Quảng Trị - Những ngày cuối năm

Trần Anh Ngọc |

Trên những cánh đồng mênh mông nước xuất hiện hàng ngàn con vịt trắng bơi lội, những ngôi nhà nứt vách, hàng rào xiêu vẹo đã được xây mới, sửa sang, đàn lợn con ủn ỉn trong chuồng… Bà con vùng lũ Quảng Trị nở nụ cười hạnh phúc, hân hoan chào đón mùa Tết quê sau quãng thời gian tuyệt vọng chống chọi với lũ dữ.

Sự sống nảy nở trên xóm nghèo

Từ sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), bằng ô tô, chúng tôi đi dọc tuyến đường tránh thành phố này rồi theo Quốc lộ 1A qua cầu Hiền Lương - chia đôi dòng Bến Hải để về Quảng Trị - vùng đất vừa gánh chịu thiệt hại nặng nề từ thiên tai.

Cách đây chừng một tháng, nơi đây hãy còn nhớp nháp bùn lầy trên khắp các nẻo đường quê. Nước lũ tràn qua cao đến gần 2m mang theo cỏ rơm, cành khô, túi nilon bám đầy trên các triền đê và tận những ngọt lồ ô cao vút.

Cách đây khoảng một tháng, Quảng Trị hãy còn nhớp nháp bùn lầy trên khắp các nẻo đường quê.
Cách đây khoảng một tháng, Quảng Trị hãy còn nhớp nháp bùn lầy trên khắp các nẻo đường quê.

Nước rút dần, vết sẹo trên tường gạch lộ rõ dưới những sợi nắng óng vàng của ngày đầu đông. Mùi bùn ướt xộc vào mũi khiến người thị thành cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Quảng Trị tháng 11 mang một màu buồn rũ rượi.

Cán bộ địa phương đã chờ chúng tôi từ sớm và liên tục gọi điện hỏi thăm hành trình, bất chấp cái lạnh chừng 20 độ C. Ai cũng tay bắt mặt mừng, gương mặt rạng rỡ như gặp lại cố nhân sau nhiều năm trời cách biệt.

Đường về Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) đã mất dấu bùn lầy, cây thay lá và cỏ bắt đầu xanh trên các triền đê nội đồng. Sự sống bắt đầu sinh sôi, nảy nở trở lại.

Gia tài mùa Tết là đàn vịt

Thôn nghèo Đạo Trung, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong với khoảng 350 hộ dân, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi và nông nghiệp. Diện tích mặt nước toàn thôn khoảng 20ha được hợp tác xã cho đấu thầu nuôi cá, mỗi tháng chừng 1,5 triệu đồng ở vị trí đọc đường trải bê tông.

Đàn vịt trắng hơn ngàn con thấy người dạt sang bờ xa rồi dần quen hơi, bơi qua bơi lại. Nơi đây vài tháng trước là ao cá trắm, cá trôi của gia đình ông Nguyễn Quý. Lũ về, cá theo dòng đi cả.

Nước rút dần, vết sẹo trên tường gạch lộ rõ dưới những sợi nắng.
Nước rút dần, vết sẹo trên tường gạch lộ rõ dưới những sợi nắng.

Vụ cá hàng ngàn con, mỗi con chừng 2kg chuẩn bị cho mùa Tết trong tích tắc không còn gì. Trong khoảnh khắc ấy, ông Quý gục xuống trong tuyệt vọng! Nhưng lần gặp lại này đây, là nụ cười toả trên môi.

Là một trong những hộ chịu thiệt hại nặng nhất thôn, ông Quý được lãnh đạo xã xếp đầu tiên trong danh sách những người cần hỗ trợ từ nguồn kinh phí do Tạp chí Ngày Nay vận động các doanh nghiệp và mạnh thường quân.

Ngày cầm 15 triệu đồng trên tay, ông mừng mừng tủi tủi: “Chưa bao giờ tôi nhận được một khoản hỗ trợ thiệt hại lũ lụt nào lớn như vậy để tái thiết cuộc sống, kể từ trận lụt lịch sử năm 1999 đến nay”.

Tàn tích của trận lũ lụt lịch sử để lại ở thôn Đạo Trung.
Tàn tích của trận lũ lụt lịch sử để lại ở thôn Đạo Trung.

Nước lũ rút, ao nước nhiễm bẩn không thể nuôi cá, ông quyết định dùng số tiền vừa nhận được mua hơn 1.000 con vịt, mỗi con có giá từ 10.000 đồng – 15.000 đồng để nuôi. Ông dùng hết chừng 13 triệu mua con giống, số còn lại mua cám thực phẩm.

Đàn vịt sau hơn một tháng đã lớn nhiều và dự tính sẽ được xuất chuồng trong những ngày cận Tết. “Một con vịt nuôi hai tháng rưỡi, bán được khoảng 70.000 đồng – 80.000 đồng, nếu trễ hơn có thể lỗ vốn. Đây là tất cả gia tài của gia đình sau khi đàn cá hơn trăm triệu theo lũ đi mất”, ông lại đượm buồn một thoáng.

Đàn vịt của nhà ông Quý đã lớn nhiều và chờ ngày xuất chuồng.
Đàn vịt của nhà ông Quý đã lớn nhiều và chờ ngày xuất chuồng.

Tuy vậy, ông Quý vẫn rất lạc quan vì số tiền thu được từ bán vịt sẽ giúp ông trang trải một phần trong dịp Tết cổ truyền. Ông dự tính ra Giêng sẽ tiến hành mua vôi về thao chua ao nước để tiếp tục kết hợp mô hình vườn ao chuồng như đã từng.

Lời cầu cứu bên dòng Thạch Hãn

Nạn khai thác cát trái phép trên dòng Thạch Hãn đang tàn phá cuộc sống của người dân đôi bờ. Lũ quét qua, cái khó cái khổ càng hiện ra rõ ràng hơn. Ngôi nhà bằng gỗ tạm của anh Đinh Viết Quốc ở thôn Vinh Quang Hạ, xã Gio Quang, huyện Gio Linh đã bị xoá sổ trong trận lũ này.

Anh Quốc mừng rỡ khi thấy chúng tôi đến thăm. Phía sau là rớ chàng mới được anh Quốc lắp đặt lại từ một phần số tiền hỗ trợ.
Anh Quốc mừng rỡ khi thấy chúng tôi đến thăm. Phía sau là rớ chàng mới được anh Quốc lắp đặt lại từ một phần số tiền hỗ trợ.

Sau khi lấy vợ sinh con, anh Quốc dắt díu hai mẹ con ra riêng, làm tạm nhà cách bờ Thạch Hãn 5m để mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Cát tặc hút dần, bờ sạt lở, ăn vào sát móng nhà. Lũ về cuốn theo tất cả, từ hai bộ rớ chàng (dụng cụ đánh bắt cá sông, thường thấy ở vùng sông nước mặn, nước lợ), chiếc ghe đến xoong nồi, chén đũa.

Hai mẹ con giờ phải nương nhờ nhà ngoại, anh Quốc một mình bám trụ bờ sông kiếm cá, kiếm cơm. Từ 15 triệu đồng tiền hỗ trợ tái thiết do các nhà hảo tâm ủng hộ, người bố trẻ vay mượn thêm để làm lại bộ rớ chàng mới. Một thân, anh đứng trên thuyền thúng, tròn 12 tiếng đồng hồ để cắm cọc, giăng lưới, kéo dây vào ròng rọc.

Dưới lòng Thạch Hãn, cá đối, cá mè không còn nhiều như trước nữa. Mỗi đêm, anh Quốc hạ rớ chàng nhiều nhất ba lần, cách nhau khoảng bốn tiếng. Nước đứng, cá bị thu hút bởi ánh đèn bơi vào. Đêm nào trúng mẻ, anh đưa cho vợ mang ra chợ bán, nhiều được 300.000 đồng, có đêm tay trắng. Mùa hè nhiều cá hơn mùa đông. Mỗi tháng thu nhập của hai vợ chồng chỉ chừng ba bốn triệu đồng có lẻ.

Nhà của gia đình anh Quốc bị nước lũ cuốn trôi tất cả.
Nhà của gia đình anh Quốc bị nước lũ cuốn trôi tất cả.

Khó khăn là vậy nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi người bố trẻ. Anh còn nói vui là cố gắng vượt qua khó khăn giai đoạn này để sửa sang lại nhà cửa, đưa vợ con về lại, có cá ăn cá, có rau ăn rau, chỉ mong thuỷ thần đừng đánh phá mãi.

Đàn lợn con của Mệ

Mệ năm nay gần 70 tuổi, đang cuốc đất trên mảnh vườn trước nhà. Nhìn thấy chúng tôi, Mệ vội vã bỏ cuốc chạy ra đón rồi dẫn ra sau nhà, chỉ vào đàn lợn 10 con vừa mới mua, cả thảy hết 12 triệu đồng.

Mệ vui mừng đưa đoàn ra xem đàn lợn mới mua.
Mệ vui mừng đưa đoàn ra xem đàn lợn mới mua.

Xong rồi, Mệ lại đưa đoàn ra bãi đất phía sau, mở cửa chuồng gà trống toang hoang nói như muốn khóc. Lũ về, Mệ cùng người thân không kịp cứu, đến khi nước rút, đàn gà mấy trăm con chết cả, nằm la liệt trong chuồng đang khoá chặt cửa. Mệ thuê xe đến chở đi tiêu huỷ, xe đứng kẹt cả trước nhà.

Hàng trăm con gà vịt khác của Mệ đang nuôi ở ngoài đồng cũng chết không còn một con sau trận lũ. Ba con lợn cũng thế. Mệ ngậm ngùi kể rồi lại nở nụ cười trên gương mặt đã nhăn nheo theo năm tháng khi nhắc đến khoản hỗ trợ của đoàn.

“Các con cho Mệ 15 triệu, Mệ bắt 10 con lợn hết 12 triệu rồi, còn mấy triệu mua thức ăn cho nó. Mệ nuôi mới mấy ngày giá heo lên, Mệ lời mỗi con 300.000 đồng rồi. Nhưng mà phải nuôi lớn rồi Mệ mới bán được”.

Mệ lại dẫn chúng tôi ra chuồng gà phía sau nhà, kể lại trận lũ.
Mệ lại dẫn chúng tôi ra chuồng gà phía sau nhà, kể lại trận lũ.

Mệ là Hoàng Thị Thành, ở thôn Kỳ Trúc, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Hàng xóm nhìn Mệ, không ai xì xầm gì cả!

Quảng Trị - Có buồn, có vui, có tủi tủi!

Với tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, lá lành đùm lá rách. Ngay khi nhận được kế hoạch cứu trợ đồng bào miền Trung của Tạp chí Ngày Nay, đã có nhiều doanh nghiệp và cá nhân đồng thuận ủng hộ đóng góp.

Đại diện Toà soạn Ngày Nay, Phòng Ngoại tuyến Công an tỉnh Quảng Trị và Chính quyền địa phương trao tiền hỗ trợ cho người dân.
Đại diện Toà soạn Ngày Nay, Phòng Ngoại tuyến Công an tỉnh Quảng Trị và Chính quyền địa phương trao tiền hỗ trợ cho người dân.

1/ Tập đoàn Vingroup: 100 triệu đồng.

2/ Công ty dược mỹ phẩm CVI: 100 triệu đồng.

3/ Tập đoàn Hưng Thịnh: 100 triệu đồng.

Đặc biệt là sự ủng hộ của chị Hà với số tiền 15.000 USD.

Số tiền 650 triệu đồng đã được Toà soạn Ngày Nay kết hợp cùng Phòng Ngoại tuyến Công an tỉnh Quảng Trị và Chính quyền địa phương chuyển đến 40 hộ dân Quảng Trị chịu nhiều thiệt hại để tái thiết cuộc sống.

(Nguồn: Ngày Nay)

TAGS