Sống ảo, hậu quả thật

Lâm Thanh |

Những ngày qua, hình ảnh con sao biển nằm chết khô trên một bãi biển ở Phú Quốc khiến không ít người xót xa. Những con sao biển mềm mại với năm cánh đối xứng thường thấy bỗng trở nên khô héo, quắt queo nằm thành hình tròn trên bãi cát không biết có gợi cho chủ nhân của những bức ảnh sống ảo trước đó chút suy nghĩ gì không. Có thấy mình đối xử tàn nhẫn với loài sinh vật biển này không và những bức ảnh đó có thực sự là những bức ảnh đẹp? 

Nguyên nhân của sự việc trên được cho là do khách du lịch bắt sao biển lên bờ xếp lại chụp ảnh sống ảo rồi vô tình bỏ về mà quên thả sao biển xuống nước nên chúng bị chết. Đây chỉ là hành động vô ý của một số người, không phải số đông nhưng nếu không lên tiếng, biết đâu sẽ có rất nhiều con sao biển khác, ở nhiều bãi biển khác nhau trong cả nước cũng sẽ nằm phơi mình trên cát, bị chết khô vì tách khỏi môi trường sống thân thuộc của mình. Sao biển không có khả năng hô hấp trực tiếp bằng không khí, nên khi bị tách khỏi mặt nước sẽ nhanh chóng ngạt thở. Đa số sao biển sẽ chết chỉ sau khoảng 3 - 5 phút bị tách ra khỏi mặt nước, thậm chí có thể dưới 1 phút nếu bị nhấc lên đặt xuống nhiều lần.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ là vài con sao biển thôi mà, hẳn khi bắt chúng lên bờ để phục vụ cho mục đích sống ảo của mình, ai đó sẽ nghĩ như thế, nên mới vô tâm như vậy. Họ không biết rằng, mỗi loại sinh vật đều có sự đóng góp cho hệ sinh thái chung. Sao biển là loài chủ chốt trong hệ sinh thái. Sự xuất hiện của sao biển đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình luân chuyển hữu cơ, vận hành hệ sinh thái mà chúng tồn tại. Vì vậy, việc thiếu vắng hoặc suy thoái của sao biển có thể dẫn đến sụp đổ cả hệ sinh thái dưới biển.  

Sống ảo, khái niệm này được biết đến nhiều hơn khi mạng xã hội phát triển rộng rãi. Đây là một trào lưu ngày càng xuất hiện phổ biến trên Facebook và các mạng xã hội khác. Sống ảo là hành động, việc làm xa rời với thực tế, tự tạo ra niềm vui cho riêng mình qua những lượt tương tác trên mạng xã hội như câu like, thả tim, lượt theo dõi… Sẽ không có gì đáng nói nếu như cách sống ảo đó không kéo theo sự xói mòn về giá trị đạo đức ở một bộ phận người trẻ, bỏ qua những giá trị chuẩn mực đạo đức, truyền thống vốn là nền tảng cốt cách của mỗi con người. Sẽ không có gì đáng nói nếu việc sống ảo đó không bức tử sự sống của các con vật như sao biển hay không phá hoại cảnh đẹp thiên nhiên xung quanh chúng ta như dẫm lên vườn cây hay bẻ hoa để chụp ảnh. Không hiểu tại sao lại có những người ăn mặc sang trọng, tay ôm một bó hoa mai anh đào đã bị bẻ gãy, vô tư chụp ảnh tự sướng dù đã được những người xung quanh nhắc nhở. Hay có người đứng ngay dưới tấm biển báo: “Không hái hoa, bẻ cành. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt 125.000 đồng” nhưng vẫn tươi cười cầm bó hoa (đã bị bẻ trước đó) đứng chụp ảnh cạnh tấm biển như thách thức với quy định.  

Trước đây, vì lối sống ảo của nhiều bạn trẻ mà những người trồng cải ở Đơn Dương, Lâm Đồng đã phải bỏ ngang công việc để ra đồng canh chừng vườn hoa cải. Bởi lẽ, ngày nào họ cũng đau lòng khi phát hiện nhiều khu vực của vườn bị dẫm nát bởi những thanh niên chụp hình tự sướng. Nhìn vườn cải mùa đơm hoa bị giẫm nát, những bụi hoa cải bị bẻ vương vãi khắp nơi trên những con đường làng…mới thấy rằng, đằng sau những bức hình bầu trời đầy nắng với hoa cải vàng rực cùng nụ cười xinh tươi của ai đó là những giọt mồ hôi, nước mắt của người nông dân khi thấy sản phẩm của họ bị phá hoại không chút thương tiếc.

Chỉ để có một vài bức ảnh lung linh, không ít du khách đã “bức tử” những sinh vật đẹp đẽ của biển cả. Để kiếm được nhiều like trên mạng xã hội, không ít người dẫm lên vườn cây mà người nông dân đã dày công chăm bón.   Thật ngạc nhiên khi các bạn trẻ nhìn thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên, của hoa lá, muốn lưu giữ vẻ đẹp ấy nhưng lại không có ý thức trong việc nâng niu, gìn giữ. Muốn nuôi dưỡng cái đẹp cho đời sống, thì hơn ai hết chúng ta phải biết trân trọng và gìn giữ. Cảnh đẹp tất nhiên ai cũng thích, nhất là những cảnh đẹp đó được lưu giữ trong các bức hình được chính chúng ta cất giữ theo tháng năm. Nhưng không phải vì thích mà cho phép mình có những hành động vô ý thức dẫn đến tàn phá cảnh đẹp thiên nhiên hay gây thiệt hại về kinh tế cho những người nông dân hiền lành, chất phác, gắn miếng cơm, manh áo với ruộng đồng.  

Hệ lụy của sống ảo trong cuộc sống thật rất nhiều. Nhưng ở đây chỉ đề cập đến ý thức bảo vệ môi trường, hệ sinh thái xung quanh chúng ta từ hành vi vô ý thức của một số bạn trẻ. Những sự việc trên cần bị lên án, cũng là lời cảnh tỉnh các bạn trẻ về ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh thái xung quanh chúng ta. Hãy chung tay cùng cộng đồng, xã hội để bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái và phát triển hài hòa với thiên nhiên. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính mình. Và điều này, đôi khi chỉ bắt nguồn từ một việc nhỏ, đó là điều chỉnh lối sống ảo để đừng gây ra hệ lụy thật. 

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Linh 7 và 8 ủng hộ 10 triệu đồng xây dựng công viên Lao Bảo

Xanh EWEC |

Ngày 16/4/2021, Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Linh 7 và 8 đã trao số tiền 10 triệu đồng cho UBND thị trấn Lao Bảo và Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị để xây dựng công trình cây xanh, bồn hoa tại Công viên Văn hoá trung tâm Lao Bảo.

Bắn pháo hoa tầm thấp nhân sự kiện khai trương mùa du lịch biển, đảo

BT |

Để phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 – 2021), 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972 – 2021) và kích cầu các hoạt động du lịch, ngày 14/4/2021, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành chương trình, kế hoạch bắn pháo hoa tầm thấp vào ngày 30/4/2021.

Hơn 200 học sinh ra quân dọn vệ sinh tại công viên Lao Bảo

Thiên Sơn |

Sáng ngày 15/4, hơn 200 học sinh ở các trường THCS và THPT Lao Bảo đã ra quân nhặt rác, dọn vệ sinh tại Công viên Văn hoá trung tâm Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị). 

Quảng Trị: Bảo tồn những ngôi nhà rường cổ ở làng Hội Kỳ

PV |

Hàng trăm năm qua, những căn nhà rường cổ được xem là báu vật có một không hai của người dân làng Hội Kỳ (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng) nói riêng và người dân tỉnh Quảng Trị nói chung.