Người phụ nữ Vân Kiều vượt khó vươn lên

Minh Long |

Đến thôn Nguồn Rào Pin, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nhiều người thường dừng lại trước một căn nhà khang trang, nổi bật ở thôn và không khỏi tấm tắc khen ngợi. Bởi, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số này, ít ai xây dựng được nhà kiên cố, đẹp, rộng, thoáng mát như thế. Ngôi nhà này là của gia đình chị Hồ Thị Nhung, người dân tộc Vân Kiều. Cơ ngơi này là thành quả lao động miệt mài của vợ chồng chị. Điều đáng quý ở chị Nhung là tinh thần phấn đấu vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi từ đôi bàn tay trắng. Chị còn là hội viên tích cực, năng động tham gia các phong trào thi đua của hội phụ nữ địa phương.


Sinh ra và lớn lên ở vùng miền núi còn nhiều khó khăn, cuộc sống phụ thuộc vào nương rẫy; phương thức canh tác, chăn nuôi lạc hậu nên việc nuôi trồng của gia đình chị Nhung trước đây không hiệu quả. Vì vậy, đói nghèo vẫn đeo bám lấy họ. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, chị Nhung trăn trở, tìm hướng đi trong phát triển kinh tế.

Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động, dựa vào lợi thế sẵn có của gia đình về đất đai, chị Nhung chọn mô hình kinh tế tổng hợp trồng trọt và chăn nuôi. Năm 2020, chị vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng diện tích trồng tràm, sắn.

Ngoài trồng trọt, chị Nhung còn đầu tư chăn nuôi bò - Ảnh: M.L
Ngoài trồng trọt, chị Nhung còn đầu tư chăn nuôi bò - Ảnh: M.L

Thời gian đầu, gia đình chị gặp không ít khó khăn do chưa nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Vì vậy, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức nông nghiệp ở địa phương; dành thời gian học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả của các hộ gia đình trong xã.

Nhờ kiên trì, chịu khó tìm tòi, học hỏi và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt nên diện tích và năng suất cây trồng của gia đình chị ngày càng tăng, mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện gia đình chị Nhung đã phát triển được 3,5 ha tràm, gần 1 ha sắn. Riêng năm vừa rồi, 1,5 ha tràm đã thu hoạch, mang lại cho gia đình chị thu nhập 80 triệu đồng.

Cùng với trồng tràm, sắn, gia đình chị Nhung duy trì trồng lúa rẫy, chăn nuôi thêm bò, gà. Với mô hình kinh tế này, mỗi năm sau khi trừ mọi chi phí, gia đình chị có thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình chị đã thoát nghèo bền vững. Chị Nhung còn rất nỗ lực để xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo con chu đáo.

Nhiều năm liền, gia đình chị đạt và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, bản thân chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã biểu dương là điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị Nhung chia sẻ: “Xuất thân từ cuộc sống đói nghèo nên tôi luôn ấp ủ ước mơ làm sao cho các con có tương lai tươi sáng hơn.

Nhờ đồng thuận vợ chồng, sự quan tâm, hỗ trợ của các hội, đoàn thể mà nay cuộc sống của gia đình ổn định hơn. Chúng tôi đã xây dựng nhà ở kiên cố và nuôi các con ăn học tử tế. Thời gian tới, tôi tiếp tục duy trì và phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, đồng thời tìm hiểu thêm các giống cây trồng, vật nuôi mới để chuyển đổi sản xuất, tăng thêm thu nhập”.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hướng Sơn Hồ Thị Ninh cho biết: “Chị Nhung là hộ làm kinh tế giỏi, tiêu biểu của thôn Nguồn Rào Pin nói riêng và xã Hướng Sơn nói chung. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng những gương điển hình như chị Nhung.

Đồng thời tìm các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế gia đình. Tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn về cây trồng, vật nuôi để cung cấp và nâng cao kiến thức giúp cho các mô hình kinh tế của chị em trên địa bàn xã ngày càng phát triển”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Phát triển đàn bò thịt chất lượng cao gắn với chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, liên kết tiêu thụ sản phẩm

Vân Trang |

Ngày 15/11, tại huyện Hải Lăng, Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ thương mại Quảng Trị tổ chức hội nghị lấy ý kiến thực hiện Đề án “Phát triển đàn bò thịt chất lượng cao gắn với xây dựng Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm”.

Hồ Văn Hư và ước mơ về hợp tác xã bò nơi miền biên giới

Tùng Hoa |

10 năm trôi qua, anh Hồ Văn Hư, ở bản A La, xã A Ngo, huyện Đakrông (Quảng Trị) vẫn nhớ như in ngày mình xuống thị trấn Krông Klang cách bản làng hơn 70 cây số để nhận bò giống lai sind mà Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel trao tặng cho hộ nghèo. Từ đó, cuộc đời của anh Hư bước sang trang mới, sống có trách nhiệm và hy vọng, bao nhiêu sức lực, tâm huyết anh đổ vào con bò giống đầu tiên. Để rồi, những nỗ lực của anh đã được đền đáp, bằng thời gian và sức lao động, bằng sự cần cù và chịu khó học hỏi của một nông dân đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn.

Thống nhất thực hiện đề án phát triển đàn bò thịt chất lượng cao

Lê An |

Ngày 24/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ thương mại Quảng Trị về đề án phát triển đàn bò thịt chất lượng cao gắn với xây dựng Trung tâm thực nghiệm, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam tham dự làm việc.

Triển vọng từ mô hình nuôi bò 3B

Lê An |

Nhằm khai thác điều kiện tự nhiên thuận lợi, từ năm 2023, mô hình nuôi giống bò hướng thịt 3B đã được huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) triển khai tại một số địa phương trên địa bàn huyện. Qua đánh giá bước đầu, giống bò khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, bò phát triển tốt, ít dịch bệnh, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân.