Những vấn đề sẽ xảy ra với cơ thể nếu ăn thừa muối

MINH ÁNH |

Ăn thừa muối là yếu tố chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh về tim mạch khác. Vì thế để phòng ngừa, hạn chế ăn mặn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, muối được tạo thành từ khoảng 40% natri và 60% clorua. Nó là gia vị chính trong nhiều món ăn và thậm chí có thể giúp bảo quản thực phẩm tốt hơn.

Natri là một khoáng chất cần thiết cho chức năng cơ và thần kinh tối ưu. Cùng với clorua, nó giúp cơ thể duy trì sự cân bằng nước và khoáng chất thích hợp.

Tuy nhiên, bất chấp các chức năng thiết yếu đó, việc ăn quá nhiều muối có thể gây ra những tác động khó chịu, cả về ngắn hạn và dài hạn.

Ảnh hưởng ngắn hạn

Giữ nước

Sau khi ăn quá nhiều muối, bạn có thể cảm thấy đầy hơi hoặc bụng căng phồng hơn bình thường. Điều này xảy ra bởi thận của bạn muốn duy trì một tỷ lệ natri-nước cụ thể trong cơ thể. Để làm như vậy, chúng sẽ giữ thêm nước để bù lại lượng natri bạn đã ăn.

Việc giữ nước tăng lên này có thể dẫn đến sưng tấy, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân, và có thể khiến bạn nặng hơn bình thường, theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ.
ảnh minh họa.
ảnh minh họa.

Tăng huyết áp

Một bữa ăn quá nhiều muối có thể khiến một lượng máu lớn lưu thông qua các mạch máu và động mạch của bạn. Điều này có thể dẫn đến việc tăng huyết áp tạm thời. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp triệu chứng này.

Cũng theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, sự nhạy cảm của một số người với muối là do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như di truyền và nội tiết tố. Lão hóa và béo phì cũng có thể khuếch đại tác động tăng huyết áp của chế độ ăn nhiều muối.

Khát nước liên tục

Ăn một bữa ăn mặn cũng có thể khiến bạn bị khô miệng hoặc cảm thấy rất khát. Khát nước chính là một cách mà cơ thể bạn cố gắng điều chỉnh tỷ lệ natri trên nước.

Lượng chất lỏng tăng lên có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn bình thường. Mặt khác, việc tiêu thụ nước sau khi ăn nhiều muối có thể khiến lượng natri trong cơ thể bạn vượt ngưỡng an toàn, dẫn đến tình trạng hypernatremia.

Hypernatremia là tình trạng nước thoát ra khỏi tế bào và vào máu, nhằm làm loãng lượng natri dư thừa. Nếu không được điều trị, sự thay đổi chất lỏng này có thể dẫn đến lú lẫn, co giật, hôn mê và thậm chí tử vong. Các triệu chứng khác của tình trạng tăng natri máu bao gồm bồn chồn, khó thở và khó ngủ, và giảm đi tiểu, theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ.

Ảnh hưởng lâu dài

Bệnh tăng huyết áp

Đối với những người có bệnh huyết áp cao, việc ăn nhiều muối sẽ làm bệnh càng trở nên nặng hơn. Những tác động này được cho là mạnh hơn đáng kể ở những người nhạy cảm với muối, theo Viện Y tế Quốc gia Hoa kỳ.

Nguy cơ ung thư dạ dày

Theo nghiên cứu Thói quen ăn mặn và nguy cơ ung thư dạ dày của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, hơn 268.000 người tham gia nghiên cứu này cho thấy rằng những người ăn trung bình 3 gam muối mỗi ngày có thể có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn 68% so với những người ăn trung bình 1 gam muối mỗi ngày.

Trong nghiên cứu về Mối liên hệ giữa việc hấp thụ muối và tiến triển trong quá trình tiền ung thư dạ dày của Viện Y tế Quốc gia Hoa kỳ, công bố năm 2019, các nhà khoa đã kết luận, cơ chế đằng sau tác động của muối đối với bệnh ung thư dạ dày vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chế độ ăn nhiều muối có thể khiến một số người dễ bị ung thư dạ dày hơn do gây loét hoặc viêm niêm mạc dạ dày.

Bệnh tim

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ăn mặn làm gia tăng nguy cơ những cơn đau tim và đột quỵ. Với những người bị suy tim, các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi ăn nhiều muối là ho, khó thở, nhịp nhanh, mệt mỏi và phù nề.

Tóm lại, bạn có thể cải thiện sau bữa ăn nhiều muối bằng cách uống đủ nước, ăn thực phẩm giàu kali và giảm lượng muối tiêu thụ trong các bữa ăn khác.

(Nguồn: laodong)