“Người thân” của những liệt sĩ chưa biết tên

Lê Trường |

Khi biết thông tin về việc cán bộ, công nhân viên chức, lao động (CB,CNVC,LĐ) xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) phân công nhau nhận chăm sóc, hương khói những phần mộ của các liệt sĩ chưa biết tên ở nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) xã, tôi đã mường tượng ra cách gọi đặc biệt: “Người thân” để đặt cho họ với nghĩa cử đáng trân quý này. Gọi là đặc biệt bởi lẽ mỗi người tự nguyện nhận một ngôi mộ của liệt sĩ chưa biết tên hay mộ của liệt sĩ có tên nhưng không có người chăm sóc để hương khói như chính thân nhân của các liệt sĩ.


Trách nhiệm của thế hệ hôm nay

Chương trình “Chăm sóc các phần mộ của những liệt sĩ chưa biết tên” được UBND xã Cam Thủy triển khai từ tháng 5/2015. Ban đầu, công đoàn xã đã xây dựng kế hoạch nhằm phân công mỗi CB,CNVC,LĐ trong xã nhận chăm sóc một phần mộ của liệt sĩ chưa biết tên hoặc có tên nhưng không có người thân chăm sóc tại NTLS xã để hương khói mỗi dịp lễ, tết.

Công chức Văn hóa xã hội phụ trách lao động, thương binh và xã hội UBND xã Cam Thủy Hoàng Tâm Trung cho biết, sau khi chương trình triển khai, CB,CNVC,LĐ trong xã đã hưởng ứng nhiệt tình bởi đó vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm để tri ân công lao các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. “Sau một thời gian triển khai, chương trình đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tiếp tục thực hiện với việc mở rộng đối tượng nhận chăm sóc các phần mộ liệt sĩ như ban cán sự các thôn; ban giám hiệu các trường học; các đoàn thể, HTX trên địa bàn xã”, ông Trung thông tin thêm.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Thủy có 119 ngôi mộ chưa biết tên và có tên nhưng không có người chăm sóc được CB,CNVC,LĐ xã nhận hương khói, chăm sóc - Ảnh: L.T
Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Thủy có 119 ngôi mộ chưa biết tên và có tên nhưng không có người chăm sóc được CB,CNVC,LĐ xã nhận hương khói, chăm sóc - Ảnh: L.T

Sinh sống ở thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ), đảm đương vị trí Phó Bí thư Xã đoàn Cam Thủy, chị Lê Quỳnh Nhi mỗi ngày phải đi hơn 10 km để đến cơ quan. Nhưng không vì thế mà chị quên đi nhiệm vụ rất quan trọng ngoài công việc, đó chính là đến chăm sóc, dâng hương cho ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên số 194 trong khuôn viên NTLS xã Cam Thủy vào mỗi dịp lễ, tết. “Ban đầu tôi được nhận chăm sóc mộ của liệt sĩ chưa biết tên được đánh dấu thứ tự là 194, sau hơn 1 năm, may mắn mộ đã có người thân đến nhận. Đồng thời lúc này tôi cũng chuyển công tác sang vị trí khác và không nằm trong diện phân công, nhưng tôi vẫn đăng ký được chăm sóc phần mộ chưa biết tên khác có số thứ tự 228. Việc làm tuy nhỏ nhưng tôi nghĩ đó là cách để tôi thể hiện lòng biết ơn đối với những hy sinh của các liệt sĩ cho quê hương, đất nước”, chị Quỳnh Nhi bộc bạch. Còn với anh Nguyễn Xuân Hanh (sinh năm 1989), mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng được sự tín nhiệm của người dân nên anh được bầu giữ chức Trưởng thôn Cam Vũ 1. Đây cũng là lợi thế để anh phát huy sự năng động, sáng tạo của mình trong nhiệm vụ của người đứng đầu một thôn và cũng là cơ hội để thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với những người có công cách mạng.

“Sau khi có phát động của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã về chương trình mỗi cán bộ thôn nhận chăm sóc một phần mộ liệt sĩ ở NTLS xã, tôi lập tức ủng hộ. Bởi lẽ, nếu không có chương trình này thì thế hệ trẻ chúng tôi cũng cần có trách nhiệm để chăm lo nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ. Ngoài việc đến hương khói, dọn dẹp phần mộ mình phụ trách, tôi thường xuyên vận động, triển khai các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong thôn. Trong đó định kỳ hằng tháng tổ chức dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc và cắt tỉa cây xanh quanh khu vực NTLS xã”, anh Hanh chia sẻ.

Tri ân để lòng mình thanh thản

Với chương trình “Chăm sóc các phần mộ của những liệt sĩ chưa biết tên”, xã Cam Thủy đã thể hiện sự “Đền ơn đáp nghĩa” của thế hệ hôm nay đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước. Chương trình không chỉ là sự tri ân, mà đó còn là nơi để trải lòng của những người từng cùng nhau chiến đấu và rồi người mất, người còn. Để hôm nay, người còn sống dành hết tâm nguyện để chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, đây là cách để họ thấy thanh thản và nhẹ lòng hơn. Đó là tấm lòng của bà Nguyễn Thị Diên ở thôn Cam Vũ 1, xã Cam Thủy. Năm nay đã ngoài 78 tuổi, nhưng khi nghe tin về chương trình triển khai nhận chăm sóc các phần mộ liệt sĩ chưa biết tên, bà Diên đã đăng ký tự nguyện nhận chăm sóc một phần mộ.

Bà Nguyễn Thị Diên dù tuổi cao những vẫn đăng ký chăm sóc, hương khói phần mộ liệt sĩ chưa biết tên ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Thủy - Ảnh: L.T

Theo lời giới thiệu của cán bộ làm công tác thương binh - xã hội xã Cam Thủy, tôi hẹn gặp bà Diên tại NTLS xã. Thật bất ngờ, bởi với dáng người nhỏ nhắn, bà Diên vẫn có thể đạp xe hơn 1 km từ nhà để đến nghĩa trang. Bà chia sẻ: “Hôm nay có cháu hẹn nên bà luôn tiện lên đây để tranh thủ nhổ cỏ ở mộ các anh luôn, vì mấy hôm trước bị ốm không thể lên được”. Vừa thắp hương, bà Diên vừa kể, trước đây bà là một nữ y tá từng tham gia du kích ở khu vực Cồn Tiên, Gio Linh. Khi đó, nhiều đồng đội của bà cùng vào sinh ra tử để chiến đấu, cho nên bà thấu hiểu nỗi đau, mất mát của chiến tranh và tâm niệm rằng những việc làm của mình là để sưởi ấm các đồng chí, đồng đội đã hy sinh. “Mỗi một ngày còn sức lực thì bà vẫn sẽ tiếp tục chăm sóc mộ các anh, bởi như thế thì bà sẽ cảm thấy lòng mình mãn nguyện và thanh thản hơn”, bà Diên tâm sự.

Theo anh Hoàng Tâm Trung, ngoài bà Nguyễn Thị Diên, xã cũng nhận được đăng ký từ một số cá nhân như bà Lê Thị Cúc ở thôn Cam Vũ 1 là đối tượng già cả, neo đơn nhưng vẫn tự nguyện nhận chăm sóc các phần mộ của liệt sĩ chưa biết tên.

Làm tròn nghĩa cử “Đền ơn đáp nghĩa”

Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Lê Nhật Tiên, NTLS xã có 232 phần mộ liệt sĩ. Trong đó có 98 mộ liệt sĩ chưa biết tên, 21 mộ có tên nhưng không có người thân chăm sóc. NTLS xã Cam Thủy được xây dựng từ năm 1976, qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, năm 2018 được đầu tư xây dựng mới một số hạng mục như hàng rào, cổng chào; năm 2021 đoạn đường vào nghĩa trang được trải bê tông nhựa và trồng cây xanh 2 bên đường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp và trang nghiêm hơn. “Hằng tháng, cứ đến ngày rằm, mùng 1 âm lịch và các ngày tết, lễ trọng đại của đất nước, chúng tôi lại ra đây, mỗi người một tay dọn dẹp, vệ sinh nghĩa trang, rồi ai phần mộ đó nhận thay cát, nhổ cỏ, thắp hương để nơi yên nghỉ của các liệt sĩ được ấm áp”, ông Tiên chia sẻ. Bên cạnh đó, nhằm động viên những cá nhân làm tốt, chấn chỉnh những cán bộ còn lơ là trong việc phân công, xã thường xuyên tổ chức hội nghị đánh giá, sơ kết chương trình vào mỗi dịp cuối năm, lấy đây là căn cứ để xét xếp loại, đánh giá cán bộ trong cơ quan.

Ngoài chương trình “Chăm sóc các phần mộ của những liệt sĩ chưa biết tên”, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, xã Cam Thủy thường xuyên quan tâm các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công trên địa bàn. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức thành viên thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ và Nhân dân thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công; vận động đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trong năm 2021 được gần 43 triệu đồng, vượt chỉ tiêu đề ra; nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, xã đã thăm, tặng 196 phần quà với trị giá 61 triệu đồng cho các gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh...; đầu tư xây dựng tháp chuông và đúc đại hồng chung cung tiến tại NTLS xã với số tiền 820 triệu đồng...

Với CB,CNVC,LĐ nói riêng và Nhân dân xã Cam Thủy nói chung, khi nhìn hàng loạt ngôi mộ khắc dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên” ở NTLS xã, họ luôn thấy xót xa, xúc động. Bởi các anh đã vì Tổ quốc mà ngã xuống ở mảnh đất này nhưng chưa xác định được tên tuổi, quê quán... Và cũng không biết đến bao giờ các anh mới được người thân tìm và viếng thăm. Chính vì lý do đó, không ai bảo ai, việc làm tự nguyện trở thành “người thân” đặc biệt của những anh hùng liệt sĩ chưa biết tên mà CB, CNVC,LĐ, ban cán sự các thôn và các đoàn thể ở xã Cam Thủy đã và đang thực hiện phần nào đền đáp chút ân tình, làm ấm lòng những người đã nằm xuống.

Cách tri ân mà cán bộ, Nhân dân xã Cam Thủy chọn làm không phải là mới, nhưng đó là cách thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với những liệt sĩ đã hy sinh để quê hương, đất nước có được hòa bình, thịnh vượng như ngày hôm nay; đó cũng vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm và tấm lòng của những “người thân” đặc biệt của các liệt sĩ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khánh thành Nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ở Cao điểm 689

Phan Bảo Phú |

Công trình Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại di tích Cao điểm 689 (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.  

Thiên tai trong năm 2022 diễn biến phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021

Thắng Trung |

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 31/5, Việt Nam đã chịu ảnh của 49 trận mưa lớn; 15 trận mưa dông, lốc, sét; 13 vụ sạt lở bờ sông; 17 trận động đất.

Truy điệu và an táng các liệt sĩ hy sinh tại Lào

Trúc Phương |

Ngày 19/5, tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ truy điệu và an táng 12 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại địa bàn tỉnh Savannakhet, Lào.

BĐBP Quảng Trị khởi công xây dựng “nhà tình nghĩa” cho gia đình Liệt sĩ Trần Trung

Đình Tiến |

Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Thống nhất đất nước, 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị, kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5, tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, Đồn Biên phòng Hướng Lập và Đồn Biên phòng Cửa Tùng phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình Liệt sĩ Trần Trung.