Những năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị) ngày càng có những chuyển biến tích cực theo hướng đi sâu vào chất lượng, hiệu quả. Đã có nhiều mô hình điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả nhằm phát huy sức mạnh toàn dân trong tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó có việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Bản Cupua, xã Đakrông, huyện Đakrông là nơi có đa số đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Người dân nơi đây không chỉ chăm chỉ lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống mà còn xây dựng bản làng bình yên, không rượu bia, thuốc lá. Người khiến bà con dân bản thay đổi tập tục lạc hậu, thói quen từ lâu đời nay chính là Pả Ê Nót. Ông chính là người đã góp phần tích cực trong việc xây dựng thành công mô hình “Bản không có rượu bia, thuốc lá”, góp phần xây dựng bản làng ngày càng phát triển. Pả Ê Nót là một trong hơn 160 người có uy tín trong đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Đakrông phát huy vai trò tích cực trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần cùng lực lượng công an thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín, Công an huyện Đakrông đã phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác tranh thủ, phát huy vai trò của người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để kịp thời động viên, khích lệ và phát huy hiệu quả vai trò người uy tín, hằng năm vào các dịp lễ, tết hoặc những lúc thiên tai, hoạn nạn, ốm đau, Công an huyện đều tổ chức thăm, tặng quà người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời tổ chức cho người uy tín có thành tích xuất sắc tham quan, học tập tại các di tích lịch sử, gặp mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an.
Từ sự quan tâm, vận động, tuyên truyền của lực lượng công an, người có uy tín đã phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao vai trò, trách nhiệm, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bằng lời nói và việc làm cụ thể, sự gương mẫu của người có uy tín đã trở thành những tấm gương sáng để bà con dân bản noi theo và làm theo.
Người có uy tín trên địa bàn huyện Đakrông đã tích cực phối hợp với lực lượng công an trong công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng; tham gia phát hiện, phòng ngừa tố giác tội phạm; tuyên truyền vận động, giáo dục người thân, con em trong gia đình tích cực phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Từ sự tuyên truyền, giáo dục của đội ngũ người có uy tín đã tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức trách nhiệm của bà con dân bản. Đến nay, người có uy tín đã giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ hơn 30 đối tượng lầm lỗi trở thành người có ích cho xã hội.
Đặc biệt, người có uy tín là lực lượng nòng cốt trong tham gia xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm ở địa bàn cơ sở. Tiêu biểu như ông Ai Thân, mục sư đạo Tin lành ở thôn Làng Cát, xã Đakrông thực hiện hiệu quả mô hình “3 quản”, “3 giảm, 4 giữ” do chính quyền và Công an huyện phát động tại điểm nhóm phụ trách; ông Nguyễn Phúc Sơn, Trưởng Ban hộ tự Niệm Phật đường với việc vận động bà con, phật tử chấp hành pháp luật; ông Hồ Thanh Bân, Hồ Quang Thân, Hồ Văn Liễu… ở xã Hướng Hiệp là hạt nhân tích cực trong việc vận động bà con thôn bản tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở. Trong giai đoạn 2010- 2021, đội ngũ người có uy tín đã cung cấp cho lực lượng công an trên 250 tin báo tố giác tội phạm, trong đó có nhiều nguồn tin có giá trị giúp lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; vận động Nhân dân tự giác giao nộp hơn 70 khẩu súng tự chế, 3 khẩu súng quân dụng, hơn 20 kg thuốc nổ; vận động hơn 500 hộ dân ký cam kết tự quản đường biên, cột mốc và 15 hộ dân không di cư tự do…
Những người có uy tín trên địa bàn huyện còn có vai trò quan trọng trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn hóa. Bằng sự tích cực, nêu gương, những người có uy tín đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số nói không với tảo hôn, không vi phạm hôn nhân cận huyết thống, xây dựng văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thực hiện quy ước, hương ước cộng đồng, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu...
Từ những đóng góp hiệu quả của đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện Đakrông cho thấy vai trò cầu nối quan trọng giữa Đảng bộ, chính quyền và bà con dân bản trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)