Thời gian qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) triển khai nhiều giải pháp nâng cao, phát triển toàn diện nguồn nhân lực đối với đồng bào dân tộc thiểu số về thể lực, trí lực và tác phong, kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp.
Qua đó, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển KT - XH ở địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 52/NQCP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, UBND huyện Đakrông tổ chức quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đồng bào DTTS trên địa bàn huyện; lồng ghép nguồn nhân lực hỗ trợ chính sách từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự hưởng ứng tham gia của Nhân dân, sau 5 năm triển khai thực hiện, nhiều chỉ tiêu của nghị quyết đã hoàn thành sớm và vượt kế hoạch đề ra. Kết quả, về thể lực, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Cơ sở vật chất khám, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp đảm bảo tốt hơn. Đến nay, toàn huyện có 2 cơ sở chăm sóc sức khỏe cấp huyện, 13 trạm y tế xã, thị trấn và 5 phòng khám quân dân y kết hợp. Đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế được bổ sung cả số lượng lẫn chất lượng. Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được chú trọng và triển khai tích cực.
Các chính sách chăm sóc, hỗ trợ phụ nữ DTTS nghèo được quan tâm thực hiện tốt; hoạt động chăm sóc phụ nữ mang thai, cho con bú và sức khỏe sinh sản cho đồng bào DTTS được chú trọng. Nhờ vậy, năm 2020, tỉ lệ tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau khi sinh ra đạt 79,7%, tăng 2,6% so với năm 2016; tỉ lệ phụ nữ khám thai từ 3 lần trở lên trong thai kỳ đạt 75%, tăng 1,2 lần so với năm 2016; tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi người DTTS là 5,93%, giảm 15,11%o, vượt 10,89%o chỉ tiêu nghị quyết; tỉ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi trẻ em DTTS dưới 5 tuổi 23,6%, giảm 3,29% so với năm 2016, vượt 5,4% chỉ tiêu nghị quyết.
Mặt bằng dân trí ở huyện ngày càng được nâng cao. Hiện toàn huyện có 36 trường học trực thuộc huyện quản lý, gồm 16 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 6 trường tiểu học và trung học cơ sở, 1 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, tổng cộng các cấp học có 147 điểm trường. 100% số xã đạt chuẩn phổ cập mầm non và tiểu học, một số nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Tỉ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được cung cấp thông tin thị trường từ năm 2016 - 2020 đạt 51,18%, hoàn thành 102% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tổng số lao động qua đào tạo, tập huấn nghề đến cuối năm 2020 trên địa bàn huyện có khoảng 10.579 người, chiếm 43,33% dân số trong độ tuổi lao động, tăng 3.143 người (10,65%) so với cuối năm 2016.
Số lao động được tạo việc làm mới trong giai đoạn 2016 - 2020 là 5.010 người, trong đó DTTS 3.073 lao động; tham gia xuất khẩu lao động là 198 người, trong đó có 38 người DTTS. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS được quan tâm về hình thức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ. Ngày càng có nhiều cán bộ người DTTS được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý Nhà nước; bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng về tin học, ngoại ngữ…Nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ người DTTS được quan tâm cử đi học chuyên môn ở các trường đại học, cao đẳng để trở về xây dựng quê hương. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của huyện là người DTTS từng bước trưởng thành và phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng; có trách nhiệm, tâm huyết và tận tụy với công việc, luôn nỗ lực vì cuộc sống ấm no của Nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 475/1.669 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, trong đó công tác trong Huyện ủy và khối Mặt trận 8/47 người; cán bộ, công chức cấp xã 165/285 người; sự nghiệp giáo dục 294/1.235. Để phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tiếp theo, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết thông qua đề án phát triển nguồn nhân lực huyện Đakrông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều chỉ tiêu của nghị quyết đặt ra chưa hoàn thành như: Tuổi thọ trung bình của người DTTS, tỉ lệ trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non; số lượng sinh viên người DTTS/vạn dân, số người trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương…
Để thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt của Nghị quyết số 52/NQ-CP đặt ra và đề án phát triển nguồn nhân lực huyện Đakrông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong thời gian tới, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và toàn xã hội về phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, giáo dục từ huyện đến cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập và khám, chữa bệnh của Nhân dân. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chính sách dân số, gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, xây dựng môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện và nâng cao tuổi thọ của người dân.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và dạy, học; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện đồng bộ đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, khuyến khích, thu hút học sinh đến trường, đến lớp. Nâng cao chất lượng đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng nguồn cán bộ, nhất là cán bộ tại chỗ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)