Thôn Nại Cửu, xã Triệu Thành (Triệu Phong, Quảng Trị) nằm dọc hai bên dòng sông Vĩnh Định- con sông đào dưới thời vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị. Đây là thôn quanh năm cây cối tốt tươi, thường được gọi bằng cái tên thân thương, trân trọng là “thôn hiếu học”, thôn có nghề “truyền chữ”, “thôn giáo viên”.
Thôn Nại Cửu có hơn 750 hộ với diện tích đất canh tác 250 ha, trong đó đất nông nghiệp 181 ha. Do đặc điểm ruộng đất canh tác có hạn nên người dân Nại Cửu làm thêm nhiều nghề như mộc, nề, trồng rau, buôn bán để sinh sống và nuôi con ăn học.
Từ trước đến nay, bên cạnh có hơn 500 giáo viên giảng dạy ở mọi miền đất nước, thôn còn có đến vài trăm người công tác trong các cơ quan nhà nước, trường học, công ty, xí nghiệp. Nhiều gia đình có 3- 4 thế hệ cùng làm nghề dạy học. Nhiều người có học hàm, học vị cao và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước và thành đạt trên các lĩnh vực sản xuất- kinh doanh.
Nguyên nhân đạt được kết quả đó thì có nhiều nhưng trong đó phải kể đến sự nỗ lực vượt khó của người dân trong việc nuôi dạy con cái thành người.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, thôn Nại Cửu tâm sự, truyền thống hiếu học của thôn là động lực mạnh mẽ nhất để cho con em vượt khó, học giỏi. Có nhiều gia đình, bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” giữa đồng ruộng nhưng các con của họ đều được học đại học, nhiều cháu thành đạt trong cuộc sống.
Có nhiều gia đình bố mẹ ốm đau, có người mang trọng bệnh nhưng vẫn xoay xở, dành dụm cho con theo học đến nơi đến chốn. Họ tâm niệm rằng, không theo đuổi sự học thì đời con, đời cháu họ có khi còn có cuộc sống khổ cực hơn. Mỗi năm, thôn Nại Cửu có 60- 70 học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, có năm lên đến 100 em.
Từ “cái khó ló cái khôn”, ngoài sự nỗ lực của mỗi gia đình thì các dòng họ, khu dân cư đều có sáng kiến xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, ghi nhận, biểu dương các cháu trên con đường học vấn.
Từ năm 2002, thôn Nại Cửu đã xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, hằng năm thôn tổ chức phát thưởng cho hàng trăm học sinh, sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, hội khuyến học của thôn làm cầu nối vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ vật chất cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để theo học.
Cùng với đó, Ban điều hành thôn Nại Cửu xây dựng giải thưởng Võ Tử Văn, mang tên của một người con ưu tú trong thôn đỗ Phó Bảng năm 1851 và làm quan dưới thời vua Tự Đức nổi tiếng trên con đường học vấn, một danh nhân của làng, một nhà giáo nổi tiếng, một nhà nho yêu nước thế kỷ XIX. Tấm gương của ông đã bồi đắp tinh thần hiếu học cho con em trong thôn.
Không chỉ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài của Ban điều hành thôn, các dòng họ, khu dân cư cũng xây dựng quỹ khuyến học để khen thưởng và hỗ trợ vật chất cho con em học giỏi và có hoàn cảnh khó khăn, điển hình như Ban khuyến học Khu dân cư 6, Ban khuyến học họ Hoàng, họ Trần, họ Võ, họ Lê, họ Nguyễn.
Mới đây, họ Hoàng được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2015- 2020. Năm 2002, họ Hoàng thành lập hội khuyến học.
Từ đó đến nay, họ Hoàng có hàng trăm học sinh tiêu biểu và hầu hết các cháu đã đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Họ Hoàng có nhiều gia đình 100% con em là cử nhân, 100% hộ được công nhận gia đình văn hoá, 118/125 hộ đạt tiêu chí gia đình học tập.
Anh Nguyễn Sơn, thôn Nại Cửu cho biết, anh rất biết ơn họ tộc của anh đã rất quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài trong dòng họ. Hằng năm, cứ vào rằm tháng 8 âm lịch, họ Nguyễn tổ chức phát thưởng cho các cháu có thành tích học giỏi năm học trước và động viên, căn dặn các cháu bước vào năm học mới với sự nỗ lực mới để gặt hái thành công trong học tập.
Nhờ sự động viên kịp thời đó mà các con anh học giỏi nay đã có việc làm ổn định ở Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Để góp phần phát huy truyền thống hiếu học, thôn Nại Cửu còn thành lập Câu lạc bộ nhà giáo là những người công tác trong ngành giáo dục- đào tạo đã nghỉ hưu và đang công tác lên đến hàng trăm người.
Hằng năm, vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, câu lạc bộ tổ chức gặp mặt để ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành giáo dục và đào tạo nói chung và con em trong thôn công tác trong ngành nói riêng, qua đó động viên nhau cùng nỗ lực vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của thôn.
Nhà giáo ưu tú Hoàng Minh Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhà giáo thôn Nại Cửu cho biết: “Tôi và nhiều cựu giáo chức dù đã rời xa bục giảng về nghỉ hưu nhưng vẫn rất tâm huyết với nghề dạy học, đặc biệt là đối với nền giáo dục của địa phương.
Để phát huy truyền thống hiếu học của thôn, chúng tôi đã quyết định thành lập Câu lạc bộ nhà giáo thôn Nại Cửu nhằm mục đích làm nền tảng, noi gương cho thế hệ trẻ trong việc học tập.
Qua đó, chúng tôi có điều kiện cùng với chính quyền địa phương phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, giúp đỡ để con em theo đuổi sự học trở thành người tài, xây dựng quê hương, đất nước. Hằng năm, câu lạc bộ đã tặng quà cho những em học sinh, sinh viên giỏi và các em có hoàn cảnh gia đình nghèo vươn lên học giỏi”…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)