Quán triệt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả), đến nay, mọi công tác chuẩn bị ứng phó đã được ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai nhằm phòng, chống và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cũng như nhiều gia đình khác ở thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), khi có mưa lớn kéo dài những ngày đầu tháng 10/2023, anh Nguyễn Quang Thái đã chủ động cất trữ lúa lên chái nhà, kê cao những vật dụng có giá trị phòng ngừa ngập lụt. Anh Thái chia sẻ: “Ở vùng rốn lũ nên chúng tôi luôn sẵn sàng các phương án phòng tránh lũ. Sau khi thu hoạch xong vụ hè thu là phải cất trữ lúa lên cao, chuẩn bị lương thực thực phẩm, nước uống, sửa sang lại thuyền ghe để đề phòng nước ngập sâu là đưa vợ con đi sơ tán, đảm bảo an toàn”.
Là địa bàn nằm ở vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng, vào mùa mưa lũ, xã Hải Định thường có đến hơn 90% số hộ dân bị ngập nước khá sâu, nhiều vùng bị chia cắt nên UBND xã đã chủ động các phương án ứng phó, quán triệt tinh thần “phòng là chính”.
Ông Bùi Như Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định cho biết: “Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cũng như ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân, trước mùa mưa bão, UBND xã đã kiểm tra, khảo sát hiện trạng cầu cống, đường giao thông và các điểm xung yếu có khả năng bị ngập sâu khi nước lũ dâng cao để có biện pháp cảnh báo, phòng tránh. Chỉ đạo các thôn, các hợp tác xã (HTX) kiểm tra lại toàn bộ ghe xuồng, máy nổ, máy phát điện, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời tiến hành rà soát những hộ nằm ở vùng nguy hiểm, nhà cửa tạm bợ, dễ bị thiệt hại để có phương án di dời đến nơi an toàn khi thiên tai xảy ra”.
Mùa mưa lũ hằng năm, huyện Hải Lăng luôn chịu thiệt hại nặng nề. Mọi công tác chuẩn bị ứng phó mưa lũ dài ngày của các xã trên địa bàn huyện được đẩy nhanh và làm sớm hơn một bước so với các địa phương khác. Cùng với theo dõi cập nhật dự báo tình hình thời tiết, toàn huyện duy trì nghiêm chế độ trực, xây dựng và kiện toàn kế hoạch phòng, chống bão lụt, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như phương tiện tàu thuyền với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Xác định phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, trên cơ sở kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện đề án tại địa phương.
Các xã, phường, thị trấn đã thành lập, củng cố đội xung kích PCTT tại cơ sở với số lượng 50 - 70 người/xã do lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt. Hệ thống các trạm cảnh báo thiên tai được đầu tư cơ bản và tương đối đồng bộ đảm bảo từng bước nâng cao chất lượng trong thông tin, cảnh báo, dự báo.
Hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác PCTT bước đầu dần hình thành như mô hình thủy lực dự báo, cảnh báo ngập lụt cho lưu vực sông Bến Hải và Thạch Hãn, bản đồ đường đi của bão, bộ bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão. Tỉnh đã quan tâm đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, đảm bảo hệ thống vật tư, phương tiện cho các đơn vị, địa phương. Dự phòng và sẵn sàng các nhu yếu phẩm để sử dụng khi cần thiết như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước uống, hóa chất khử trùng...
Ông Lê Chí Công, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết: “Để đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập và đê điều trước mùa mưa lũ năm 2023, đến nay các địa phương, đơn vị đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình nhằm phát hiện và khắc phục, sửa chữa, tu bổ kịp thời các hư hỏng. Đồng thời xây dựng, rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đối với các hồ, đập; phương án hộ đê tại các khu vực xung yếu đối với các tuyến đê, kè để chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra”.
Trước diễn biến mưa lớn kéo dài những ngày qua, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành Công điện số 04/CĐ-BCH ngày 17/10/2023 về chủ động triển khai ứng phó với tình hình mưa lũ và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông.
Trong đó yêu cầu các địa phương, nhất là các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành chức năng thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão; tổ chức cấm biển từ 17 giờ ngày 17/10/2023 cho đến khi thời tiết trên biển trở lại bình thường; thông tin, tuyên truyền và có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên đảo Cồn Cỏ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung chỉ đạo tại Công điện khẩn số 03/CĐ-UBND ngày 10/10/2023 của UBND tỉnh về việc tập trung ứng phó với tình hình mưa lũ và Công điện số 07/CĐ-BCH ngày 13/10/2023 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc chủ động triển khai ứng phó với tình hình mưa lũ và vùng áp thấp.
Theo đó, các địa phương cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin về tình hình mưa lũ nhanh nhạy, kịp thời, chính xác. Thực hiện PCTT theo ba giai đoạn “phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả”, bám sát phương châm “4 tại chỗ”, thường xuyên tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa cho từng loại hình thiên tai, từng khu vực.
Sẵn sàng các phương án chủ động trong mọi tình huống, đảm bảo triển khai ứng phó có hiệu quả khi thiên tai xảy ra ở quy mô lớn; ưu tiên tăng cường lực lượng tại các địa bàn, vị trí xung yếu. Các sở, ngành, địa phương tùy theo chức năng nhiệm vụ được phân công để triển khai thực hiện hiệu quả.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)