 3 xã này đã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) với những đổi thay về nhiều mặt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Hải Lăng tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao

Minh Tuấn |

Với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng”, từ thành công xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trong huyện Hải Lăng tiếp tục tập trung mọi nguồn lực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao và đạt những những kết quả bước đầu. Qua đó, tạo diện mạo mới, sức sống mới trên những làng quê.